Tạo sức bật mới cho doanh nghiệp

Sáng nay (9/3/2017), Thành ủy Hà Nội long trọng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về 'Tăng cường công tác xây dựng đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến 2020'.

Tới dự hội nghị có các đồng chí: Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban tổ chức Trung ương; đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Phó Trưởng ban dân vận trung ương….

Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí thường vụ Thành ủy Hà Nội: Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; đồng chí Đào Đức Toàn - Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện 09-NQ/TU chủ trì Hội nghị; đồng chí Vũ Hồng Khanh- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Công Soái nguyên Phó Bí thư thường trực thành ủy.

Chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc đồng bộ

Theo Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 09- NQ/TU do đồng chí Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy trình bày, Nghị quyết 09- NQ/TU được ban hành và triển khai trong bối cảnh có nhiều khó khăn: nền kinh tế trong nước phục hồi chậm, doanh nghiệp hoạt động không ổn định, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động; tình hình biển Đông diễn biến phức tạp và khối lượng công việc lớn cần triển khai để thực hiện Nghị quyết Đại hội XV, XVI Đảng bộ Thành phố và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị.

Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban thường vụ Thành ủy, Ban chỉ đạo Xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước Thành phố, cùng sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở nên việc triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban thường vụ Thành ủy đã thu được những kết quả tích cực.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 09- NQ/TU, toàn Đảng bộ Thành phố đã thành lập mới được 886 tổ chức đảng (TCĐ), đạt 88,15% chỉ tiêu kế hoạch, nâng tổng số TCĐ doanh nghiệp (DN) ngoài Nhà nước của thành phố lên 1.637; kết nạp mới 5.964 đảng viên mới, trong đó có 24 đảng viên là chủ DN. Cùng đó, qua thực hiện Nghị quyết 09- NQ/TU, các cấp Công đoàn Thủ đô, đã thành lập mới 1.994 CĐCS với 213.066 đoàn viên, đạt 106,5% so với chỉ tiêu kết nạp đoàn viên công đoàn. Cũng trong 5 năm, toàn thành phố có thêm 681 tổ chức đoàn, hội thanh niên (473 tổ chức đoàn, 208 tổ chức hội) với 20.401 đoàn viên, hội viên.

Đại biểu dự hội nghị.

Số lượng tổ chức đảng, đoàn thể tăng nhanh chóng

Thành ủy Hà Nội đánh giá, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, số lượng các tổ chức đảng, các đoàn thể và số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên tăng nhanh chóng bằng 1,25 lần tổng số tổ chức đảng được thành lập sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị.

Ông Thái Văn Chức- Bí thư Chi bộ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vật tư thiết bị dầu khí Việt Nam (KCN Đài Tư – Sài Đồng- TP Hà Nội) cho biết:

Công ty hiện có 84 lao động, có đầy đủ các đoàn thể: Chi bộ Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên. Chi bộ công ty luôn quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho cán bộ, đảng viên và CNLĐ. Chi bộ Đảng đã tổ chức tốt việc quán triệt học tập nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, quán triệt về thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của trung ương, Thành ủy và Đảng ủy các KCN-CX Hà Nội. Cùng tổ chức Đảng, Ban chấp hành Công đoàn công ty đã phát huy tốt vai trò, chức năng của mình.

Công đoàn đã tham gia vào việc xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết chi bộ, vận động CNLĐ hăng hái thi đua lao động sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong nhiều năm liền, Công đoàn công ty luôn được công nhận đạt danh hiệu "Vững mạnh xuất sắc", là một trong những lá cờ đầu trong phong trào CNLĐ các KCN-CX Hà Nội.

Nhiều tổ chức đảng trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đã bám sát chức năng, nhiệm vụ theo các quy định của Ban Bí thư, lãnh đạo đảng viên, người lao động và tuyên truyền, vận động Ban lãnh đạo, chủ doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy. Đồng thời, tạo lập mối quan hệ giữa cấp ủy và Ban lãnh đạo, chủ doanh nghiệp và các đoàn thể trong doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, góp phần tích cực vào sự ôn định và phát triển của doanh nghiệp.

