Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vừa công bố triển khai đề tài nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học: 'Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam'.

Theo Quyết định số 11/QĐ-VNREA-BCH của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Trường Đại học Luật Hà Nội là đơn vị chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học quốc tế: "Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam". Hiệp hội Bất động sản Việt Nam giao Luật sư.TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO đảm nhận vai trò chủ nhiệm đề tài và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam là đơn vị thực hiện.

Quan điểm về nhà ở hợp túi tiền

Đề tài nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học quốc tế có sự tham gia, tư vấn, phản biện từ các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực bất động sản, kinh tế, tài chính, luật, thống kê, báo chí… trong và ngoài nước. Qua đó, hướng tới mục tiêu nghiên cứu, khảo sát cơ sở lý luận và thực tiễn về thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền trên thế giới; đánh giá nhu cầu, tiềm năng, cơ hội, thách thức của thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền Việt Nam; đề xuất mô hình, cơ chế, chính sách để phát triển thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam.

Theo Chủ tịch Tập đoàn CEO Đoàn Văn Bình, tại Việt Nam, hiện nay thị trường đều đang hiểu nhà ở vừa túi tiền là nhà ở thương mại có tổng giá trị tài sản được chi trả bằng thu nhập tích lũy từ 7 năm trở lên của một hộ gia đình

Theo LS.TS. Đoàn Văn Bình, sau 2 năm đại dịch Covid-19 với những "sóng gió" của thị trường, thế giới đã phải trải qua những khó khăn nhất định. Hai yếu tố lạm phát tăng và thu nhập giảm mạnh cùng những đặc thù của các quốc gia về nhà ở thì hầu hết các quốc gia trên thế giới đều khủng hoảng nhà ở. Ở thời điểm hiện tại, vấn đề khủng hoảng nhà ở không phải là vấn đề riêng của một đất nước mà đây là câu chuyện của toàn thế giới.

Đầu tiên, về quan điểm về nhà ở vừa túi tiền, LS.TS. Đoàn Văn Bình cho rằng, hiện nay nước ta chưa có một khái niệm, định nghĩa cụ thể nào cho "nhà ở vừa túi tiền" mà quốc tế thường gọi là Affordable housing. Ở đây cần tách bạch, nhà ở vừa túi tiền là nhà ở thương mại. Còn riêng về nhà ở xã hội thì Việt Nam đã ban hành chính sách riêng.

Tại Việt Nam, hiện nay thị trường đều đang hiểu nhà ở vừa túi tiền là nhà ở thương mại có tổng giá trị tài sản được chi trả bằng thu nhập tích lũy từ 7 năm trở lên của một hộ gia đình; Là nhà phân khúc hạng C với mức giá cho căn hộ hoàn thiện cơ bản là dưới 1.000 USD/m2, nghĩa là căn hộ 2 phòng ngủ 65m2 có giá khoảng 65.000 USD tương đương 1,6 tỷ đồng.

Các nước phát triển nhà ở vừa túi tiền như thế nào?

Trên cơ sở đó, LS. TS. Đoàn Văn Bình đã chỉ ra một số kinh nghiệm phát triển nhà ở vừa túi tiền của một số quốc gia trên thế giới.

Cụ thể, tại Hoa Kỳ hiện đang thiếu khoảng 5,5 - 7,3 triệu căn nhà ở vừa túi tiền. Theo LS. Bình, Hoa kỳ đã sử dụng các quỹ trong Kế hoạch Giải cứu Người Mỹ (American Rescue Plan) nhằm tạo lập thêm nhiều nhà ở cho thuê vừa túi tiền.

Tại California thì cho phép chuyển đổi các không gian văn phòng sử dụng không hiệu quả thành nhà ở vừa túi tiền; hỗ trợ 8.000 USD cho người thu nhập thấp thuộc diện được thuê nhà ở vừa túi tiền để trả các loại chi phí như thẩm định giá, phí luật sư…; ưu đãi thuế cho các nhà phát triển dành 20% số căn hộ để làm nhà vừa túi tiền; người thuê nhà ở vừa túi tiền không phải trả khoản tiền ứng trước, thông thường là khoảng 20% giá trị hợp đồng mua nhà. Ngoài ra, giải pháp nghiêng về phía ngân hàng là Ngân hàng cho vay thế chấp 100% giá trị hợp đồng thay vì chỉ áp một mức nhất định.

