Tạo khung pháp lý đầy đủ cho hoạt động phòng không nhân dân

Sáng 29/3, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Phòng không Nhân dân dưới sự chủ trì của Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Hương Giang)

Nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động phòng không nhân dân

Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Bế Xuân Trường đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc ban hành Luật Phòng không Nhân dân (PKND). Theo đó, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, PKND là một nội dung quan trọng của công tác quốc phòng, quân sự; được xây dựng, tổ chức hoạt động trong khu vực phòng thủ, là một bộ phận của thế trận quốc phòng toàn dân trên mặt trận đối không nhằm thực hiện phòng, tránh, đánh địch đột nhập, tiến công đường không và phục vụ chiến đấu...; bảo vệ Đảng, chính quyền, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, tính mạng và tài sản của Nhân dân, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, lực lượng PKND đã từng bước được củng cố về tổ chức, biên chế, vũ khí, trang bị kỹ thuật; lực lượng nòng cốt PKND thường xuyên duy trì nền nếp huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng thế trận phòng không liên hoàn, rộng khắp, vững chắc, có chiều sâu, bảo vệ vững chắc vùng trời của Tổ quốc...

Trong khi đó, kết quả tổng kết thi hành pháp luật về PKND đã chỉ ra một số vướng mắc, trong đó chưa quy định việc tổ chức xây dựng lực lượng PKND trong các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, các công trình năng lượng lớn của quốc gia. Một số cơ chế, chính sách chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ đến việc tổ chức, hoạt động của công tác PKND, công tác bảo đảm cho hoạt động PKND còn nhiều bất cập; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển, nhu cầu khai thác, sử dụng và công tác quản lý. Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật của các tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ diễn ra ngày càng gia tăng cả trong nội địa và địa bàn một số tỉnh giáp biên (chỉ tính riêng năm 2023 tại các quận nội thành TP Hà Nội, lực lượng quản lý, bảo vệ vùng trời của Bộ Quốc phòng đã phát hiện, xử lý 1.557 trường hợp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm, trong đó có cả vi phạm trong khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay).

Bên cạnh đó, công tác quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không, độ cao giới hạn chướng ngại vật phòng không xung quanh các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam còn hạn chế. Những bất cập đó đặt ra yêu cầu cao phải có quy định của pháp luật để điều chỉnh cho phù hợp. “Từ những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng, ban hành Luật PKND là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” - Thượng tướng Bế Xuân Trường nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết ban hành Luật PKND nhằm tạo lập khung pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động PKND, xây dựng lực lượng PKND mạnh, thế trận PKND vững chắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế, xã hội. Các ý kiến tham luận cũng cơ bản nhất trí với kết cấu, bố cục 08 chương với 55 điều và những nội dung chủ yếu, các chính sách, các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề của dự thảo Luật.

Quy định rõ nguồn lực bảo đảm cho hoạt động phòng không nhân dân

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương nhấn mạnh, thực tiễn các cuộc đấu tranh ở nước ta cho thấy, PKND đã phát huy tác dụng to lớn, góp phần cùng với các lực lượng đập tan các cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ, giữ vững ổn định hậu phương miền Bắc, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

Theo Trung tướng Trần Văn Độ, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác PKND, ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ, ngày 25/7/1963, Chính phủ có Nghị định số 112/CP về việc tổ chức PKND. Trong suốt thời gian kháng chiến và sau này khi đất nước đã hòa bình, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, nghị định, quyết định, thông tư... về PKND. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần phối hợp giữa các cấp, các ngành, các lực lượng thực hiện nhiệm vụ chung của địa phương theo cơ chế, trên cơ sở thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chỉ lệnh về sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng khu vực phòng thủ, vận dụng linh hoạt để tiến hành các hoạt động PKND có hiệu quả.

Bên cạnh đó, hiện pháp luật về PKND chưa quy định rõ về nguồn lực bảo đảm cho hoạt động PKND nên việc thực hiện các nội dung công tác PKND còn nhiều khó khăn, hạn chế. Lực lượng PKND ngoài bộ đội địa phương, dân quân tự vệ còn có lực lượng được huy động (là Nhân dân các địa phương, người lao động trong các cơ quan, tổ chức). Lực lượng này là lực lượng không thoát ly lao động, sản xuất và những công việc thường xuyên, được xây dựng, chuẩn bị từ thời bình, trong khi đó, hiện nay Nhà nước mới chỉ có chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ mà chưa có chính sách với đối tượng được huy động tham gia công tác PKND. Do đó, cần phải xây dựng chế độ, chính sách phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cho lực lượng được huy động, điều này được thể hiện rõ trong dự thảo Luật PKND là rất cần thiết, tạo thuận lợi để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác PKND hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách và thực hiện chế độ, chính sách đối với hoạt động PKND; bảo đảm sự công bằng về chế độ, chính sách đối với người được huy động tham gia công tác PKND; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác PKND.

Hội nghị cũng nhận được nhiều tham luận về các vấn đề khác như: bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi của dự án Luật PKND; bảo đảm sự tương thích, thống nhất, đồng bộ và phù hợp với quy định của các luật chuyên ngành khác như Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Quốc phòng, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam... Các tham luận cũng đi sâu phân tích và kiến nghị cụ thể các vấn đề về xây dựng lực lượng PKND; huy động lực lượng PKND; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; nguồn lực, chính sách bảo đảm đối với công tác PKND...

H.Giang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tao-khung-phap-ly-day-du-cho-hoat-dong-phong-khong-nhan-dan-post508082.html