Các tổ chức Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp những giải pháp để lãnh đạo, xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đoàn thể; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ kinh phí thành lập mới các tổ chức đoàn thể; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để Ban lãnh đạo, chủ doanh nghiệp và người lao động hiểu rõ hơn về vai trò, lợi ích của các tổ chức đoàn thể, hạn chế những vụ tranh chấp lao động, đình công, lãn công, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 09- NQ/TU của Ban Thường vụ vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đó là hoat động của Ban chỉ đạo ở một số quận, huyện còn chưa nền nếp, chưa có kế hoạch cụ thể, một số nơi chưa thể hiện rõ vai trò của người đứng đầu, thiếu các giải pháp tuyên truyền vận động thành lập các tổ chức đảng và đoàn thể trong doanh nghiệp nên số lượng thành lập mới tổ chức đảng, đoàn thể chưa đạt so với kế hoạch đề ra.

Chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể còn hạn chế về nhiều mặt, nội dung, hình thức hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể mới thành lập còn lúng túng, vai trò, vị trí trong doanh nghiệp còn mờ nhạt, có nơi tổ chức đoàn thể chỉ là hình thức chưa mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Công tác tham mưu, tổng hợp, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết ở một số quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc chưa thường xuyên. Ở một số tổ chức đảng doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước còn có tình trạng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ không đều, chất lượng sinh hoạt chi bộ thấp, tính định hướng, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả sinh hoạt Đảng chưa cao.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tặng Bằng khen cho 13 tập thể xuất sắc.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc.

Về nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU đến năm 2020, Thành ủy Hà Nội đề ra mục tiêu tiếp tục tăng cường công tác xây dựng đảng, đoàn thể; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước phải được đặt trong mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ doanh nghiệp, người lao động và thực hiện tốt chính sách xã hội. Về mục tiêu, phấn đấu từ nay đến năm 2020, thành lập mới: 600-650 tổ chức đảng; 1.700-1.800 tổ chức công đoàn; 900-1.000 tổ chức đoàn, hội liên hiệp thanh niên; 50-60 tổ chức hội phụ nữ trong các doanh nghiệp này.

Mô hình tốt, cần nhân rộng

Tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, việc thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU đã góp phần nâng cao bản chất giai cấp công nhân của Đảng và là cơ sở chính trị để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn, xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định tiến bộ trong doanh nghiệp góp phần tăng năng suất lao động, thu hút người lao động vào làm việc ổn định tại địa phương. Nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến, Hà Nội hiện có 31.229 doanh gnhiệp hoạt động ổn định, đủ điều kiện thành lập tổ chức CĐ với 616.492 người lao động.Trong đó số doanh nghiêp đã thành lập tổ chức công đoàn là 4145 doanh nghiệp với 369.892 lao động, số doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn là 27.088 doanh nghiệp với 219.600 lao động. Bám sát sự lãnh đạo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội, Ban chỉ đạo Thành phố, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội của Thủ đô, LĐLĐ Thành phố đã nhận thức sâu sắc, đầy đủ và tuyên truyền, quán triệt nghị quyết 09/NQ-TU tới toàn thể đội ngũ cán bộ CĐ các cấp của Thủ đô.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tham luận tại Hội nghị.

LĐLĐ đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển đoàn viên, xây dựng quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo. Đồng thời chỉ đạo LĐLĐ các quận, huyện, thị xã tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với UBND thành lập Ban chỉ đạo của cấp mình. Hàng năm, LĐLĐ Thành phố đều xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS cho các LĐLĐ quận, huyện, thị xã; các CĐ ngành; CĐ Tổng Công ty; CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở và cho từng cán bộ chuyên trách tại cơ quan LĐLĐ Thành phố.

Các hoạt động giao ban, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS cũng được LĐLĐ Thành phố và các cấp CĐ tổ chức thường xuyên để kịp thời đôn đốc, rút ra những bài học kinh nghiệm, đặt ra những quyết tâm phấn đấu, thực hiện tốt hơn công tác này.

LĐLĐ Thành phố đã ban hành 30 ngàn sổ tay về trình tự thủ tục thành lập phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đến từng đoàn viên và áp dụng một số cách làm mới như thí điểm thành lập CĐCS ghép, thành lập nghiệp đoàn CĐ các trường mầm non ngoài công lập. LĐLĐ Thành phố cũng tham mưu tổ chức đối thoại thường niên giữa chính quyền thành phố, chủ doanh nghiệp và người lao động, chỉ đạo tổ chức đối thoại tại nơi làm việc về chế độ chính sách với người lao động.

Đặc biệt, LĐLĐ Thành phố xác định, cách vận động người lao động gia nhập tổ chức CĐ thiết thực và hiệu quả nhất, chính là hoạt động CĐ phải có sức cuốn hút, vai trò, vị thế và niềm tin của CĐ trong lòng NLĐ phải được khẳng định, nâng cao. Chính vì thế, các cấp CĐ Thủ đô đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống cho CNLĐ tại các khu công nghiệp tập trung và khu công nghiệp chế xuất.

