Tạo đòn bẩy để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước qua các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có sự tăng trưởng đáng kể theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống và sự phát triển giữa các vùng miền.

Tạo đòn bẩy để phát triển vùng đ

Đầu tư hạ tầng

Điều mà ai cũng nhìn thấy là mạng lưới giao thông ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh ngày càng phát triển, hoàn thiện hơn nhằm phục vụ hiệu quả đời sống giao thương của đồng bào, kích thích phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Diện mạo nông thôn từng bước được khởi sắc, cuộc sống của đồng bào ngày càng no ấm. Kết quả đó phải khẳng định rằng là những kết quả của sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong chương trình hành động với mục tiêu chính đó là xóa đói, giảm nghèo, nâng mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, chăm lo giáo dục, y tế, nâng cao trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Trong các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số không thể không nói đến Chương trình 135. Từ chương trình này, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình thủy lợi, đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống kênh mương, các công trình nước sinh hoạt tập trung cho vùng dân tộc miền núi. Nhiều công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển sản xuất và cải thiện đời sống của đồng bào. Đến nay, 100% xã có đường giao thông được nhựa hóa đến trung tâm xã, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông xi măng tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển nông sản và giao lưu đi lại giữa các vùng. Đặc biệt trong 5 năm gần đây (2014 - 2019), từ các nguồn vốn của Trung ương và tỉnh đã đầu tư gần 650 tỷ đồng thông qua các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con...

Những con số này cũng chưa thể nói hết được sự quan tâm của Đảng và chính quyền để đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, những giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát triển. Cùng với những chính sách hỗ trợ về kinh tế - xã hội, việc học hành của con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cũng được tỉnh hết sức quan tâm. Chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số được nâng cao hơn trước, số học sinh đi học ngày càng đông…

Thu hẹp khoảng cách

Công tác giảm nghèo trong những năm qua được toàn xã hội quan tâm, nhất là hệ thống chính trị các cấp đã vào cuộc đồng bộ và đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đã nhận thức được trách nhiệm tự vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững, cải thiện đời sống nhân dân, từ đó đã thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc, vùng miền, giảm dần, tiến tới không còn địa bàn và đối tượng đặc biệt khó khăn. Nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số phấn đấu, vươn lên làm ăn để thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm để hỗ trợ, giúp đỡ cho các hộ nghèo, hộ chính sách đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo. Tích cực triển khai các chương trình của tỉnh về hỗ trợ giống cây trồng, con nuôi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời hướng dẫn cho đồng bào sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao.

Với sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương sẽ là động lực, là niềm tin để đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đồng sức, đồng lòng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Từ đó, đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với nhân dân trong tỉnh sẽ đoàn kết, nỗ lực hơn để phấn đấu khắc phục khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội của tỉnh. Khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, thi đua lao động sản xuất, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước…

THANH QUANG

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/tao-don-bay-de-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-134238.html