Đối với nước Đức - một đất nước giàu có tại châu Âu và nằm trong G7 nhưng tỷ lệ sở hữu nhà ở tại đây rất thấp chỉ 46%. Như vậy, gần 60% người Đức đang đi thuê nhà trong bối cảnh lạm phát tăng, thu nhập giảm. Như vậy, TS Đoàn Văn Bình cho rằng, người Đức cũng đang chật vật với câu chuyện tiếp cận nhà ở vừa túi tiền.

Từ đó, nước Đức đã đề ra chính sách để giải quyết vấn đề này: Đặt giới hạn tối đa về giá thuê và mức tăng giá thuê tại một khu vực Áp dụng cho các khu vực có thị trường nhà ở căng thẳng tại Đức. Đặc biệt, khi một căn nhà được tái cho thuê trong khu vực áp dụng Mietdeckel, giá thuê không được vượt quá 10% so với giá thuê thông thường tại địa phương; Ban hành giá trần điện và ga để các bên tham chiếu thỏa thuận rõ trong hợp đồng thuê. "Ngay cả những nước trọng kinh tế thị trường thì cũng có thể can thiệp các mệnh lệnh hành chính vào để điều tiết nhà ở vừa túi tiền cho người dân", Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận.

Đối với Trung Quốc - một đất nước rộng lớn và đang gặp khủng khoảng thị trường bất động sản nói chung thì hiện nay, Chính phủ Trung Quốc đã bổ sung khoảng 6,5 triệu căn nhà ở mới cho thuê thu nhập thấp ở 40 thành phố chính đến năm 2025. Và gần đây nhất, Chính phủ Trung Quốc đang đưa ra 17 giải pháp tài chính và phi tài chính để giải quyết vấn đề này. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng nắn dòng chảy tài chính cho nhà ở vừa túi tiền.

TS. LS. Đoàn Văn Bình cho biết, phát triển nhà ở vừa túi tiền trên thế giới ngày càng được quan tâm mạnh mẽ từ Chính phủ các nước. Tư duy thả nổi đối với nhà ở vừa túi tiền theo quy luật cung cầu tự nhiên của thị trường đang được thay đổi bằng những định hướng, chính sách, những khuyến khích để phát triển phân khúc này trên toàn cầu. có thể thấy, những chính sách các nước áp dụng cũng rất đa dạng. “Nếu để “bàn tay vô hình” của cơ chế thị trường thì sẽ rất khó có được nhà ở vừa túi tiền cho người dân. Thời gian qua, giá nhà tăng liên tục chính là minh chứng. Vì vậy, Nhà nước cũng nên trực tiếp tham gia tạo lập nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội cho thuê để dẫn dắt, điều tiết thị trường trong một giai đoạn nhất định”, TS. LS. Đoàn Văn Bình khẳng định.

Từ những nghiên cứu trên, LS.TS. Đoàn Văn Bình đã chỉ ra những gợi mở chính sách cho Việt Nam, bao gồm:

Nhóm giải pháp thứ nhất là hoàn thiện chính sách, pháp luật. Nhóm giải pháp thứ hai là hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn: Cần xây dựng và ban hành hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, công nghệ mới cho nhà ở vừa túi tiền; Ban hành thiết kế mẫu cho nhà ở vừa túi tiền… qua đó góp phần giảm chi phí đầu tư xây dựng nhằm hạ giá nhà. Nhóm giải pháp thứ ba là đổi mới công tác quy hoạch. Nhóm giải pháp thứ tư là áp dụng giải pháp về tài chính và thuế. Nhóm giải pháp thứ năm là hướng tới cải cách thủ tục hành chính.

Ngoài ra, TS.LS. Đoàn Văn Bình cũng chỉ ra nhưng giải pháp khác như: Xây dựng dữ liệu, chỉ số khả năng chi trả nhà ở vừa túi tiền để thuận lợi cho công tác quản lý; Khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, xanh, thông minh, nhận chuyển giao công nghệ mới cho phát triển nhà ở vừa túi tiền. Cùng với đó, Nhà nước trực tiếp tham gia tạo lập nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội cho thuê để dẫn dắt, điều tiết thị trường trong một giai đoạn nhất định./.

Song Anh

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/tao-lap-thi-truong-nha-o-thuong-mai-vua-tui-tien-kinh-nghiem-quoc-te-va-de-xuat-cho-viet-nam-121409.html