Bí thư huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương tham luận tại hội nghị.

Bí thư huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Văn Khương thì cho rằng, thực tế, việc duy trì sinh hoạt đảng tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước không dễ. Có nơi chủ doanh nghiệp không đồng tình ủng hộ; có nơi không tạo điều kiện cho sinh hoạt trong thời gian làm việc; có nơi đã có tổ chức đảng nhưng không hiểu rõ mình phải lãnh đạo việc gì, như thế nào. Với đảng viên, nhiều người coi sinh hoạt đảng là gặp gỡ trao đổi chuyên môn, đóng đảng phí là chính...

Làm thế nào để nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ đảng doanh nghiệp ngoài nhà nước? Trước tình hình đó, Huyện ủy Thanh Trì đã tổ chức các lớp tập huấn cho các chi bộ theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, trực tiếp dự, hướng dẫn sinh hoạt chi bộ để có hướng dẫn cho sát thực, tập trung hướng dẫn xây dựng quy chế làm việc, trách nhiệm đảng viên, quyền của đảng viên, trách nhiệm của chủ DN... Nơi nào khó khăn về điểm sinh hoạt, huyện ủy giúp cả địa điểm sinh hoạt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ sở đảng. Đặc biệt, năm 2016 huyện đã mở hội thi Bí thư chi bộ giỏi trong toàn huyện, nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước đã tham gia và đoạt giải cao.

Ông Nguyễn Đức Nhận – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện Tử ASTI Hà Nội (KCN Quang Minh) cho biết:

Công ty Điện Tử ASTI Hà Nội hiện có khoảng 1150 lao động, 100% người lao động tham gia tổ chức Công đoàn. Từ khi tổ chức Công đoàn được thành lập và đi vào hoạt đông hiệu quả công việc, các quyền lợi của người lao động được nâng lên rõ rệt. Công đoàn đã có nhiều hoạt động chăm lo cho người lao động. Đồng thời luôn lắng nghe ý kiến của công nhân viên, và cùng với công ty giải quyết các ý kiến của công nhân viên, tạo môi trường lao động hài hòa, ổn định. Chính vì vậy công nhân viên vui vẻ làm việc, không có tư tưởng đình công làm ảnh hưởng đến sản xuất, qua đó góp phần xây dựng công ty ngày càng lớn mạnh.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống, trong 5 năm qua, các cấp Công đoàn Thành phố đã thành lập mới 2.174 CĐCS (trong đó có 34 CĐCS được thành lập theo Điều 17 - Điều lệ CĐVN); kết nạp mới 256.650 đoàn viên, trong đó ngoài khu vực nhà nước: thành lập mới 1.991 CĐCS (chiếm 91,58% tổng số CĐCS được thành lập), kết nạp mới 213.344 đoàn viên (chiếm 83,13% tổng số đoàn viên mới được kết nạp). Tổ chức Công đoàn Thủ đô đã giới thiệu cho các cấp ủy Đảng 39.261 đoàn viên Công đoàn ưu tú, trong đó đã kết nạp được 28.191 đảng viên mới.

Cũng tham luận tại hội nghị, TGĐ Công ty TNHH Terumo Việt Nam Hagiwara Kazuhiko (KCN Quang Minh, TP Hà Nội) khẳng định Công đoàn cơ sở góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.

Theo ông Hagiwara Kazuhiko, Công ty Terumo Việt Nam chuyên sản xuất thiết bị y tế 100% vốn Nhật Bản, được thành lập từ năm 2006. Tháng 1/2009, Ban lãnh đạo Công ty đã đồng ý thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở. Qua hoạt động, Ban lãnh đạo đã nhận thức rất rõ vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn trong đơn vị. Từ khi thành lập, Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo công ty tham gia đối thoại, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.

Đối với tổ chức Đảng, trên cơ sở hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam là một Đảng cầm quyền, tổ chức đảng trong công ty sẽ là hạt nhân nòng cốt trong việc triển khai thực hiện đường lối chính sách của Đảng, Ban lãnh đạo Công ty đã hết sức cố gắng tạo điều kiện tối đa để tổ chức Đảng được thành lập.

