Tạo sinh kế và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng

Tỉnh Quảng Trị là một trong những địa phương chịu nhiều tác động từ thiên tai, biến đổi khí hậu. Việc nâng cao nhận thức người dân gắn với phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu rủi ro thiên tai là biện pháp trước mắt cũng như lâu dài là việc cần thiết.

Anh Trần Hữu Vũ ở thôn Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tham gia mô hình chăn nuôi bò thâm canh thích ứng với biến đổi khí hậu gần 1 năm nay. Anh Vũ nuôi 10 con bò chuyên thịt BBB, chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật của cán bộ Khuyến nông hướng dẫn, đàn bò của gia đình anh phát triển tốt. Anh Vũ cho biết, do được chăm sóc kỹ, đúng khẩu phần ăn nên bò lớn nhanh, cơ bắp phát triển, ngoại hình đẹp. Với mô hình chăn nuôi bò thâm canh này, anh Trần Hữu Vũ hy vọng sẽ có nguồn thu nhập ổn định cho gia đình:

“Tôi thấy, mô hình nuôi bò thâm canh, mình không phải chăn thả như ngày xưa, về chăm sóc và cho ăn, bệnh tật thì mình kiểm soát được. Về thức ăn, mình tận dụng những phụ phẩm, cỏ ở dưới ruộng rồi cây ngô ủ hoặc rơm. Khi nuôi, cả vốn lẫn công thì tốn khoảng 300 triệu đồng, với giá hiện nay khi bán thì khoảng 420 triệu đồng, lời khoảng 100 triệu đồng từ việc nuôi 10 con bò”, anh Vũ nói.

Bàn giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

Tỉnh Quảng Trị thường xuyên chịu tác động và thiệt hại nặng nề bởi thiên tai. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị, 3 năm gần đây, thiên tai đã gây thiệt hại gần 6.000 tỉ đồng, riêng lĩnh vực nông nghiệp thiệt hại hơn 3.400 tỉ đồng. Để khắc phục hậu quả thiên tai, địa phương đã triển khai nhiều mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu, giúp nông dân vùng bị ảnh hưởng có giải pháp phát triển sinh kế phù hợp. Đó là mô hình chăn nuôi bò, dê, lợn, gà vịt; chuyển đổi đất lúa thiếu nước vụ hè thu sang trồng ngô sinh khối…

Chuẩn bị thức ăn cho bò

Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ xây dựng 2 mô hình nuôi bò thâm canh tại 2 huyện Triệu Phong và Gio Linh. Các mô hình bước đầu có hiệu quả, góp phần hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế.

“Chúng tôi đã hỗ trợ cho người dân khoa học kỹ thuật, tập huấn cho họ cách nuôi và chăm sóc. Thứ hai, hỗ trợ cho họ 50% các loại thức ăn rồi hướng dẫn cho họ thức ăn sẵn có. Đến nay, thấy mô hình bò sinh trưởng tốt, phát triển khá tốt,sắp tới Trung tâm Khuyến nông sẽ nhân rộng ra ở các địa phương khác”, ông Trần Cẩn cho hay.

Mô hình nuôi bò thâm canh ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị

Các tỉnh miền Trung là nơi hứng chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đây cũng là khu vực chịu nhiều thiên tai bão lũ hàng năm, gây thiệt hại về người và tài sản. Do đó, việc đưa ra các giải pháp hạn chế thiệt hại do biến đổi khí hậu, giúp người nông dân giảm thiểu rủi ro là điều hết sức cần thiết. Ông Nguyễn Huỳnh Quang, Phó trưởng Phòng quản lý thiên tai cộng đồng, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, việc giúp bà con nâng cao ý thức, biết đúng, biết đủ về thiên tai và năng lực ứng phó với các rủi ro về thiên tai là điều cần thiết.

“Các thiên tai như bão, lũ, hạn hán, gây ra thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt là sản xuất. Để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, thứ nhất, các cấp các ngành cần có sự chuẩn bị, phải nâng cao nhận thức, năng lực của người dân trong phòng, chống thiên tai. Hiện nay, mô hình phát triển sinh kế bền vững cho người dân, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai là rất quan trọng”, ông Nguyễn Huỳnh Quang cho biết.

Bàn giải pháp tạo sinh kế và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng

Ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”. Theo đó, các tỉnh miền Trung đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao nhận thức trong cộng đồng về thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng hành với chính quyền các tỉnh và bà con nông dân, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hỗ trợ triển khai nhiều mô hình sinh kế thích ứng, đưa ra nhiều giải pháp về kỹ thuật, giúp giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp. Các giải pháp đã được đưa ra và triển khai tại nhiều địa phương như chủ động bố trí cơ cấu sản xuất né tránh thiên tai; áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ; áp dụng kỹ thuật tưới nước hợp lý, tiết kiệm; áp dụng các biện pháp kỹ thuật thích hợp.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: “Với mục đích là làm sao đưa cho cộng đồng, người dân nhận diện các loại hình thiên tai. Từ đó, cung cấp cho người sản xuất những thông tin ảnh hưởng đến sản xuất như thế nào, để tìm các giải pháp thích ứng, làm thế nào để chúng ta chung sống và phát triển bền vững”.

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tao-sinh-ke-va-giam-thieu-rui-ro-thien-tai-tai-cong-dong-post1046304.vov