Tạo điều kiện tốt nhất để học sinh dân tộc thiểu số được học tập, phát triển về mọi mặt

Thời gian qua, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, BĐBP Sơn La đã triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội hướng về đồng bào nghèo, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa bàn biên giới, trong đó, nổi bật là Chương trình 'Nâng bước em tới trường' và mô hình 'Con nuôi đồn Biên phòng'. Từ sự giúp đỡ chân thành, ấm tình yêu thương ấy, nhiều trẻ em ở khu vực biên giới có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã có cơ hội được học tập, rèn luyện để có tương lai tươi sáng hơn. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Đại tá Vũ Đức Tú, Phó Chính ủy BĐBP Sơn La để hiểu hơn về chương trình, mô hình ý nghĩa này.

Đại tá Vũ Đức Tú. Ảnh: Nguyên Thanh

Đại tá Vũ Đức Tú. Ảnh: Nguyên Thanh

- Đề nghị đồng chí cho biết một số kết quả mà BĐBP Sơn La đạt được trong triển khai thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”?

- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La đã triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường” từ năm 2016 và “Con nuôi đồn Biên phòng” từ năm 2019. Tuy nhiên, trước đó, từ năm 2012, Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La đã tổ chức giúp đỡ các cháu học sinh nghèo ở khu vực biên giới của tỉnh bằng nhiều hình thức như: Mô hình “Bữa sáng cho em”, “Hũ gạo tình thương”, kết nghĩa, nhận đỡ đầu học sinh...

Đối với các cháu được hỗ trợ trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”, lãnh đạo BĐBP Sơn La đã nhận đỡ đầu ít nhất 2 cháu/đồng chí; các phòng, văn phòng nhận đỡ đầu từ 1-2 cháu, mỗi đồn Biên phòng từ 1-3 cháu và 1 cháu là học sinh nước Lào ở khu vực biên giới đối diện. Mức hỗ trợ là 500.000 đồng/tháng/cháu và được thực hiện đến khi các cháu học xong lớp 12. Sau đó, nếu các cháu thi đỗ và theo học các trường đại học, cao đẳng thì sự giúp đỡ tùy vào khả năng của mỗi đơn vị. Đối với các cháu được hỗ trợ trong mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, hiện nay, có 10 cháu được BĐBP Sơn La trực tiếp nhận nuôi dưỡng tại 5 đồn Biên phòng.

- Để duy trì tốt Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, các đồn Biên phòng đã có những cách làm gì, thưa Đại tá?

- Để có kinh phí tổ chức các hoạt động, đơn vị đã phát động các đơn vị tiết kiệm các nguồn quỹ tăng gia sản xuất và cả đóng góp của các cán bộ trong đơn vị. Bên cạnh đó, với ý nghĩa của các chương trình, nhiều tổ chức, nhà hảo tâm đã hỗ trợ vật chất, tặng quà, xe đạp, bàn ghế, tủ sách..., cùng các đồn Biên phòng chăm lo cho các cháu được nhận đỡ đầu, giúp đỡ trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Qua đó, các cháu có điều kiện học tập tốt hơn.

- Qua thời gian đón các cháu về nuôi dưỡng tại đơn vị, đồng chí nhận thấy các cháu đã có thay đổi như thế nào?

- Hiện nay, tất cả các cháu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” đều là con em đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới có hoàn cảnh khó khăn, nhiều cháu đặc biệt khó khăn vì mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc không nơi nương tựa do cha mẹ bỏ rơi... Từ khi được BĐBP giúp đỡ, nhiều cháu không còn tự ti, nhút nhát, rụt rè như trước. Các cháu yêu thích được đến trường học tập, phát triển về mọi mặt, không chán nản muốn bỏ học giữa chừng như trước nữa. Đặc biệt, qua quá trình thực hiện, kết quả học tập của các cháu đã có nhiều tiến bộ, trong đó, tiêu biểu như cháu Giàng Động Tủa sau khi tốt nghiệp kỳ thi trung học phổ thông năm 2021 đã đỗ vào đại học...

Đại diện các đồn Biên phòng thuộc BĐBP Sơn La trao quà và tiền hỗ trợ các cháu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” tại Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2021. Ảnh: Vì Hiện

Đại diện các đồn Biên phòng thuộc BĐBP Sơn La trao quà và tiền hỗ trợ các cháu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” tại Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2021. Ảnh: Vì Hiện

- Với ý nghĩa vô cùng nhân văn mà Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” đem lại, BĐBP Sơn La cần có định hướng gì cho thời gian sắp tới?

- Để thực hiện tốt chương trình và mô hình trên, trong thời gian tới, Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La cần thực hiện tốt một số nội dung sau: Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị duy trì tốt công tác hỗ trợ các cháu học sinh trong các chương trình, thường xuyên quan tâm, động viên, theo dõi sâu sát việc học tập, điều kiện sinh hoạt, đời sống của các cháu. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các nhà trường trên địa bàn biên giới tạo điều kiện tốt nhất để các cháu học sinh dân tộc thiểu số được học tập, phát triển về mọi mặt, tránh tình trạng bỏ học giữa chừng.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục rà soát các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn biên giới, huy động các đơn vị, các nhà hảo tâm tiếp tục nhận đỡ đầu, hỗ trợ các cháu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình, mô hình này, lan tỏa đến nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện huy động, thu hút được nhiều nguồn lực để hỗ trợ tốt hơn nữa cho các cháu học sinh.

Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đẩy mạnh liên kết, phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề nghiệp, các trường đại học, cao đẳng tạo điều kiện định hướng cho các cháu phát triển sau khi tốt nghiệp lớp 12.

Hiện nay, BĐBP Sơn La đã hỗ trợ 76 cháu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường” (trong đó, có 10 cháu học sinh Lào) và 10 cháu “Con nuôi đồn Biên phòng”. Ngoài ra, có 4 đồng chí lãnh đạo tỉnh và 2 đồng chí lãnh đạo huyện biên giới đồng hành với BĐBP nhận đỡ đầu, giúp đỡ 8 cháu.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Nguyên Thanh (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tao-dieu-kien-tot-nhat-de-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-duoc-hoc-tap-phat-trien-ve-moi-mat-post449373.html