Tạp chí thơ châm biếm xuất bản trong thời gian trốn Đức Quốc xã

Curt Bloch đã được những người giấu mình tiếp tế các vật liệu cần thiết để thực hiện 95 số tạp chí sáng tạo trong hơn hai năm trốn khỏi quân phát-xít Đức.

Đến nay, gần 80 năm sau khi nạn diệt chủng Do Thái kết thúc, đã có rất nhiều sáng tác của những nạn nhân người Do Thái phải trốn tránh khỏi Đức Quốc xã được công bố và giới thiệu đến đông đảo độc giả trên toàn thế giới. Dẫu vậy, vẫn còn những người nghệ sĩ chỉ mới được phát hiện vài năm trở lại đây.

Những sáng tạo đặc sắc suýt rơi vào quên lãng

Theo The New York Times, con gái của Bloch, Simone Bloch, nay đã 64 tuổi, nhớ đã nhìn thấy những cuốn tạp chí suốt thời thơ ấu. Bà kể: “Vài lần ông ấy đọc chỗ tạp chí trong các bữa tiệc tối nhưng ngày ấy tôi không hiểu tiếng Đức”. Bà và cha mình chưa từng có mối quan hệ thực sự tốt trong thuở thiếu thời nổi loạn của bà. Bà không thực sự hiểu và chưa bao giờ đặc biệt chú ý đến tầm quan trọng của số tạp chí. Cha bà đột ngột qua đời vì bệnh gan năm bà 15 tuổi.

Tuy nhiên, nhiều năm sau, Lucy, con gái của Simone, lại quan tâm đến các tờ tạp chí, không chỉ như kỷ vật gia đình mà còn như dấu ấn của lịch sử. Cô nhận được trợ cấp nghiên cứu để đến Đức, nơi cô có thể nghiên cứu thêm về lịch sử của ông ngoại mình. Simone sau đó đã dành nhiều năm tìm cách giới thiệu đến công chúng chỗ tạp chí này - một trong số rất ít nỗ lực văn học chưa được khám phá trước đây ghi lại nạn diệt chủng Holocaust ở châu Âu.

Trang bìa của Bloch minh họa. Ảnh: Charities Aid Foundation America.

Nỗ lực này đã dẫn đến việc xuất bản cuốn sách The Underwater Cabaret: The Satirical Resistance of Curt Bloch (tạm dịch: Tửu quán dưới nước: Kháng chiến bằng Giễu nhại của Curt Bloch), do Gerard Groeneveld chấp bút, xuất bản ở Hà Lan vào đầu năm nay. Sắp tới đây cũng sẽ có triển lãm tại bảo tàng, "Vần thơ tôi tựa như thuốc nổ" - Tửu quán dưới nước của Curt Bloch, dự kiến khai mạc vào tháng 2 tại Bảo tàng Jüdisches Berlin.

Aubrey Pomerance, một giám tuyển của triển lãm cho biết: “Mỗi dịp một tác phẩm tầm cỡ này (nhưng hầu như chưa được biết đến) xuất hiện, đều rất trọng đại... Phần lớn các tác phẩm tạo ra trong thời gian ẩn náu đã bị tiêu hủy. Nếu không thì cũng đã thu hút công chúng từ trước rồi. Vì vậy chuyện này cực kỳ thú vị".

Nghiên cứu của Pomerance và Groeneveld cho triển lãm và cuốn sách đã làm sáng tỏ nhiều khía cạnh trong cuộc sống của Bloch.

Chạy trốn khỏi quân Đức Quốc xã chiếm đóng

Sinh ra ở Dortmund, một thành phố công nghiệp ở miền Tây nước Đức, năm 24 tuổi Bloch làm công việc đầu tiên là thư ký pháp lý. Khi đó, Hitler trở thành thủ tướng Đức vào năm 1933. Bạo lực bài Do Thái ở quê hương Bloch leo thang ngay cả trước khi các biện pháp chống Do Thái chính thức được ban hành.

Chân dung Curt Bloch. Ảnh: Jewish Museum Berlin.

Cùng năm đó, sau khi bị đồng nghiệp đe dọa tính mạng, Bloch trốn sang Amsterdam, hy vọng tìm được nơi ẩn náu khi trốn xa hơn về phía tây, nhưng kế hoạch tan thành mây khói khi quân Đức xâm lược vào năm 1940. Công ty của Bloch thuyên chuyển ông đến The Hague, nhưng khi những người Do Thái không phải công dân Hà Lan bị buộc rời khỏi các tỉnh phía tây Hà Lan theo sắc lệnh của người chiếm đóng, ông lại được điều đến một công ty con ở Enschede.

