Tạo bước đột phá trong chăn nuôi ở Bắc Ninh

Tỉnh Bắc Ninh có khoảng một nghìn trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những năm qua, việc thay đổi phương thức trong chăn nuôi đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh tập trung hơn nữa vào phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Thay đổi phương thức chăn nuôi

Chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi lợn có quy mô ba nghìn con của chị Nguyễn Thị Hà, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Trang trại nhà chị Hà đang có khoảng hơn một nghìn con chuẩn bị được xuất bán. Chị chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi nuôi từ ba đến năm con, chủ yếu là tận dụng phế phụ, cả năm mới bán được một lứa. Nuôi ít nhưng phần lớn nước cọ rửa chuồng trại, chất thải cặn bã đều đổ ra ao, cống rãnh gần nhà cho nên môi trường chung quanh lúc nào cũng bốc mùi hôi thối, hàng xóm kêu ca quá, gia đình tôi phải dừng nuôi. Khi huyện có chủ trương xây dựng khu chăn nuôi tập trung, năm 2012, tôi mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi một nghìn con lợn. Do chăn nuôi đúng kỹ thuật, lại cách ly với khu dân cư, hạn chế được dịch bệnh cho nên đàn lợn nhà tôi nhanh lớn, sau bốn tháng là có thể xuất bán. Bình quân mỗi năm gia đình thu về khoảng năm tỷ đồng từ chăn nuôi lợn. Đồng thời, nhờ xử lý chất thải bằng men lót vi sinh nên quanh khu vực chăn nuôi không còn bốc mùi khó chịu. Theo chị Hà, để chăn nuôi có hiệu quả, ngoài việc tuyển chọn con giống đạt chất lượng, cần phải tuân thủ đúng kỹ thuật, nhất là chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Các loại vật nuôi phải được tiêm phòng đầy đủ, đúng theo độ tuổi. Việc phun tiêu độc, khử độc, vệ sinh chuồng trại phải được thực hiện định kỳ, nguồn thức ăn, nước uống của vật nuôi cũng phải bảo đảm vệ sinh.

Ở Bắc Ninh, có hàng trăm hộ chuyển từ quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi lớn như gia đình chị Hà. Gắn bó với nghề chăn nuôi từ nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Khoa, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài cho biết: Trước đây chúng tôi chủ yếu chăn nuôi theo kiểu nông hộ, số lượng ít nên hiệu quả kinh tế không cao. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, do thay đổi tập quán chăn nuôi, kết hợp với các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nên chu kỳ chăn nuôi ngày càng được rút ngắn, sản lượng thịt xuất chuồng tăng qua các năm. Nhà tôi xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín với máng uống nước tự động, máng ăn bán tự động và hệ thống quạt làm mát bảo đảm giữ ổn định nhiệt độ chuồng nuôi. Nhờ vậy, hơn 100 con lợn nái, hơn hai nghìn con gà lai giống gà hồ sinh sản và hai ao nuôi thả cá chỉ cần hai lao động phụ trách, lợi nhuận mỗi năm thu về cả tỷ đồng.

Toàn tỉnh Bắc Ninh có khoảng một nghìn trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn như của gia đình chị Hà, anh Khoa. Những năm gần đây, sản lượng chăn nuôi ở Bắc Ninh không ngừng tăng. Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ở Bắc Ninh tăng bình quân 0,8%/năm. Trong đó thịt lợn tăng 0,3%/năm, thịt gia cầm tăng 3,85%/năm. Sản lượng trứng gia cầm tăng từ 130 triệu quả năm 2010 lên 210 triệu quả năm 2015, tốc độ tăng bình quân đạt 10%/năm. Sản lượng sữa bò tươi tăng từ 900 tấn năm 2010 lên 1.232 tấn năm 2015, tốc độ tăng bình quân đạt 6,5%/năm.

Hướng đến sản phẩm an toàn

Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Ninh Vũ Thái Ninh cho biết: Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa là hướng đi tất yếu. Hoạt động chăn nuôi muốn phát triển bền vững, phải giảm số hộ chăn nuôi nhưng tăng quy mô đàn. Trong điều kiện diện tích đất cho phát triển chăn nuôi trang trại đang gặp khó khăn, nhất là đối với nơi tập trung dân cư đông đúc thì việc áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong đó có chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học thể hiện tính ưu việt, vừa tạo được sản phẩm chất lượng an toàn, vừa nâng cao giá trị của sản phẩm. Đồng thời, thay đổi tư duy, nhận thức của nông dân và góp phần bảo vệ môi trường.

Chị Vũ Thị Đông, thôn Bùi Xá (xã Ngũ Thái, Thuận Thành) có trang trại rộng hơn hai ha nuôi cá, lợn thịt, gia cầm cho rằng: Muốn nâng cao chất lượng, giá trị trong chăn nuôi thì người sản xuất phải làm ra được những sản phẩm chất lượng. Năm 2014, trang trại của gia đình tôi đạt chứng nhận thực phẩm hữu cơ EM GREEN của tổ chức EMRO Nhật Bản cho sản phẩm thịt lợn, thịt gà. Khi bán ra thị trường, sản phẩm của gia đình tôi được đóng gói, dán nhãn mác với xuất xứ rõ ràng, dù giá bán cao hơn nhưng do bảo đảm chất lượng nên khách hàng rất ưa chuộng, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Cũng theo chị Đông, bên cạnh vấn đề chất lượng sản phẩm, một trong những băn khoăn lớn nhất của người chăn nuôi đó là vấn đề xử lý môi trường. Qua sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp địa phương, khu chăn nuôi của gia đình chị Đông đã ứng dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu EM vào nhiều công đoạn trong chăn nuôi, tạo ra nguồn thức ăn chất lượng và hạn chế chất thải ra môi trường, giảm chi phí đầu vào, tận dụng sản phẩm phụ tạo nguồn phân bón hữu cơ an toàn phục vụ cho trồng trọt.

Ông Vũ Thái Ninh cho biết thêm, hiệu quả từ hàng trăm mô hình chăn nuôi an toàn sinh học là tiền đề để thời gian tới hơn 3.300 trang trại và các hộ nuôi nhỏ lẻ trong tỉnh tiếp cận khoa học - kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất làm thay đổi tập quán chăn nuôi tự cấp, tự túc sang chăn nuôi hàng hóa, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, qua đó góp phần tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp…

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/31202702-tao-buoc-dot-pha-trong-chan-nuoi-o-bac-ninh.html