Tạo mọi điều kiện để người khuyết tật vươn lên

Để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật, thời gian qua, các cấp chính quyền, tổ chức hội đoàn thể trong tỉnh đã quan tâm sâu sát, tổ chức nhiều hoạt động, tạo mọi điều kiện để họ vươn lên.

Nhà báo Phan Xuân Luật (bìa trái), Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên trao quà cho ông Nguyễn Văn Lực (xã Xuân Bình, TX Sông Cầu). Ảnh: KIM CHI

Theo Sở LĐTB&XH, toàn tỉnh hiện có 26.749 người khuyết tật với nhiều dạng tật khác nhau.

Nhiều hoạt động thiết thực

Nhân kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4), Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi (NKT&TMC) Phú Yên đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm (quận 11, TP Hồ Chí Minh) tặng 20 chiếc xe lăn cho NKT của huyện Sơn Hòa.

Bà Trần Thị Nhiên (66 tuổi, ở thôn Thanh Minh, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa) bộc bạch: Mấy năm trước, do tai biến nên tôi bị liệt cả hai chân, không thể tự đi lại được, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày rất khó khăn. May mắn dịp này có đoàn thiện nguyện về tận nhà trao xe lăn, tặng quà, tôi rất vui. Chiếc xe này thay thế đôi chân khuyết tật, tôi có thể tới lui trong nhà, ngoài sân để phơi nắng, ngắm nhìn cuộc sống xung quanh.

Và mới đây, chương trình Nhịp cầu nhân ái của Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên đã kết nối, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ gần 290 triệu đồng, giúp ông Nguyễn Văn Lực (60 tuổi, ở thôn Tuyết Diêm, xã Xuân Bình, TX Sông Cầu), mắc bệnh nổi khối u khắp cơ thể, toàn thân đau nhức, đi lại khó khăn.

“Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn cố gắng sống cùng với cơ thể dị tật này, nhưng bệnh ngày càng nặng. Đặc biệt những năm gần đây, các khối u ngày càng nổi nhiều và to dần lên nên rất đau nhức. Hơn 40 năm qua, tôi chưa có được giấc ngủ ngon vì cơn đau luôn hành hạ cơ thể”, ông Lực trải lòng.

Vợ chồng ông Lực sinh được hai người con gái. Nhưng số phận nghiệt ngã, cô con gái lớn năm nay 35 tuổi cũng mắc bệnh giống cha.

Ông Trần Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Bình nói: Hoàn cảnh gian đình ông Lực rất thương tâm, hai cha con mang trong mình dị tật lạ thường. Vợ chồng ông không có đất đai, gia đình bốn người phải dựng căn chòi trên đất của hàng xóm để ở tạm. Bao năm qua, xã cũng hỗ trợ nhưng nguồn lực có hạn. Địa phương đánh giá cao chương trình Nhịp cầu nhân ái của PTP.

Cải thiện chất lượng cuộc sống

Không chỉ thực hiện tốt việc trợ giúp từ ngân sách nhà nước, thời gian qua, tỉnh còn quan tâm thực hiện xã hội hóa hỗ trợ NKT. Đến nay, trên 95% NKT nặng và đặc biệt nặng đã được các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp cấp thẻ BHYT.

Hằng năm, số trẻ em bị dị tật vận động, sứt môi, hở hàm ếch được khám sàng lọc, phân loại, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng… Đồng thời, các hội, đoàn thể phối hợp với các đơn vị tài trợ cung cấp hàng ngàn dụng cụ trợ giúp NKT như: xe lăn, xe lắc, cặp nạng inox, cặp nạng gỗ, bàn chống inox, xe đạp, chân, tay giả phục hồi chức năng…, giúp NKT khắc phục khó khăn trong vận động, đi lại.

Bên cạnh đó, các đơn vị vận tải thực hiện các chính sách miễn, giảm giá vé cho NKT khi tham gia giao thông công cộng. Các hội diễn nghệ thuật NKT, hội thao NKT… cũng đã được các đơn vị tổ chức, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh để NKT có cơ hội thể hiện năng lực và niềm đam mê, giúp họ sống lạc quan, vượt qua mặc cảm, khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Để thực hiện tốt hơn nữa công tác trợ giúp NKT, toàn tỉnh đang tích cực triển khai Đề án trợ giúp NKT tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT; đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện để họ phát huy khả năng của mình đáp ứng nhu cầu bản thân, tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội.

Theo đó, từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu khoảng 80% NKT tiếp cận dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau. Trẻ em được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật. Trẻ em và NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp. NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm.

NKT có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương. Trên 80% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau…

Đa số NKT đều có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu sống dựa vào người thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Thời gian qua, hội đã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động trực tiếp giúp NKT như: phẫu thuật chỉnh hình, mổ tim bẩm sinh, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và tư vấn giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách cho NKT.

Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT&TMC Phú Yên Nguyễn Hữu Nghiệm

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/315453/tao-moi-dieu-kien-de-nguoi-khuyet-tat-vuon-len.html