Tạo môi trường mạng an toàn, tin cậy cho trẻ em

Đại dịch Covid-19 bùng phát hơn 1 năm nay đã ảnh hưởng đến khoảng 1,5 tỷ học sinh và sinh viên trên toàn thế giới do các trường học phải đóng cửa. Giảng dạy và học tập trực tuyến trở thành xu thế không thể đảo ngược, đồng nghĩa thời gian trẻ em và thanh thiếu niên tiếp xúc với Internet hằng ngày tăng mạnh. Việc các nước thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, vô hình chung cũng khiến cuộc sống của hàng triệu trẻ em dường như 'gắn chặt' trên không gian mạng.

Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), cứ 3 người sử dụng Internet trên thế giới thì có 1 trẻ em. Trung bình cứ nửa giây thì có một trẻ em lần đầu tiên sử dụng Internet, tức là mỗi ngày có hơn 175 ngàn trẻ em tham gia không gian mạng.

Nhiều học sinh Mỹ phải học từ xa do đại dịch Covid-19

Việc tiếp cận kỹ thuật số mang lại nhiều lợi ích và cơ hội lớn cho trẻ em, từ cung cấp kiến thức và thông tin, thiết lập không gian giải trí lành mạnh, tăng cường tương tác xã hội, tạo môi trường chia sẻ kết nối,… đồng thời cũng đưa đến một số rủi ro và nguy hiểm cho nhóm đối tượng vốn chưa có đầy đủ nhận thức và kỹ năng để tự bảo vệ trên không gian mạng. Giới chuyên gia cho rằng có 4 nhóm nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ em trên không gian mạng: nguy cơ bị rò rỉ thông tin cá nhân dẫn tới bị lừa hoặc bị lợi dụng; nguy cơ bị quấy rối tình dục, bắt nạt, khủng bố; nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các nội dung bạo lực, độc hại, tin giả và cuối cùng là nguy cơ nghiện Internet sẽ dẫn đến các bệnh lý về cả tâm thần và thể chất.

Theo kết quả thăm dò trực tuyến do UNICEF phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành đối với học sinh cấp tiểu học, trung học và phụ huynh tại 11 nước châu Âu, có tới hơn 75% trẻ em tại Italia, Na Uy, Bồ Đào Nha và Romania đã sử dụng mạng xã hội hằng ngày trong thời gian phong tỏa vào mùa xuân năm ngoái, trước hết là để giao tiếp với giáo viên. Phần lớn trẻ em đã sử dụng công cụ trực tuyến để học từ xa như Zoom, Microsoft Teams, Skype và con số này dao động từ 30% tại Đức đến 94% tại Slovenia.

Tuy nhiên, những nền tảng này, vốn được thiết kế để doanh nghiệp làm việc từ xa, lại chưa thật sự được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu học tập an toàn. Hậu quả là nhiều lớp học trực tuyến đã bị tin tặc đột nhập và gây rối, hình ảnh các lớp học và thông tin nhạy cảm của học sinh bị rò rỉ trên mạng Internet. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thậm chí đã phải lên tiếng cảnh báo về các lỗ hổng và điều tra về các vụ Zoom xâm nhập vào “phòng học trực tuyến”, đăng nội dung xấu và phản cảm. Tổ chức Theo dõi Internet (IWF) của Anh cảnh báo dịch bệnh kéo dài cộng thêm những xu hướng độc hại trên môi trường Internet đã khiến trẻ em đối mặt với nhiều áp lực và tổn thương.

Trợ lý Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) về lĩnh vực giáo dục - bà Stefania Giannini nhấn mạnh để duy trì môi trường học tập trực tuyến an toàn và tin cậy, các cơ quan giáo dục, các trường học cần có chính sách về bảo đảm an toàn trên môi trường trực tuyến, cung cấp thông tin và hướng dẫn cách học qua Internet, duy trì các dịch vụ tư vấn. Trong khi đó, UNICEF cũng đã nêu ra một số biện pháp để giúp các bậc phụ huynh bảo vệ trẻ em như cài đặt chế độ bảo mật riêng tư, bật tính năng tìm kiếm an toàn trên trình duyệt, khuyến khích trẻ tham gia xây dựng các quy định trong gia đình về việc sử dụng thiết bị lành mạnh, hướng dẫn trẻ giữ kín thông tin với người lạ, nhắc nhở các em về hậu quả khi đăng tải thông tin nhạy cảm lên môi trường mạng.

Các chuyên gia về an toàn không gian mạng cho biết mỗi ngày có khoảng 1,8 tỷ hình ảnh được đăng tải, thì có đến 720.000 là các hình ảnh phi pháp về trẻ em. Điều đó cho thấy bảo đảm không gian mạng an toàn và tin cậy cho trẻ em vẫn là một thách thức đối với cả thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, để tạo ra "lá chắn" bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, cần những biện pháp đồng bộ và hành động quyết liệt từ nhiều phía, kể cả các chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ và nền tảng mạng xã hội, trường học và cha mẹ.

Hoài An (t.h)

1,414

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/tao-moi-truong-mang-an-toan-tin-cay-cho-tre-em-84713.html