Tạo việc làm cho lao động nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Điều này tác động trực tiếp đến vấn đề lao động, việc làm cho người dân vùng nông thôn. Để giúp người dân thích ứng với BĐKH, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra những năm gần đây, tỉnh đã thí điểm thực hiện nhiều mô hình sinh kế mới, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động trên địa bàn.

Mô hình sản xuất và chế biến dưa muối do dự án FMCR hỗ trợ tại xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh -Ảnh: M.L

Từ vùng đất tưởng chừng không còn tổ chức sản xuất được do hàng nghìn khối cát, đất đá đổ về sau trận lũ lịch sử 2020, mô hình phục hồi đất bị bồi lấp do mưa lũ để trồng đậu xanh ở xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện đã hồi sinh 15 ha đất nông nghiệp của địa phương. Mô hình đã mang lại sinh kế ổn định cho 80 hộ dân nơi đây.

Theo bà Phan Thị Thanh, thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên, cũng như nhiều gia đình trong vùng, kinh tế gia đình bà chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Vì vậy, khi đất bị bồi lấp nặng từ 0,5 -1 mét, các hộ dân phải bỏ hoang đồng ruộng gần 1 năm, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập. “Sau khi đất được cải tạo, với hơn 1 mẫu đất trồng đậu xanh, vợ chồng tôi có việc làm và thu nhập đều đặn mỗi ngày trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm.

Ngoài ra, lúc đậu chín rộ, thu hoạch không kịp, gia đình tôi thuê thêm từ 2-3 lao động thời vụ tại địa phương với mức tiền công 200.000 đồng/ngày/người. Năm nay phấn khởi là giá bán các loại đậu đều tăng. Đặc biệt, qua 3 vụ sản xuất đất đã được cải tạo tơi xốp, ổn định kết cấu nên cây đậu cho năng suất cao. Nhờ vậy, thu nhập của chúng tôi tăng lên đáng kể”, bà Thanh chia sẻ.

Trong khi đó, ở vùng đồng bằng thường xuyên bị nhiễm mặn của huyện Hải Lăng, mô hình thí điểm chăn nuôi vịt biển an toàn sinh học của gia đình chị Hoàng Thị Liên ở thôn Đơn Quế, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ năm 2020 đã mở hướng tìm được một giống vật nuôi mới thích ứng với BĐKH vì khả năng chống chịu mặn cao.

Từ mô hình này, đến nay trên địa bàn các xã ven biển đã có hàng chục mô hình chăn nuôi vịt biển ra đời khẳng định sự thích nghi và hiệu quả kinh tế của mô hình chăn nuôi vịt biển tại Quảng Trị. Đây là giống vịt có khả năng thích nghi rộng trong điều kiện nhiều nguồn nước như nước lợ, nước mặn và cũng có thể chăn nuôi trong môi trường nước ngọt với phương thức chăn thả đồng hoặc nuôi nhốt, nuôi nhốt kết hợp với nuôi cá, trồng lúa. Mô hình đã mở hướng sinh kế mới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng ven biển.

Để tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho người dân vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, tác động của BĐKH, những năm gần đây, các sở, ngành liên quan đã chỉ đạo các phòng chuyên môn như nông nghiệp và PTNT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, khuyến nông phối hợp chính quyền các địa phương chú trọng tuyên truyền, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao nhận thức, hướng dẫn nông dân bố trí thời vụ sản xuất, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn, các chương trình dự án trong đầu tư thí điểm để tuyển chọn nguồn giống mới, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng những giống chịu hạn, chịu mặn, giống ngắn ngày, thích ứng với BĐKH.

Cùng với đó, tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo vùng trồng tập trung, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong điều kiện hạn hán, thiếu nước, theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chuỗi liên kết bền vững nhằm giảm thiểu tổn thất do BĐKH gây ra.

Tại Quảng Trị, chỉ riêng năm 2023, thông qua dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển” (dự án FMCR) người dân vùng ven biển được tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật thực hiện 18 mô hình sinh kế thích ứng BĐKH như: trồng dưa hấu, trồng ném theo hướng hữu cơ, trồng sen trên đất lúa vùng trũng, trồng mướp đắng theo canh tác tự nhiên; mô hình nuôi bò sinh sản, chăn nuôi gà an toàn sinh học dưới tán rừng, gà chịu nhiệt... các mô hình đều theo hướng sản xuất hữu cơ, an toàn, thích ứng, chống chịu hạn, rét, ngập úng, cải tạo vùng đất cát, thích nghi với nắng hạn. Hiệu quả kinh tế là thu nhập của người dân tăng 15% - 20% so với sản xuất đại trà.

Kết quả mô hình đã làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, hạn chế tình trạng bỏ hoang đất trong vụ hè thu. Từ đó giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với BĐKH, đồng thời tạo bước đột phá trong cơ cấu giống cây trồng, phù hợp với đất đai, khí hậu, mùa vụ, làm tăng hệ số sử dụng đất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tại địa phương, mở ra hướng sản xuất nông sản hàng hóa gắn liền với tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy người dân đầu tư sản xuất, tạo hướng sản xuất bền vững trong nông nghiệp. Đặc biệt từ những mô hình nông nghiệp thích ứng và BĐKH đã tạo thêm việc làm tại chỗ cho hàng nghìn nông dân, giúp nhiều gia đình tăng thu nhập cải thiện cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển KT-XH ở địa phương.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/tao-viec-lam-cho-lao-dong-nong-thon-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau/179998.htm