Theo đó, Công đoàn công ty đã tiến cử những thành viên nòng cốt để tham gia khóa học về đường lối, chính sách của Đảng. Đây là người có trình độ, uy tín, có thành tích tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn và đến nay có 4 người được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hiện nay, Chi bộ Đảng đã chính thức được thành lập tại Công ty. Việc thành lập cơ sở Đảng là tốt. Tuy nhiên, hiện số lượng đảng viên ở công ty còn ít nên đơn vị hy vọng tổ chức Đảng sẽ phát triển thêm nhiều đảng viên để phát huy hoạt động của mình, đặc biệt là trong việc thiết lập môi trường làm việc ổn định, tin cậy và lành mạnh

Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng tham luận tại Hội nghị.

Để công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được thuận lợi hơn, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng thay mặt Đảng bộ khối doanh nghiệp huyện Đông Anh kiến nghị với Trung ương cần tiếp tục cho thực hiện chủ trương “Kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng” và phân cấp, giao quyền cho các quận, huyện, thị ủy trong việc xem xét, quyết định kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng.

Những năm tiếp theo, đề nghị Thành ủy chỉ đạo mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập, phát triển, ban hành các cơ chế, chính sách giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp có sản xuất kinh doanh tốt thì công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn và ngược lại.

Bí thư Chi bộ, GĐ Công ty CP Đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ hóa Polymer Đoàn Hồng Ngọc cũng cho biết, minh chứng thực tế khẳng định chủ trương của Thành ủy Hà Nội là hoàn toàn đúng đắn.

Bà Lê Hồng Hạnh – Chủ tịch Công đoàn Công ty CP giao thông 2 Hà Nội chia sẻ:

Vai trò của tổ chức công đoàn trong công ty được thể hiện rất rõ nét. Công đoàn đã làm tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động. Công đoàn công ty luôn gần gũi với CNVCLĐ để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công đoàn viên, người lao động, qua đó, tăng cường tình cảm, sự gắn bó của người lao động với công ty, góp phần đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Thực tế trong quá trình hoạt động từ khi thành lập chi bộ đến nay cho thấy, mối quan hệ và sự phối hợp giữa Chi bộ Đảng với lãnh đạo doanh nghiệp rất chặt chẽ, hiệu quả tất cả vì mục tiêu “Vì sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp và vì đời sống người lao động”. Chi bộ công ty ngày càng khẳng định rõ hơn vai trò hạt nhân chính trị của mình trong một đơn vị doanh nghiệp tư nhân.

Bản thân doanh nghiệp cũng nhận thức được sự cần thiết của các đoàn thể nhân dân, đặc biệt là tổ chức Đảng trong hoạt động đơn vị; đồng thời đây cũng là minh chứng thực tế để khẳng định chủ trương của Thành ủy Hà Nội, quận ủy Thanh Xuân về việc thành lập Đảng bộ khối doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp, thiết thực với xu thế phát triển đi lên của Đất nước trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính ghi nhận Hà Nội đã triển khai thực hiện Nghị quyết bài bản, chuyên nghiệp và hết sức nghiêm túc.

Đồng chí nhấn mạnh: Đây là Nghị quyết chuyên đề duy nhất và đầu tiên trong cả nước trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều doanh nghiệp giải thể, nhiều đảng viên hoạt động cầm chừng...

Đặc biệt, hôm nay Thành ủy Hà Nội tổ chức sơ kết 5 năm với những cách làm bài bản, chuyên nghiệp và hết sức nghiêm túc. Đây là Nghị quyết duy nhất thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, có vai trò quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang thu hút đầu tư, làm sao để hài hòa giữa lợi ích của Đảng, Nhà mước, doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể, phù hợp với phương thức lãnh đạo của Đảng là vấn đề mới, khó.

TGĐ Công ty TNHH Terumo Việt Nam Hagiwara Kazuhiko (KCN Quang Minh, TP Hà Nội) tham luận tại Hội nghị.

Hà Nội đã có nhiều sáng tạo và cách làm hay trong phát triển đảng, đoàn thể và đảng viên như: Vận động doanh nghiệp cho thành lập; tôn vinh chủ doanh nghiệp đã hỗ trợ; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để gắn kết doanh nghiệp với tổ chức Đảng; cử cán bộ xuống gặp gỡ, tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp để ủng hộ, hỗ trợ kịp thời hoạt động của họ; xây dựng quy chế phối hợp giữa cấp ủy với chuyên môn; vận động đảng viên, NLĐ tích cực tham gia đóng góp sáng kiến, cải tiến góp phần xây dựng doanh nghiệp phát triển....

