Tạo xung lực cho kinh tế đêm

Là sản phẩm trọng tâm trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, kinh tế đêm đang được chính quyền TPHCM đặc biệt quan tâm, tạo nhiều hành lang về cơ chế, chính sách để phát triển.

Khu vực trung tâm TPHCM còn nhiều dư địa để khai thác kinh tế đêm nhờ hạ tầng đô thị ven sông hoàn chỉnh. Ảnh: Hồng Phúc.

Đa dạng sản phẩm để thu hút

Những ngày này, người dân quận Phú Nhuận rất phấn khởi khi được trải nghiệm thêm nhiều sản phẩm, chương trình đặc sắc, mới lạ trên tuyến phố ẩm thực Phan Xích Long. Chỉ kéo dài khoảng 1,5km từ ngã tư đường Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long đến đường Vạn Kiếp (thuộc các phường 1, 2, 7 của quận Phú Nhuận), thế nhưng đây lại là sản phẩm kinh tế đêm chủ lực của quận trung tâm TPHCM.

Là du khách từ Tây Nguyên vào TPHCM theo một tour du lịch trải nghiệm ngắn ngày cùng gia đình, ông Hoàng Công Tâm (41 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Thanh, tại TP Kon Tum) đã không khỏi bất ngờ. “Trước đây, nơi ăn chơi sôi động nức tiếng nhất vẫn là phố Tây Bùi Viện tại quận 1, thế nhưng khi lần đầu đến với phố ẩm thực Phan Xích Long đã khiến suy nghĩ của tôi thay đổi. Ngoài ăn uống, có rất nhiều thứ để du khách trải nghiệm nét văn hóa phố thị Sài Gòn - TPHCM” - ông Tâm chia sẻ.

Còn theo bà Nguyễn Thùy Dương (38 tuổi), “fan ruột” của phố ẩm thực Phan Xích Long cho biết, dọc đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), hàng quán được sắp xếp bắt mắt, hiện đại hơn. Bàn ghế bố trí ngay ngắn, không lấn chiếm lối đi cho người đi bộ và khu vực để xe trên vỉa hè. Đây là cách làm mà quận Phú Nhuận đã “thay áo mới” cho kinh tế đêm, nhờ đó tạo không gian giải trí, tham quan, vui chơi, mua sắm cho người dân, tăng kết nối giữa quận với các địa phương khác.

Theo bà Nguyễn Phạm Bích Ngân - Phòng Văn hóa Thông tin - UBND quận Phú Nhuận (TPHCM), thực hiện chủ trương của Sở Du lịch TPHCM về vận động các cơ sở kinh doanh đăng ký gắn biển hiệu “Đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch” cũng như hưởng ứng tuần lễ Du lịch lần thứ 3, quận Phú Nhuận đã trao quyết định và gắn biển hiệu cho 3 cơ sở kinh doanh trên Phố ẩm thực Phan Xích Long. Cũng theo bà Ngân, để phát triển kinh tế đêm, địa phương đã đa dạng hóa nhiều sản phẩm để thu hút, bao gồm hoạt động trải nghiệm chương trình du lịch “Phú Nhuận - nơi ta tìm về” của cán bộ công chức UBND phường 2 và tô tranh Doodle; hoạt động tham quan, mua sắm trải nghiệm các dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn và trên tuyến phố ẩm thực Phan Xích Long.

Trong số các quận, huyện, UBND quận 1 (TPHCM) hiện cũng đã xây dựng riêng một đề án “Định hướng phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận 1”, bao gồm 3 trục động lực. Cụ thể, quận 1 xác định các trục khai thác “Văn hóa, thương mại - Tinh hoa Sài Gòn” bao gồm khu vực các đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi, mở rộng về đường Hàm Nghi và kéo dài ra Công Xã Paris…Tiếp theo sẽ là “trục xanh”, với vai trò “thổi hồn đô thị”, bao gồm khu vực Công viên 23/9, kéo dài ra hướng Lê Lai - Nguyễn Trãi thuộc phường Bến Thành,…Cuối cùng là “Trục ven mặt nước - Dòng chảy thời đại”, bao gồm toàn bộ Công viên Bến Bạch Đằng (từ Cột cờ Thủ Ngữ đến cầu Ba Son) kết nối đến trục đường Thái Văn Lung - Nguyễn Siêu.

Không chỉ riêng quận trung tâm, UBND TPHCM cũng vừa chấp thuận chủ trương triển khai “Đề án thí điểm phát triển kinh tế ban đêm gắn với phát triển du lịch” tại quận 7, dự kiến sẽ khai thác tại 3 khu vực, gồm hồ Bán Nguyệt – cầu Ánh Sao, được coi là “Phố đi bộ, thương mại - ẩm thực và văn hóa”. Riêng khu vực cư xá Ngân hàng (phường Tân Thuận Tây) được dự kiến là “phố đi bộ - thương mại - ẩm thực và văn hóa”, tương lai sẽ trở thành khu kinh doanh mua sắm, ẩm thực và giải trí và hoạt động văn hóa nghệ thuật của quận này.

Động lực cho “công nghiệp không khói”

Hiện nay TPHCM hiện có 7 tuyến phố ẩm thực chính thức hoạt động, trong đó ngoài phố ẩm thực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), còn có các tuyến phố ẩm thực đường Hồ Thị Kỷ (quận 10), Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), Vĩnh Khánh (quận 4), Hậu Giang (quận 6); các tuyến phố đi bộ Bùi Viện, đường Nguyễn Huệ (quận 1) và kỳ đài Quang Trung (quận 10). Không dừng lại ở đó, đến năm 2025 ngành “công nghiệp không khói” sẽ mở thêm 22 tuyến đi bộ về đêm, kết hợp ẩm thực - du lịch, vui chơi giải trí về đêm.

Theo TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TPHCM, kinh tế đêm đã được nhiều nước ngay tại khu vực Đông Nam Á, như Singapore, Thái Lan, Indonesia… khai thác rất hiệu quả và thành công. “TPHCM và một số đô thị du lịch trong nước hiện đang đang rất quan tâm đến kinh tế đêm và thực tế ngành này còn nhiều dư địa để phát triển. Chỉ riêng năm qua tại TPHCM, mặc dù lượng khách chưa bằng so với trước dịch nhưng doanh thu du lịch thành phố đã ghi nhận tăng trưởng 25% so với trước dịch, đạt 160.000 tỷ đồng, trong đó có đóng góp đáng kể của kinh tế đêm” - bà Sâm phân tích.

Về Lễ hội Tết Việt 2024, lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM cho biết, năm nay là năm đầu Lễ hội Tết Việt trở thành sự kiện của TPHCM và sẽ được tổ chức thường niên. Kỳ vọng, sự kiện sẽ khai thác và phát huy các yếu tố văn hóa Tết cổ truyền, đồng thời phát huy tiềm năng kinh tế đêm của thành phố để tạo nên đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng cho người dân và du khách khi đến với ngày Tết cổ truyền dân tộc.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tao-xung-luc-cho-kinh-te-dem-10271548.html