Tập đoàn đứng sau đội tàu sân bay hạt nhân và chiến cơ huyền thoại của Mỹ

Northrop Grumman là một trong những tập đoàn quốc phòng lớn nhất ở Mỹ, là đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất các tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz cho hải quân nước này.

Lịch sử hình thành và phát triển

Northrop Grumman được khai sinh bởi nhà thiết kế hàng không người Mỹ John Knudsen Northrop. Ông Northrop thành lập công ty đầu tiên của mình - Avion Corporation vào năm 1928.

Sau nhiều năm hoạt động không thực sự thành công, ông Northrop tái thành lập công ty của mình dưới cái tên Northrop Airplane vào năm 1939. Từ đây, công ty bắt đầu khởi sắc với các hợp đồng sản xuất động cơ cho máy bay đánh chặn trong Thế chiến II. Tới năm 1958, Northrop Airplane đổi tên thành Northrop Corporation.

Oanh tạc cơ B-2 Spirit. Ảnh: NG

Những năm sau đó, Northrop Corporation trở thành nhà một trong những nhà sản xuất máy bay chính của Mỹ và là nhà cung cấp chính các hệ thống dẫn đường cho tên lửa chiến thuật và chiến lược. Tới năm 1981, công ty này nhận được hợp đồng chế tạo máy bay ném bom B-2 Spirit.

Phần di sản còn lại của Northrop Grumman được bắt đầu từ năm 1929, khi kỹ sư Leroy R. Grumman thành lập Tập đoàn Kỹ thuật máy bay Grumman. Năm 1969, tập đoàn này trở nên nổi tiếng nhờ chế tạo tiêm kích F-14 Tomcat. Tới năm 1994, Northrop Corporation mua lại Grumman với giá 2,1 tỷ USD. Từ đây, cái tên Northrop Grumman chính thức ra đời.

Trong những năm tiếp theo, Northrop Grumman liên tục mua lại các công ty vũ khí nhỏ hơn để lấn sân sang lĩnh vực đóng tàu và hàng không vũ trụ. Ở bất kỳ lĩnh vực nào, tập đoàn cũng đạt được thành công lớn và dần dần khẳng định vị trí vững chắc trong nền công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Sản phẩm tiêu biểu

F-14 Tomcat

F-14 là cái tên đã trở thành huyền thoại với các phi công Mỹ. Máy bay này được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1970, đưa vào biên chế hải quân Mỹ năm 1974.

Tiêm kích F-14 Tomcat. Ảnh: USAF

Tháng 8/1981, F-14 có lần thực chiến đầu tiên tại Libya và gây được tiếng vang lớn. Những năm sau đó, hơn 700 chiếc F-14 đã được chế tạo và vận hành. Nhiệm vụ chiến đấu cuối cùng của máy bay này diễn ra vào ngày 8/2/2006, tới tháng 9/2006, hải quân Mỹ ngưng sử dụng toàn bộ phi đội F-14.

Bên cạnh năng lực tác chiến mạnh mẽ, F-14 cũng nổi tiếng và trở thành biểu tượng trong văn hóa đại chúng nhờ bộ phim Top Gun (1986). Hình ảnh diễn viên Tom Cruise điều khiển chiếc F-14 đã truyền cảm hứng cho rất nhiều thanh niên Mỹ, khiến số hồ sơ đăng ký tham gia không quân khi ấy tăng vọt.

B-2 Spirit

Máy bay ném bom B-21 Raider. Ảnh: NG

B-2 Spirit là loại máy bay chiến đấu đắt nhất trên thế giới, với chi phí cho mỗi chiếc từ 1,2 tới 2 tỷ USD, hiện Mỹ chỉ có khoảng 20 chiếc B-2 trong biên chế. Oanh tạc cơ do Northrop Grumman sản xuất được trang bị công nghệ tàng hình tiên tiến, có thể mang cả bom thông minh lẫn bom hạt nhân, có khả năng thích ứng với nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Vào tháng 12/2022, Northrop Grumman đã giới thiệu người kế nhiệm của B-2 là B-21 Raider. Đây được coi là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 đầu tiên trên thế giới.

Tàu sân bay lớp Nimitz

Tàu sân bay USS George H.W. Bush. Ảnh: US Navy

Hiện hải quân Mỹ đang sở hữu 11 tàu sân bay hạt nhân, 10 chiếc trong đó thuộc lớp Nimitz. Mẫu hạm lớp Nimitz đầu tiên được đưa vào biên chế năm 1975. Chiếc cuối cùng là USS George H.W. Bush được Northrop Grumman bàn giao năm 2009.

Các tàu sân bay lớp Nimitz có chiều dài 332,8m, lượng choán nước 97.000 tấn và có thể mang hơn 60 máy bay. Được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân, các mẫu hạm Mỹ có thể đạt tốc độ tối đa hơn 30 hải lý/giờ.

Việt Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tap-doan-dung-sau-doi-tau-san-bay-hat-nhan-va-chien-co-huyen-thoai-cua-my-2129609.html