Tăng tuổi thọ thiết bị để bảo vệ môi trường

Cuộc đua kéo dài tuổi thọ cho thiết bị sẽ buộc các nhà sản xuất phải cải tiến quy trình sản xuất, từ khâu thiết kế tới chọn vật liệu cũng như phát triển các công nghệ mới để tăng độ bền cho thiết bị

Với sự ra mắt thế hệ smartphone Google Pixel 8 Series hồi tháng 10-2023, Google đã gây chấn động làng di động khi công bố thời hạn cập nhật phần mềm cho Pixel 8 và Pixel 8 Pro lên tới 7 năm, bao gồm lên đời hệ điều hành (HĐH) Android hằng năm, cập nhật an ninh bảo mật. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho người dùng nhưng các nhà sản xuất thiết bị phải chịu thách thức lớn.

Trước đây, ngay cả với các dòng flagship, thời gian cập nhật của thiết bị Galaxy là 2 năm cho HĐH và 3 năm cho bảo mật. Đầu năm 2022, tham gia xu hướng phát triển bền vững chung toàn cầu, Samsung đã công bố kéo dài thời gian cập nhật phần mềm lên 4 năm cho HĐH và 5 năm cho bảo mật, bắt đầu từ dòng Galaxy S21 Series (ra đời đầu năm 2021). OPPO cũng cho biết các dòng flagship từ năm 2023 trở đi sẽ nhận được 4 lần lên đời HĐH và 5 năm cập nhật bản vá bảo mật. Các dòng tầm trung được nâng cấp HĐH 2 lần và 4 năm cập nhật bảo mật. Còn các dòng giá rẻ được nhận nâng cấp 1 lần HĐH và 3 năm cập nhật bảo mật.

Nhiều năm nay, người dùng Android chịu thiệt thòi hơn người dùng iOS. Các thiết bị Apple được tiếng là dùng bền, tiết kiệm chi phí cho người dùng, khi luôn được nhà Apple cung cấp cập nhật HĐH lâu dài.

Các dòng iPhone và iPhone 3G ra đời từ năm 2007-2008 đã nhận được 2 thế hệ cập nhật iOS. Các dòng iPhone sau đó được cập nhật phần mềm tới 5-6 năm. Dòng iPhone 6S xuất xưởng năm 2015 nhận được tới 7 lần cập nhật HĐH iOS.

Như vậy, với một chiếc iPhone 15 Pro Max cấu hình thấp nhất có giá 35 triệu đồng, nếu được cập nhật 5 năm, chi phí mỗi năm chỉ còn 7 triệu đồng. Hay như chiếc Pixel 8 Pro (RAM 12GB + ROM 256GB) có giá khoảng 26 triệu đồng, thời gian cập nhật 7 năm thì chi phí chỉ còn 3,7 triệu đồng/năm.

Cùng với hình thức trade-in thu cũ đổi mới được áp dụng nhiều năm nay ở các thị trường như Mỹ, châu Âu... nhằm tận dụng nguồn thiết bị cũ, việc kéo dài tuổi thọ cho các thiết bị góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường.

Cụ thể, nó giúp giảm lượng rác thải điện tử, giảm mức tiêu thụ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cuộc đua kéo dài tuổi thọ cho thiết bị sẽ buộc các nhà sản xuất phải cải tiến quy trình sản xuất, từ khâu thiết kế tới chọn vật liệu cũng như phát triển các công nghệ mới để tăng độ bền cho thiết bị.

Hoài Xuân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-nghe/tang-tuoi-tho-thiet-bi-de-bao-ve-moi-truong-20231121202929854.htm