Tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Huyện Phúc Thọ đã tạo được đột phá lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Đạt được kết quả này là nhờ sự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện với tinh thần làm việc quyết liệt, hiệu quả; đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phân công rõ người, rõ việc, đã tạo được sự đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện.

Phóng viên Báo Hànôịmới đã trao đổi với Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú xung quanh những nội dung này.

- Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân mà huyện đã đạt được?

- Về sản xuất nông nghiệp, Phúc Thọ đã quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất tập trung như: Vùng trồng rau, hoa, cây ăn quả... Hiện nay toàn huyện có trên 400ha rau an toàn, tập trung ở các xã Thanh Đa, Vân Phúc, Long Xuyên, Thọ Lộc; vùng hoa ở xã Tam Thuấn, cây cảnh ở Tích Giang. Huyện đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể một số sản phẩm như: Rau muống tiến vua ở Thanh Đa, bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam; đang mở rộng việc nuôi lợn sinh học ở nhiều xã và liên kết với doanh nghiệp (DN) trong khâu tiêu thụ. Huyện đã chỉ đạo mở rộng cụm công nghiệp thị trấn thêm 20ha, quy hoạch các cụm công nghiệp Thanh Đa, Sen Chiểu, Long Xuyên quy mô từ 10 đến 20ha và tích cực mời gọi DN vào đầu tư với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và sử dụng lao động địa phương. Ước tính đến hết năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của huyện Phúc Thọ đạt 34 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%.

- Là huyện nông nghiệp, việc bố trí nguồn vốn cho NTM gặp khó khăn, huyện tháo gỡ những khó khăn này như thế nào để đạt kết quả cao với 17/22 xã đạt chuẩn NTM?

- Xây dựng NTM là chăm lo phát triển tổng thể các lĩnh vực kinh tế - xã hội nên phải lồng ghép các chương trình với nhau. Năm 2016, ngoài vốn thành phố, huyện Phúc Thọ đã tập trung nguồn vốn cho các xã về đích với phương châm “làm đến đâu, chắc đến đó”; cùng với đó, quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất, các thiết chế văn hóa… Năm 2016, huyện Phúc Thọ phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã còn lại hoàn thành trong năm 2017 để có 100% số xã của huyện đạt chuẩn NTM.

- Phát triển nông sản hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất đang là xu thế phát triển tất yếu. Vậy hướng đi của Phúc Thọ về vấn đề này như thế nào?

- Sau dồn điền đổi thửa, huyện có khoảng 700ha đất thuộc các vị trí khó canh tác, huyện cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để vừa đưa được chăn nuôi ra xa khu dân cư, khắc phục ô nhiễm môi trường và nâng cao thu nhập cho nhân dân. Theo quy định, trang trại có diện tích từ 2,1ha trở lên mới được xây nhà tạm. Tháo gỡ khó khăn này, huyện Phúc Thọ quyết định thực hiện thí điểm, cho phép làm nhà tạm đối với mô hình diện tích từ 1.000m2 đến dưới 2,1ha, quy mô nhà dưới 20m2 yêu cầu phải có dự án cụ thể và phải nằm trong vùng quy hoạch, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng theo quy hoạch.

- Được biết, huyện Phúc Thọ đang có ý tưởng sẽ đứng ra thuê đất của nhân dân để giao cho DN thuê sản xuất, ông có thể chia sẻ thêm về ý tưởng này?

- Để có vùng sản xuất lớn dứt khoát phải tích tụ ruộng đất. Nếu mỗi hộ nông dân làm từ 4 đến 7 sào ruộng rất khó để làm giàu. Nhiều hộ không mặn mà với nông nghiệp nhưng cũng không muốn cho DN thuê. Để nhân dân tin tưởng, huyện Phúc Thọ dự kiến thông qua hợp tác xã đứng ra quản lý giao lại cho DN thuê trong một thời gian nhất định. Huyện cùng lãnh đạo các xã, thị trấn đứng ra khâu nối, trực tiếp họp dân tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, tin tưởng và cam kết bảo vệ đất cho dân...

- Có được những bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, theo ông đâu là nguyên nhân?

- Thành công của huyện là cả một quá trình nỗ lực, nhưng quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ phải tâm huyết, trách nhiệm, dám làm và ham học hỏi cái mới. Thời gian qua, huyện Phúc Thọ đã tạo điều kiện cho cán bộ đi học tập để thay đổi tư duy, nhận thức và đưa nông dân đi cùng để tiếp thu các mô hình mới, những việc làm hay để về thực hiện. Cùng với đó, huyện tập trung nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng cơ sở, đặc biệt là các buổi sinh hoạt chi bộ. Thông qua đó, chuyển tải các chủ trương, chính sách để đảng viên nắm bắt, đồng thuận trong triển khai, vận động nhân dân thực hiện.

- Đối thoại với nhân dân để tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội là cách làm riêng của huyện thời gian qua, ông có thể cho biết những kết quả thu được thông qua các cuộc đối thoại?

- Đây là năm thứ 3 chúng tôi thực hiện đối thoại giữa Bí thư, Chủ tịch UBND huyện với đại biểu nhân dân. Quy mô và nội dung các cuộc đối thoại ngày càng được mở rộng. Qua đây cho thấy, người dân rất quan tâm đến công việc chung của địa phương, giám sát những việc cán bộ nói và làm. Tổ chức đối thoại với dân giúp lãnh đạo huyện nắm bắt được nhiều ý kiến trực tiếp từ cơ sở, từ đó giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc đưa nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp vào cuộc sống.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/856075/tao-dot-pha-trong-phat-trien-kinh-te---xa-hoi