Tạo động lực cho những chuyển biến tích cực

Thời gian qua, hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều chuyển biến tích cực. Để các HTX nông nghiệp trở thành động lực quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, tỉnh đang tập trung tháo gỡ các 'điểm nghẽn', triển khai nhiều chính sách hỗ trợ.

NHIỀU ĐIỂM SÁNG

Đến tháng 7-2023, toàn tỉnh có 189 HTX nông nghiệp (chiếm 71% tổng số HTX toàn tỉnh), tăng 79 HTX so với năm 2018. Giai đoạn 2018 - 2023, toàn tỉnh thành lập mới 86 HTX nông nghiệp, tăng gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2012 - 2017. Điều này cho thấy có sự phát triển nhanh về số lượng HTX nông nghiệp.

Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang không ngừng phát triển về số lượng lẫn chất lượng.

Các HTX nông nghiệp hiện có 46.990 thành viên, tăng 21.827 thành viên so với năm 2018. Tổng số vốn hoạt động của các HTX nông nghiệp khoảng 189,94 tỷ đồng (tăng 110,52 tỷ đồng so với năm 2018), bình quân 1,02 tỷ đồng/HTX. Tổng doanh thu của HTX nông nghiệp năm 2022 đạt khoảng 442,138 tỷ đồng (tăng 309,363 tỷ đồng so với năm 2018), bình quân 2,4 tỷ đồng/HTX (tăng 1,2 tỷ đồng/HTX so với năm 2018); lợi nhuận đạt khoảng 12,836 tỷ đồng (tăng 8,29 tỷ đồng so với năm 2018), bình quân 70 triệu đồng/HTX. Tổng số cán bộ là 1.030 người; trong đó, cán bộ có trình độ từ trung cấp, cao đẳng, đại học trở lên chiếm 36,6% (tăng 23,3 % so với năm 2018); số cán bộ được qua đào tạo sơ cấp hoặc ngắn hạn chiếm 58,4%; số cán bộ chưa qua đào tạo chiếm khoảng 5%.

Đến nay, toàn tỉnh có 59 HTX nông nghiệp sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Toàn tỉnh có gần 150 HTX tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp; có 15 HTX với 22 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP… Trong 5 năm qua, bên cạnh sự phát triển về số lượng, chất lượng HTX nông nghiệp cũng được nâng lên, xuất hiện nhiều mô hình nổi bật, điển hình với cách làm mới, sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

Để đạt được những kết quả trên, thời gian qua, Tiền Giang đã tập trung hỗ trợ thành lập mới, củng cố tổ chức KTTT, HTX. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho HTX nông nghiệp. Trong giai đoạn 2018 - 2023, tỉnh đã tổ chức được 45 lớp với 1.600 người tham dự.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, Trường Đại học Cần Thơ, để phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới trong thời gian tới, trước hết cần xây dựng lòng tin, uy tín từ các thành viên HTX, là chìa khóa của thành công. Do vậy, HTX cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, có trình độ, có uy tín, quản lý giỏi mới đem lại sự thành công. HTX phải đa dạng các hoạt động, trong đó phải cung cấp được dịch vụ tiêu thụ, cung ứng tập trung qua HTX mới mang lại hiệu quả. HTX nông nghiệp giai đoạn tới nên hợp nhất các HTX cùng lĩnh vực trên địa bàn huyện/tỉnh để tập trung nguồn lực, sức mạnh phát triển.

Tỉnh cũng thực hiện tốt các chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho HTX. Theo đó, tỉnh tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong nước. Qua đó, HTX nông nghiệp đã quảng bá được hình ảnh của hàng nông sản Tiền Giang, giúp các đơn vị ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho thành viên. Tỉnh cũng tập trung triển khai chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực trẻ về làm việc có thời hạn cho HTX. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 33 lao động trẻ về làm việc tại 27 HTX để hỗ trợ về kỹ thuật, kế toán và quản lý trong sản xuất, kinh doanh.

Một trong những động lực quan trọng giúp các HTX nông nghiệp phát triển là chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh đã trình thực hiện hỗ trợ 42 công trình cho 35 HTX với tổng kinh phí thực hiện là 32 tỷ đồng. Các công trình đã được bàn giao, nghiệm thu và đưa vào sử dụng đem lại hiệu quả trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. Tiền Giang còn tập trung hỗ trợ HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi.

Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 109 dự án/kế hoạch liên kết sẽ triển khai. Hiện có 29 dự án/kế hoạch liên kết được phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện 107,487 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ là 19,414 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho HTX. Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh đã giải quyết cho 10 lượt HTX nông nghiệp vay vốn (14,63 tỷ đồng); trong đó, tổng dư nợ 3,95 tỷ đồng.

TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH, HỖ TRỢ

Bên cạnh những điểm nhấn tích cực, thời gian qua, việc phát triển các HTX nông nghiệp cũng đối mặt với không ít khó khăn. Do đó, hỗ trợ tháo gỡ những “điểm nghẽn” đang là vấn đề đặt ra hiện nay để các HTX phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Để các HTX nông nghiệp phát triển, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là các đặc trưng, bản chất, vai trò của HTX kiểu mới trong bối cảnh hiện nay. Điều này nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các thành phần kinh tế và nhân dân về vai trò, vị trí của HTX nông nghiệp.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tập trung triển khai thực hiện Chương trình Hỗ trợ HTX giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 1804 của Thủ tướng Chính phủ, được cụ thể hóa tại Quyết định 2848 của UBND tỉnh Tiền Giang. Trong đó, tỉnh cần đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX để nâng cao năng lực chế biến, bảo quản; đảm bảo hạ tầng logistics đồng bộ trong vùng sản xuất; tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ cán bộ trẻ về làm việc ở HTX; đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp, cập nhật kiến thức, thông tin thị trường để nâng cao năng lực kinh doanh, kỹ năng quản lý cho HTX.

Tỉnh sẽ xây dựng mô hình HTX kiểu mới; định hướng xây dựng các mô hình HTX hoạt động với quy mô liên xã, liên huyện với những sản phẩm chủ lực của địa phương để mở rộng quy mô sản xuất và thành viên, khắc phục tình trạng HTX nhỏ lẻ, hoạt động hình thức. Đồng thời, phát triển các mô hình hợp tác xã liên kết hợp tác và tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp, từ đó phát triển các sản phẩm từ các chuỗi liên kết thành sản phẩm OCOP.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng, để thúc đẩy các HTX nông nghiệp phát triển, trong thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp. Xu thế tất yếu là phải phát triển HTX để tạo đồng thuận trong nhân dân góp phần thúc đẩy HTX nông nghiệp phát triển.

Đồng chí Phạm Văn Trọng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh HTX tỉnh và các đơn vị có liên quan đánh giá, phân loại các HTX để kiện toàn, củng cố những HTX yếu kém, nếu không đủ điều kiện thì giải thể hay chuyển đổi sản phẩm sang mô hình khác. Liên quan đến công tác tuyên truyền, triển khai các chính sách phát triển KTTT, HTX, các cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện, đây là nhiệm vụ chính trị. Các HTX, tổ hợp tác cần tích cực, tự giác và có nhiều tâm huyết hơn trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nghiên cứu, đa dạng hóa các sản phẩm. Trong quá trình hoạt động, nếu có những vướng mắc, khó khăn thì HTX cần thông tin với cơ quan nhà nước, Liên minh HTX để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ, nhất là khi có những chính sách mới…

M. THÀNH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202310/hop-tac-xa-nong-nghiep-o-tien-giang-tao-dong-luc-cho-nhung-chuyen-bien-tich-cuc-994367/