"Tôi đặc biệt ấn tượng cách làm và kết quả mà Thành phố Hà Nội đạt được trong công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Chỉ sau 5 năm, Hà Nội đã thành lập mới được 886 tổ chức đảng (đạt 88,15% chỉ tiêu), nâng tổng số tổ chức Đảng doanh nghiệp ngoài Nhà nước của thành phố lên 1.637; kết nạp mới 5.964 đảng viên mới, trong đó có 24 đảng viên là chủ doanh nghiệp, thành lập mới được 1.994 CĐCS với 213.066 đoàn viên; thành lập 681 tổ chức đoàn, hội thanh niên. Đây là những con số biết nói thể hiện sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị toàn thành phố", Trưởng ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính ghi nhận.

Tại hội nghị, Thành ủy Hà Nội đã trao tặng Bằng khen cho 13 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU. Trong đó, tập thể LĐLĐ Thành phố Hà Nội và cá nhân đồng chí Ngô Văn Tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố vinh dự được nhận Bằng khen của Thành ủy Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, Nghị quyết 09, là một trong hai Nghị quyết chuyên đề được Thành ủy chỉ đạo thực hiện. Qua 5 năm thực hiện, với cách làm bài bản, khoa học, sáng tạo, triển khai đồng bộ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần giúp Thành phố đạt được mức tăng trưởng cao về kinh tế; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch rõ nét; số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng trưởng vượt bậc (tăng 23.000 DN), trong đó chủ yếu là DN tư nhân; hạn chế tình hình tranh chấp hợp đồng lao động, đình công, lãn công... góp phần giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Đồng chí cũng yêu cầu, thời gian tới đây trong bối cảnh nước ta tiếp tục hoàn thiện thể chế cơ chế thị trường, hội nhập, và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp, xu hướng các doanh nghiệp đầu tư hoạt động trên địa bàn thành phố sẽ tăng nhanh chóng. Dự báo, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có khoảng 300-350 ngàn doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước được thành lập. Thực tế đó đặt ra nhiệm vụ nặng nề thành phố Hà Nội, trong công tác quản lý doanh nghiệp. Nếu Hà Nội làm hiệu quả công tác phát triển đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao vị thế pháp lý của doanh nghiệp, lợi ích của người lao động.

Ghi nhận sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo, cấp ủy Đảng, đặc biệt là các DN trong thực hiện Nghị quyết, Bí thư Hoàng Trung Hải đề nghị: Thời gian tới, các cấp ủy Đảng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Những tổ chức Đảng, đoàn thể đã thành lập tại DN cần tiếp tục duy trì tổ chức hoạt động, phát huy được vai trò, hoàn thiện thêm, thấy được lợi ích từ nhiều phía: Tổ chức CĐ và Đảng, nếu không chung tay tháo gỡ khó khăn của DN thì DN cũng không tạo điều kiện cho các tổ chức hoạt động. Phải coi đây là mối quan hệ góp phần kết nối DN và NLĐ, đảm bảo xây dựng quan hệ LĐ hài hòa.

Đề nghị các cấp ủy cần tiếp tục nghiên cứu phương thức lãnh đạo của Đảng trong DN, để đưa ra mô hình cho phù hợp: Đảng trong DN khối TCty, khối quận, huyện, KCN-CX... Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ Đảng.

Thay mặt Thành ủy Hà Nội đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Nghi quyết 09-NQ/TU trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo và triển khai một số nhiệm vụ trong thời gian tới.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn.

Theo đó, đồng chí yêu cầu các cấp ủy, đoàn thể thành phố sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09 của cấp mình, xác định rõ và tăng cường vai trò của cấp ủy trong việc thực hiện Nghị quyết 09, nhất là vai trò của người đứng đầu. Đối với những nơi chưa có tổ chức đảng, đoàn thể phải coi trọng đổi mới cách làm để phát triển số lượng đi đối với chất lượng. Đối với tổ chức đảng đoàn thể đã thành lập cần củng cố chất lượng, nội dung phương thức hoạt động.

Cần coi trọng vai trò hướng dẫn, tập huấn, nâng cao chất lương hội viên, đảng viên trong các tổ chức đảng, đoàn thể, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp quan tâm, chăm lo đến lợi ích người lao động, xây dựng mối quan hệ tốt giữa cấp ủy và chủ doanh nghiệp.

Đồng chí Đào Đức Toàn cũng yêu cầu, các quận, huyện, thị ủy căn cứ chỉ tiêu được giao xây dựng kế hoạch tổ chức chu đáo để thực hiện thắng lợi. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp quan tâm, chăm lo đến lợi ích người lao động, xây dưng mối quan hệ tốt giữa cấp ủy và chủ doanh nghiệp.

Nhóm PV

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tao-suc-bat-moi-cho-doanh-nghiep-49864.html