Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Ảng

Huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên có 15 anh em dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98%. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm trên 30%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình), Mường Ảng đã vận động các nguồn lực, triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ cho bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Gia đình ông Lò Văn Ý là hộ nghèo ở bản Lạn, xã Mường Lạn, huyện Mường Ảng được hỗ trợ máy cày để sản xuất, phát triển kinh tế. Ảnh: Ái Vân

Thực hiện Chương trình, huyện Mường Ảng tập trung hỗ trợ cho người dân đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế như chăn nuôi, gia súc, gia cầm, thủy cầm..., trong đó, người dân sẽ được hỗ trợ về con giống, đào tạo nghề về nông lâm nghiệp.

Trong quá trình thực hiện, đã có những gia đình mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế gia đình như gia đình anh Lò Văn Tiên, ở bản Huổi Sứa, xã Háng Cang. Trước kia, gia đình anh Tiên là hộ nghèo của xã, trong diện được hỗ trợ kinh phí làm nhà ở từ nguồn kinh phí của Chương trình. Thế nhưng từ khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo, cộng thêm việc anh chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật từ các lớp tập huấn do xã tổ chức về phát triển kinh tế gia đình, anh Tiên đã mạnh dạn đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với cách nắm bắt thị trường nhanh nhạy, xem thị trường cần những gì để tiêu thụ nhanh và có giá trị kinh tế, anh Tiên đón đầu tới đó. Vừa nuôi cá, anh Tiên còn nuôi thêm gà, vịt, vừa để bán, vừa để cải thiện bữa ăn gia đình. Đến năm 2021, gia đình anh Tiên đã thoát nghèo, thu nhập được 80 triệu đồng/năm từ mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi cá thương phẩm.

Hay như gia đình anh Cà Văn Ọi, ở bản Hua Ná, xã Ẳng Cang cũng là hộ khó khăn, có thu nhập bấp bênh, không có việc làm ổn định. Nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, anh đã mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư phát triển mô hình vườn, ao, chuồng. Trong đó, tập trung nuôi lợn sinh sản và lợn thịt, kết hợp với bán tạp hóa, phân bón, dịch vụ máy xay sát. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Ọi nuôi 6 con lợn nái, trên 70 con lợn thịt, gần 2.000m2 ao cá, trồng trên 1.500m2 rau màu. Trừ chi phí, mỗi năm, gia đình anh Ọi thu nhập trên 200 triệu đồng. Đến nay, gia đình anh đã vươn lên là hộ khá giả trong xã.

Mô hình nuôi cá lồng của bà con nông dân bản Mánh Đanh, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng. Ảnh: Ái Vân

Mường Lạn là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Mường Ảng, gồm 9 bản, có 2 dân tộc sinh sống, với 930 hộ và 4.400 nhân khẩu chủ yếu sinh sống, phát triển nhờ ngành nghề nông lâm nghiệp. Thực hiện chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, xã Mường Lạn đã lựa chọn những chính sách phù hợp với đặc điểm của xã để giải ngân nguồn vốn của Chương trình, đa dạng hóa sinh kế cho bà con để phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ máy móc, nông cụ cho hộ nghèo có công cụ sản xuất. Điển hình là gia đình ông Lò Văn Ý, bản Lạn, xã Mường Lạn thuộc diện hộ nghèo, được xã hỗ trợ 1 máy cày, ông Ý rất phấn khởi.

Còn tại xã Ẳng Cang với lợi thế vùng lòng hồ rộng trên 30ha của hồ thủy điện Ẳng Cang, UBND huyện Mường Ảng đã định hướng phát triển nơi đây thành vùng chăn nuôi thủy hải sản theo hướng sản xuất hàng hóa và mô hình nuôi cá lồng, thay thế cho sản xuất nông nghiệp, vì phần lớn đất canh tác sản xuất của người dân là phát triển kinh tế trên diện tích lòng hồ. Để giúp bà con nông dân ở đây có kiến thức về nuôi trồng thủy sản, huyện Mường Ảng đã cho bà con tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng tại tỉnh Sơn La. Đến tháng 5/2023, huyện Mường Ảng đã tổ chức nuôi cá lồng cho bản Mánh Đanh, thành lập Hợp tác xã nuôi cá lồng với 40 thành viên tham gia.

Ông Lò Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang chia sẻ: "Về vốn, chúng tôi đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho bà con được vay vốn ưu đãi để đầu tư, tạo nguồn vốn để phát triển, mở rộng mô hình sản xuất chăn nuôi, tổ chức cho bà con đi thăm quan, học hỏi từ các xã, các huyện bạn để áp dụng vào các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương".

Với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các chính sách dân tộc, nhất là phát triển kinh tế, cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số của huyện Mường Ảng ngày càng được nâng lên. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai các chương trình an sinh xã hội, đặc biệt là các chương trình sinh kế, hỗ trợ về con giống, vật nuôi cho bà con, định hướng cho bà con phát triển sản xuất. Đồng thời, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất để ngày càng xuất hiện nhiều hơn nữa các mô hình kinh tế cho thu nhập cao ở địa phương.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tao-sinh-ke-ben-vung-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-muong-ang-post467197.html