Tạo niềm tin cho người tiêu dùng về sử dụng thuốc sản xuất trong nước

“Đối với thuốc, người dân không thể biết thuốc nào tốt, mà phải tùy vào thầy thuốc...” - đây là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân,

“Đối với thuốc, người dân không thể biết thuốc nào tốt, mà phải tùy vào thầy thuốc...” - đây là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Chỉ đạo TW Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam khi dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành khảo sát việc thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại Bộ Y tế và một số cơ sở y tế ngày 29/10.

Tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại bệnh viện tuyến TW vẫn thấp

Báo cáo tại buổi làm việc, TS. Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, ngay từ năm 2012, Bộ Y tế đã thực hiện tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Tổng kết giai đoạn I (2012-2015) của đề án này, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và huyện đã tăng. Cụ thể, tỷ lệ trung bình tại tuyến huyện năm 2015 đạt 67,89%, so với 61,5% vào năm 2010 còn tại tuyến tỉnh là 35%, tăng so với con số 33,9% vào năm 2010. Tại một số tỉnh như Ninh Thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An, tỷ lệ sử dụng thuốc nội ở tuyến huyện đạt trên 80%, tuyến tỉnh trên 60%...

Sản xuất thuốc

Thế nhưng trên thực tế dù đã được quan tâm, chỉ đạo sát sao cùng với những chính sách cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các BV tuyến TW năm 2015 vẫn thấp (khoảng 11%). Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, chủ trương khuyến khích dùng thuốc Việt đã được pháp quy hóa chứ không chỉ dừng lại ở vận động, thuyết phục, khuyến khích. Tuy nhiên, hạn chế là chỉ có 11/24 BV tuyến TW được lãnh đạo BV quan tâm, chỉ đạo sát sao và đã xây dựng một số chính sách chỉ đạo cụ thể. Một số BV tuyến cuối, do đặc thù riêng nên tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước rất thấp, chỉ dưới 10%, thậm chí dưới 5% như BV Phụ sản TW, BV Việt Đức, BV Nhiệt đới TW, BV Lão khoa Quốc gia. Lý do là ngành công nghiệp dược trong nước dù đã sản xuất được phần lớn thuốc generic (thuốc hết thời hạn bảo hộ), nhưng nhiều thuốc chuyên khoa, đặc trị (tim mạch, tiểu đường, khối u...) và thuốc nguồn gốc sinh học vẫn đang là thế mạnh của các nước phát triển nên vẫn phải sử dụng hàng nhập khẩu.

Thông tin tại buổi làm việc cho biết thêm, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, các doanh nghiệp dược đã tích cực tham gia Chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt” để bình chọn doanh nghiệp sản xuất thuốc và sản phẩm thuốc đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt”.

Đẩy mạnh truyền thông để người dân biết đâu là thuốc tốt

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Y tế cho rằng, khái niệm “sử dụng thuốc sản xuất trong nước” đã hình thành trong tiềm thức của người dân nói chung và cán bộ y tế nói riêng khi sử dụng thuốc phòng bệnh và chữa bệnh.

Tuy nhiên, để nhận thức này lan rộng và mang tính bền vững, các đơn vị trong ngành cần có những biện pháp thiết thực, mạnh mẽ hơn nữa khi triển khai thực hiện đề án tại đơn vị. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp và hỗ trợ Hội Dược học Việt Nam và Tổng hội Y học Việt Nam thực hiện khảo sát, đánh giá “Chuỗi thuốc Việt” từ sử dụng đến sản xuất, từ đó đưa ra những kiến nghị về chính sách để đẩy mạnh cuộc vận động dùng thuốc Việt.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh việc Bộ Y tế đã có chủ trương sớm, đồng bộ và quyết liệt trong việc hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc hiện thực hóa “Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam” và khẳng định “đây là một trách nhiệm chính trị với đất nước”.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, chúng ta vận động người Việt dùng hàng Việt nhưng phải bảo đảm hàng tốt, giá tốt. Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra là sản phẩm đưa ra phải tốt, tiếp thị hàng hóa phải sâu sát, giới thiệu hàng hóa cho người tiêu dùng để người tiêu dùng biết rõ tác dụng. “Đối với thuốc, người dân không thể biết thuốc nào tốt, mà phải tùy vào thầy thuốc. Mua xe hơi thì có thể dễ, nhưng mua thuốc thì khó. Người Việt mua thuốc Việt tùy thuộc vào thầy thuốc Việt Nam. Người bệnh không nghe người bán hàng, mà nghe thầy thuốc”, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam nói.

Cho rằng, y tế là ngành đặc thù, là ngành chữa bệnh cứu người, vì vậy yếu tố công nghệ, kỹ thuật là rất quan trọng, vì thế, để đẩy mạnh việc người Việt dùng hàng Việt, phải làm từng bước để vận động. Phải xây dựng hệ thống chính sách, kế hoạch triển khai, truyền thông. Trong đó, truyền thông là rất quan trọng, bởi nếu không có truyền thông, người dân không biết thuốc tốt ở đâu mà mua hoặc không biết được đâu là sự lựa chọn tốt nhất...

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, thời gian tới, Bộ Y tế cần chú trọng quan tâm đến việc triển khai cuộc vận động tại các sở y tế và BV để tăng số đơn vị thực hiện cuộc vận động trong cả nước; khuyến khích khen thưởng những đơn vị thực hiện tốt cuộc vận động... Ngành y tế phải tăng cường truyền thông về tác dụng và hiệu quả của thuốc sản xuất trong nước, tạo niềm tin cho người tiêu dùng sử dụng thuốc Việt...

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/tao-niem-tin-cho-nguoi-tieu-dung-ve-su-dung-thuoc-san-xuat-trong-nuoc-n124296.html