Tạo nền tảng an sinh bền vững

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), tỉnh Bình Phước thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đã ghi nhận những kết quả ấn tượng, tích cực. Qua đó, góp phần đưa chính sách BHXH ngày càng lan tỏa trong cuộc sống với diện bao phủ được mở rộng và tạo động lực tốt hơn trong chăm lo an sinh xã hội tới mỗi người dân, người lao động.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Với mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đặt ra là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong tương lai, tất cả người đến tuổi nghỉ hưu đều được hưởng chính sách BHXH. Đây là những ý nghĩa cơ bản trong nội dung Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Những nội dung về cải cách chính sách BHXH được đặt ra tại Nghị quyết số 28 không chỉ mở rộng diện bao phủ đến lao động khu vực chính thức mà còn đặc biệt chú trọng đến lao động là nông dân, khu vực phi chính thức - “khoảng trống” chưa được quan tâm triệt để trong những lần thiết kế chính sách trước đây.

Tham gia bảo hiểm xã hội mang lại nhiều lợi ích cho người lao động. Trong ảnh: Công nhân Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc (TX. Chơn Thành) trong giờ làm việc

Sau khi Nghị quyết số 28 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh tổ chức phổ biến, quán triệt nghị quyết. Theo đó, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương đã phổ biến, quán triệt sâu sắc nội dung, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của nghị quyết. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm đối với các lĩnh vực liên quan, tác động trực tiếp mà UBND tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các giải pháp để đảm bảo thực hiện thành công nghị quyết; tạo sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ trong nghị quyết. Đồng thời Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình hành động và các văn bản có liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết số 28.

Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND ngày 9-11-2022 của HĐND tỉnh Bình Phước về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND là minh chứng rõ nét. Theo Nghị quyết số 16, người dân thuộc hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình, trên địa bàn các thôn, xã thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 không được phê duyệt là thôn, xã thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ; xã thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn có quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 sẽ được tỉnh hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Đối với người Kinh được hỗ trợ 50% của các tháng 11, 12-2022 và giảm dần mỗi năm 5% từ năm 2023-2025. Đối với người dân tộc thiểu số sẽ được tỉnh hỗ trợ 70% của tháng 11, 12-2022 và giảm dần mỗi năm 5% từ năm 2023-2025. Trước đó, theo Nghị quyết số 13, mức hỗ trợ sẽ là 10% và 20%. Ngoài mức hỗ trợ này, các đối tượng còn được ngân sách Trung ương hỗ trợ 30%. So với Nghị quyết số 13 thì Nghị quyết số 16 có mức hỗ trợ cao hơn rất nhiều.

Thực hiện Nghị quyết số 16, toàn tỉnh có khoảng 80.000 người được hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT. Đây là “chìa khóa” để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu về bao phủ BHYT toàn dân hằng năm theo Nghị quyết HĐND tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI đã đề ra. Đặc biệt, Nghị quyết số 16 có mức hỗ trợ giảm dần theo năm nhằm giúp người dân từng bước thích ứng, thay đổi tư duy, nhận thức về việc phải tự bỏ một phần kinh phí, tiến tới tự chủ hoàn toàn việc mua thẻ BHYT để tiếp cận dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe bản thân.

Những con số ấn tượng

Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị các cấp còn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về ý nghĩa nhân văn của BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; đồng thời vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho các đối tượng khó khăn. Từ đó làm tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.

Năm 2018, Bình Phước có 25% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; 23% lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); 84,11% dân số tham gia BHYT (mục tiêu đề ra 82,2%); 13.523 người được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Đến năm 2022, con số này đã tăng lên với 35,53% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH (mục tiêu đề ra 35%); 31% lao động trong độ tuổi tham gia BHTN (mục tiêu đề ra 31,5%); 92,6% dân số tham gia BHYT (mục tiêu đề ra 92%); 16.168 người được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Có thể khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 28 trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Diện bao phủ và số người thụ hưởng các chế độ BHXH không ngừng tăng cao qua từng năm, đặc biệt là tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện.

Hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động và hiện đại hóa quy trình quản lý, thời gian qua, ngành BHXH đã và đang tập trung tối đa nguồn lực, triển khai đồng loạt các giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, thủ tục hành chính của ngành BHXH đã giảm từ 115 thủ tục (năm 2015) xuống còn 25 thủ tục (năm 2021); hơn 98% đơn vị đã thực hiện giao dịch điện tử (doanh nghiệp nộp hồ sơ 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần); mức độ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực BHXH đạt 100% (63 dịch vụ/63 dịch vụ đang cung cấp).

Dự kiến năm 2023, Bình Phước có 38% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH (mục tiêu đề ra 38%), 32% lao động trong độ tuổi tham gia BHTN (mục tiêu đề ra 31,5%), 93% dân số tham gia BHYT (mục tiêu đề ra 93%); 16.309 người được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch và cắt giảm tối đa về thời gian, chi phí cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính về BHXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH thời gian qua. Theo đó, giai đoạn 2018-2019 đã giảm 49% thành phần hồ sơ, 29% tiêu thức, 24% số biểu mẫu, 12% quy trình; giai đoạn 2020-2021 giảm 25% thành phần hồ sơ, 38% tiêu thức trên tờ khai, biểu mẫu, 16% quy trình so với giai đoạn 2016-2017. Hiện tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước thời gian quy định của toàn ngành đạt hơn 90%.

Các hoạt động của ngành BHXH, cũng như giao dịch của người tham gia, đơn vị, doanh nghiệp với cơ quan BHXH được thực hiện trên môi trường số đã giúp giảm tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động; giúp doanh nghiệp, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra, đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách; nâng cao tính minh bạch của thông tin, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ BHXH, BHTN…

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/146233/tao-nen-tang-an-sinh-ben-vung