Tại đây ông nhận việc tại Hội đồng Do Thái địa phương, tổ chức do các giám sát viên người Đức thành lập để thực thi các sắc lệnh chống Do Thái của Đức Quốc xã. Người Do Thái làm việc cho hội đồng được đảm bảo rằng họ an toàn không bị trục xuất. Về bề mặt, Bloch là cố vấn “các vấn đề nhập cư”, dù chẳng có cơ hội nhập cư nào cả - chỉ có lưu chuyển đến trại tập trung. Hội đồng Enschede hiểu rõ mối nguy hiểm và cảnh báo các thành viên của mình nên lẩn trốn.

Việc này được một mục sư có ảnh hưởng của Nhà thờ Cải cách Hà Lan, Leendert Overduin, hỗ trợ. Ông bí mật điều hành tổ chức kháng chiến tên gọi Hội Overduin gồm khoảng 50 người, trong đó có cả hai chị em gái của Overduin. Họ giúp khoảng 1.000 người Do Thái tìm nơi ẩn náu. Overduin đã bị bắt ba lần và bị bỏ tù vì công việc này. Ông đã được Yad Vashem, trung tâm tưởng niệm Diệt chủng Do Thái ở Jerusalem, công nhận là Người vì Chính nghĩa giữa các Quốc gia.

Căn gác mái eo hẹp - không gian sáng tạo của Bloch

Nhóm Overduin tìm cho Bloch một nơi ẩn náu trong nhà của Bertus Menneken. Trong hơn hai năm, mái nhà của Curt Bloch chỉ là khoảng không gian eo hẹp dưới xà một ngôi nhà gạch khiêm tốn ở Enschede, một thành phố của Hà Lan gần biên giới Đức.

Căn gác mái chỉ có một cửa sổ nhỏ. Ông chia sẻ không gian này với hai người trưởng thành khác: một người tị nạn Do Thái-Đức 44 tuổi, Bruno Löwenberg, và bạn gái 22 tuổi của Löwenberg, Karola Wolf, họ gọi cô là Ola. Trong thời gian lẩn trốn, Bloch đã yêu Ola và viết rất nhiều bài thơ dành riêng cho cô.

Về mặt đó, ông giống như ít nhất 10.000 người Do Thái trốn ở Hà Lan và cố gắng sống bằng cách giả vờ như không tồn tại. Ít nhất 104.000 người khác - nhiều trong số này cũng tìm nơi ẩn náu nhưng bị phát hiện - cuối cùng không tránh được cửa tử.

Nhưng trải nghiệm của Bloch khác ở chỗ, ngoài thức ăn và sự chăm sóc, những người trợ giúp ông còn mang đến bút, keo dán, báo và các tài liệu in khác ông dùng để thực hiện một ấn phẩm đáng kinh ngạc: tạp chí thơ châm biếm hàng tuần của riêng mình.

Từ tháng 8/1943 đến khi được tự do vào tháng 4/1945, Bloch đã thực hiện 95 số tạp chí Het Onderwater Cabaret, hay Tửu quán dưới nước (The Underwater Cabaret). Cái tên này để đáp lại một chương trình bằng tiếng Đức trên sóng phát thanh của Hà Lan trong thời kỳ bị chiếm đóng, Tửu quán chiều chủ nhật (Sunday Afternoon Cabaret).

Nhưng Groeneveld giải thích Tửu quán dưới nước lấy tên từ một thuật ngữ độc đáo trong tiếng Hà Lan chỉ hành động lẩn trốn: “onderduiken”. Dịch từ này theo nghĩa đen “lặn xuống”, nhưng cách dịch phổ biến là “trốn khỏi tầm nhìn của công chúng”. Người đang lẩn trốn là một “onderduiker”, người đã “đi dưới nước” hoặc bị nhấn chìm.

Tửu quán dưới nước - một tiếng nói chính trị sắc sảo

Tạp chí của Bloch đậm màu sắc giễu nhại. Ảnh: Charities Aid Foundation America.

Mỗi số báo đều bao gồm tác phẩm hội họa, thơ ca và âm nhạc nguyên bản, thường nhắm vào Đức Quốc xã và các đồng minh Hà Lan. Bloch viết bằng cả tiếng Đức và tiếng Hà Lan, chế nhạo các hoạt động tuyên truyền của Đức Quốc xã, đối đáp lại các tin tức chiến tranh và đưa ra góc nhìn của cá nhân ông về những túng thiếu trong thời chiến.

