Tăng tuổi về hưu

Có tin Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đang dự thảo nghị định hướng dẫn và quy định chi tiết Điều 187 của Bộ luật Lao động về tăng tuổi về hưu. Báo chí bàn luận sôi nổi. Người chủ trương nói không tăng tuổi hưu thì sẽ cháy Quỹ Bảo hiểm xã hội (QBHXH) và sẽ chẳng lấy đâu ra tiền để trả lương hưu nên dứt khoát phải tăng.

Theo điều tra, đa số người lao động trực tiếp không muốn tăng tuổi nghỉ hưu.

Một số báo đưa tin với cái tít “Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của lãnh đạo lên 5 năm” khiến người đọc áy náy về sự “tham quyền cố vị”, cho nên không khó hiểu ý kiến phản đối cho rằng đừng tăng tuổi về hưu vì “lợi ích nhóm” để “kéo dài thêm quyền chức bổng lộc cho một số công chức có quyền”. Có vẻ ai cũng có lý, nhưng chưa đúng hoàn toàn. Lý do phản đối thực ra chẳng liên quan gì đến tuổi hưu cả, mà là vấn đề hoàn toàn khác và phải giải quyết bằng cách khác.

Điều 187 quy định:

“1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 điều này.

3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhưng không quá 5 năm so với quy định tại khoản 1 điều này.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 điều này”

Như thế, Chính phủ có quyền quy định tuổi về hưu cao nhất không quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ, tuổi về hưu có thể thấp hơn 60 và 55 đối với những người lao động theo khoản 2.

Quy định tuổi về hưu là 60 và 55 tuổi vẫn nguyên như các quy định cũ. Bộ luật Lao động mới được Quốc hội thông qua ngày 16.8.2012 và có hiệu lực từ ngày 1.5.2013. Chắc chắn khi bàn thảo về Luật Lao động, những vấn đề như ''cháy'' QBHXH đã phải được đặt ra và như thế lẽ ra nếu tính toán kỹ thì đã phải thay đổi (tăng tuổi về hưu) ngay trong luật mới phải. Có lẽ thời điểm đưa ra đề xuất tăng tuổi về hưu chưa hợp với bối cảnh chính trị-xã hội nên gây ra bức xúc dễ hiểu, nghi ngại một số “lãnh đạo” có thể muốn hợp thức hóa việc kéo dài nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, về dài hạn việc tăng tuổi về hưu nói chung chắc chắn phải được tiến hành nếu muốn có chế độ hưu bổng hợp lý và bền vững. Dưới đây chỉ nêu 2 điểm cần lưu ý.

Thứ nhất, phải để người lao động hiểu rằng họ bỏ tiền của chính mình ra đóng bảo hiểm xã hội và vì thế, họ được hưởng lương hưu khi về hưu. Nói cách khác, họ phải bắt buộc “tiết kiệm” một mức tối thiểu cho tuổi già. Điểm này không được nhấn mạnh đủ (cũng như người tiêu dùng không được nhắc nhở đúng mức rằng họ đóng thuế giá trị gia tăng để nuôi Nhà nước mỗi khi mua hàng), nên nhiều người cứ nghĩ lương hưu là “ơn huệ” của Nhà nước nên muốn giảm tuổi về hưu, nhất là những người lao động bình thường. QBHXH cũng phải tính toán sao cho mức “tiết kiệm” hiện tại của những người lao động phải đủ để chi cho “lương hưu” trong tương lai. Có người đóng nhiều nhưng hưởng ít hơn và ngược lại (tính đoàn kết tương trợ của chế độ bảo hiểm xã hội), nhưng nhìn tổng thể số đóng góp và số chi ra phải cân bằng về dài hạn. Nếu người lao động hiểu rõ điều này thì họ bớt sự phản đối với việc tăng tuổi về hưu.

Lại có những người muốn tăng tuổi về hưu (không chỉ một số kẻ “tham quyền cố vị”). Lẽ ra luật nên quy định những người đã đến tuổi về hưu có nhiều khả năng để lựa chọn: Về hưu; tiếp tục làm việc nếu người sử dụng lao động thấy họ vẫn còn khả năng làm việc; làm việc một phần thời gian; vân vân. Cách này tạo sự chủ động cho người lao động và người sử dụng lao động. Thí dụ tại các đại học, các cơ sở nghiên cứu, các trường học, bệnh viện sẽ tận dụng được kinh nghiệm, chất xám của các chuyên gia tùy theo sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Và luật nên tạo ra những khuyến khích cho những lựa chọn như vậy thay vì quy định một cách cứng nhắc.

Đối với các cơ quan nhà nước có thể hơi khác. Đối với các chuyên viên, có thể áp dụng uyển chuyển như vậy. Những người đến tuổi hưu nếu còn sức khỏe và nếu cơ quan cần họ thì vẫn có thể làm việc tiếp toàn thời gian hay bán thời gian trong một giới hạn nhất định. Giải quyết vấn đề “tham quyền cố vị” là vấn đề khác và phải giải quyết bằng cách khác chứ không phải bằng quy chế cứng nhắc của chế độ “về hưu”.

Thứ hai, cần phải nói thêm về các quan chức được bầu trong bộ máy nhà nước. Các nhà chính trị như đại biểu quốc hội, các chức vụ lãnh đạo không nên quy định về giới hạn tuổi nếu họ được bầu một cách thực sự dân chủ. Phải để nhân dân quyết định việc làm của họ chứ không thể để họ có khả năng “tham quyền cố vị” bằng cách kéo dài nhiệm kỳ. Phải có dân chủ thực sự.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tang-tuoi-ve-huu/103089.bld