Tạo điều kiện hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, chiều nay, 16.1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Bảo đảm dự án triển khai đúng quy định về đánh giá tác động môi trường

Các ý kiến phát biểu tại hội trường bày tỏ thống nhất với chủ trương bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho EVN từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Các đại biểu cho rằng, việc bổ sung, phân bổ vốn cho các dự án, công trình theo đề xuất của Chính phủ và dự án cấp điện cho Côn Đảo sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân…

Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Sóc Trăng) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) nhận thấy, trước thực trạng nguồn cấp điện cho Côn Đảo chỉ đáp ứng đủ nhu cầu điện sinh hoạt, trong khi dân số cơ học của huyện đảo đang tăng nhanh, điện cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ du lịch gần như không đáp ứng trong khi các nhà đầu tư đang mong chờ có điện để triển khai kế hoạch đầu tư… Quốc hội Khóa XIV đã thảo luận và thống nhất thông qua, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để trưng cầu ý kiến của các chuyên gia rất kỹ lưỡng, cơ bản đủ căn cứ để Chính phủ không trình phương án đầu tư điện gió, điện mặt trời.

Vì vậy, việc cấp lưới điện quốc gia cho Côn Đảo sẽ đáp ứng mục tiêu cấp điện ổn định, an toàn và lâu dài, giảm thiểu tác động môi trường sinh thái, đặc biệt là bảo tồn rừng quốc gia, các di tích lịch sử và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đại biểu Tô Ái Vang cũng nhấn mạnh, đây là dự án đặc thù, vừa sử dụng vốn ngân sách trung ương, vừa sử dụng vốn của EVN, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn, sớm triển khai dự án cung cấp điện ổn định và an toàn cho lưới điện.

Đại biểu Tô Ái Vang nêu rõ, dự án đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và phối hợp để triển khai dự án của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Chính phủ đã giao địa phương thực hiện đầy đủ các thủ tục giải phóng mặt bằng dự án, đáp ứng tiến độ, bảo đảm hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí tài nguyên, yêu cầu chủ đầu tư đánh giá tác động môi trường, bảo đảm triển khai dự án tuân thủ theo quy định về môi trường, giám sát triển khai dự án đúng tiến độ và quy định.

Đại biểu Tô Ái Vang đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho EVN từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị, trong quá trình triển khai dự án, Chính phủ cần lưu ý đến các vấn đề về luồng hàng hải và công tác quy hoạch cảng biển Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng; bảo đảm dự án triển khai đúng quy định về đánh giá tác động môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách chặt chẽ khuyến khích huyện Côn Đảo phát triển theo hướng kinh tế xanh.

Làm rõ nguồn, chủ đầu tư của dự án ngay trong dự thảo Nghị quyết

ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông)đánh giá cao việc Chính phủ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và Tờ trình để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp bất thường, nhằm đưa nguồn vốn vào phát triển kinh tế - xã hội.

Về khoản vốn hơn 63.000 tỷ đồng tăng thu của năm 2022, đại biểu cho rằng, do Quốc hội đã quyết định đưa khoản này vào nguồn dự phòng chung trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, nên việc trình Quốc hội quyết định về nội dung này là đúng thẩm quyền. Để triển khai thuận lợi và rõ, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị dự thảo Nghị quyết cần khẳng định việc bố trí 33.000 tỷ đồng cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và theo danh mục số 1 kèm theo dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Đối với hơn 30.000 tỷ đồng còn lại, do Chính phủ chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, nên cần tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, tuy nhiên phải xác định được nguồn vốn. Đại biểu đề nghị, trong dự thảo Nghị quyết nên quy định theo hướng cho phép Chính phủ sử dụng nguồn vốn hơn 30.000 tỷ đồng còn lại để chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường này và khi hoàn thiện thủ tục đầu tư thì phải báo cáo Quốc hội để Quốc hội quyết định; trong trường hợp cấp bách giữa 2 kỳ họp thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Liên quan đến dự án kéo đường điện ra Côn Đảo, đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu quan điểm, dự thảo Nghị quyết chưa nêu rõ nguồn 2.526 tỷ đồng sử dụng cho dự án này là nguồn ở đâu, nhưng, qua rà soát cho thấy, bản chất đây là nguồn theo Nghị quyết 93 của Quốc hội. Đại biểu đề nghị, trong dự thảo Nghị quyết cần thể hiện rõ là sử dụng 2.526,16 tỷ đồng dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 trong tổng số 37.303 tỷ đồng của Nghị quyết 93 Quốc hội đã thông qua tại khoản 3 Điều 4.

Về chủ đầu tư, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị, trong Nghị quyết của Quốc hội, ngoài việc giao số vốn này cho EVN, thì phải giao rất rõ việc EVN là chủ đầu tư đối với dự án này.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/tao-dieu-kien-hoan-thien-co-so-ha-tang-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-i357691/