Trong một bài thơ, ông mỉa mai ví von các sự kiện của thời cuộc như việc hóa thành một con thú trong thế giới động vật:

Linh cẩu và chó rừng

Liếc nhìn mà tị nạnh

Vì bọn chúng giờ đây

Hệt lễ sinh ngoan đạo

Khi so với loài người.

Bloch chia sẻ tạp chí viết tay của mình với những người chung sống, gia đình đã che chở cho mình và có thể cả những người giúp đỡ bên ngoài và những người Do Thái khác đang ẩn náu. Sống sót sau cuộc chiến, Bloch thu thập các tờ tạp chí, mang về nhà và cuối cùng đến New York, nơi ông di cư.

Chỗ tạp chí nằm lại trên một số giá sách, những tác phẩm vô danh của một người không qua đào tạo thi ca hay nghệ thuật mà học luật. Groeneveld nhận xét: “Ông ấy rất dũng cảm, nhưng cũng có phần liều lĩnh.”

Mỗi số tạp chí của Bloch chỉ có một ấn bản duy nhất. Nhưng có thể đến 20-30 người đọc. Groeneveld nhận định: “Đứng sau ông là một tổ chức lớn, gồm những người đưa thư mang thức ăn đến và cũng có thể mang tạp chí ra ngoài chia sẻ với những người khác trong nhóm tin cậy được... Tạp chí rất nhỏ, bạn có thể dễ dàng bỏ vào túi hoặc giấu trong sách. Sau rốt Bloch đã thu thập lại tất cả. Chắc hẳn họ đã có cách nào đó trả lại".

Thánh Nicholas trong thời chiến (trái) và số tạp chí cuối cùng: Tự do và "ngoi lên mặt nước". Ảnh: Charities Aid Foundation America.

Groeneveld nhận xét các bìa tạp chí của Bloch là những bức ảnh ghép cách điệu, lấy cảm hứng từ các tạp chí châm biếm chống phát xít thời kỳ trước chiến tranh, như tờ Marianne của Pháp, nổi tiếng với những bức tranh minh họa chống Đức Quốc xã và tạp chí công nhân Đức Arbeiter-Illustrierte-Zeitung.

Pomerance cho biết, có thể các sáng tác của Bloch không chỉ tồn tại trên trang giấy. Trong thời gian lẩn trốn, có thể ông đã ngâm thơ hoặc biểu diễn các bài hát.

Theo Pomerance, khá nhiều bài thơ của Bloch được xác định là bài hát. Nhưng thật không may, ông đã không để lại các giai điệu tương ứng với lời ngoại trừ Khúc ca Kháng chiến (Resistance Song). Trang bìa của số cuối cùng, ra mắt tháng 4 năm 1945, sau khi ông được trả tự do, là bức ảnh chụp hai người đang trèo ra khỏi một cái cửa hầm. Tiêu đề của số tạp chí đó tuyên bố cuối cùng họ đã “ngoi lên mặt nước”.

Một bài thơ trong ấn bản, bài duy nhất ông viết bằng tiếng Anh, có nội dung như sau:

Tại Berlin với những người bạn Nga của chúng ta,

Giọng Sơn Ca của nước Đức,

Quý ngài Hitler, hôm nay không hát nữa

Sau hồi lâu trì hoãn, giờ đây anh đã biết,

Cảm giác cổ thắt trong cà vạt.

Mặc dù Bloch sống sót nhưng mẹ ông, các chị gái và hầu hết người còn lại trong gia đình ở Đức đã chết trong chiến tranh. Sau khi Hà Lan được giải phóng, ông gặp Ruth Kan, người đã sống sót qua nhiều trại tập trung, trong đó có Auschwitz. Họ kết hôn năm 1946, có con trai Stephen, và chuyển đến New York vào năm 1948, mở một cơ sở kinh doanh bán đồ cổ châu Âu và sinh Simone vào năm 1959.

Ngoài cuốn sách và triển lãm, Simone đang phát triển một trang web giới thiệu tác phẩm nghệ thuật và thơ ca của cha mình bằng ba thứ tiếng: tiếng Đức, tiếng Hà Lan và tiếng Anh.

Bà chia sẻ rằng hành trình này đã có tác động to lớn đến mình: “Điều này không chỉ cho tôi cái nhìn sâu sắc về cha mà còn giúp tôi đến gần với cha theo cách mà tôi ước mình có được khi còn trẻ.”

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/tap-chi-tho-cham-biem-xuat-ban-trong-thoi-gian-tron-duc-quoc-xa-post1452611.html