Tăng trưởng phải gắn với tầm nhìn dài hạn

Sáng 2-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) phát biểu ý kiến tại hội trường sáng ngày 2-11.

Đại biểu hiến kế

Đồng tình với quan điểm, mục tiêu tăng trưởng do Chính phủ đề ra là tái cấu trúc phải gắn với mô hình tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng, đại biểu Phạm Phú Quốc (TP.HCM) góp ý thêm: Người dân rất cần sự tăng trưởng phải gắn với sự phát triển ổn định và tầm nhìn dài hạn.

Vì vậy, “trong kế hoạch tái cơ cấu, Chính phủ phải xác lập cộng đồng doanh nghiệp là đối tác của Chính phủ, là nòng cốt trong tái cơ cấu kinh tế”- Đại biểu đoàn TP.HCM đề nghị.

Về kịch bản tái cơ cấu, đại biểu Phạm Phú Quốc cho rằng, Chính phủ nên chọn kịch bản tái cơ cấu quyết liệt thay vì các kịch bản tái cơ cấu cơ bản hoặc đẩy mạnh tái cơ cấu.

Lý do được đại biểu đưa ra là việc tái cơ cấu quyết liệt phù hợp mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động và phục vụ; đồng thời trong tổng nguồn vốn dự kiến 10,567 triệu tỷ đồng phục vụ tái cơ cấu kinh tế, nguồn nhà nước tham gia trong kịch bản này ít nhất so với 2 kịch bản còn lại, chỉ khoảng 30%-35% tổng nguồn vốn dự kiến.

Đối với việc phát triển thành phần kinh tế tư nhân, đại biểu Phạm Phú Quốc nêu quan điểm: Đổi với kinh tế tư nhân, cùng với chủ trương sáng tạo, khởi nghiệp, Chính phủ nên ủng hộ việc hình thành tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, khẳng định được vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Liên quan đến tái cơ cấu kinh tế nhà nước, trong đó có doanh nghiệp nhà nước, đại biểu đề nghị sớm hình thành cơ quan quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước.

“Bên cạnh đó các địa phương cũng có doanh nghiệp, đây là nguồn ngân sách, là cánh tay nối dài của ngân sách địa phương, nên đề nghị cơ quan chức năng cho hình thành doanh nghiệp ở địa phương có chức năng đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước, có chức năng đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp để song hành với các tổ chức ở Trung ương để huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế”- Đại biểu Phạm Phú Quốc kiến nghị.

Để phục vụ tái cơ cấu kinh tế giai đoạn tới, đại biểu đoàn TP.HCM kiến nghị xác lập 4 động lực gồm: Khối kinh tế tư nhân, khối kinh tế nhà nước, khối FDI, khối kinh tế tập thể và nông dân.

Về việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian qua, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đánh giá: Chính phủ đã có sự vào cuộc quyết liệt, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, điển hình là tiếp tục ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020. Nhờ đó môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng cao...

Dù đạt được kết quả bước đầu như trên nhưng đại biểu Nguyễn Bá Sơn cho rằng, việc cải thiện môi trường kinh doanh, tổ chức thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, vẫn còn hạn chế, nhiều rào cản, khó khăn, lúng túng... đặc biệt, thủ tục kiểm tra chuyên ngành rườm rà, phức tạp.

Đại biểu đoàn Đà Nẵng đề nghị thời gian tới Chính phủ cần tiếp tục rà soát, xóa bỏ rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, tăng cường tiếng nói, mức độ tham gia của khu vực tư nhân trong xây dựng chính sách, nhất là chính sách ảnh hưởng, tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời đối thoại, giải quyết khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp...

Để góp phần vào tái cơ cấu kinh tế, đại biểu Nguyễn Bá Sơn đưa thêm một đề nghị cụ thể là khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả trong liên kết, phát triển các vùng kinh tế. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả, chất lượng quy hoạch tổng thể vùng gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Lập kỷ lục về doanh nghiệp mới thành lập

Tham gia ý kiến, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) dẫn một báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho biết: Tính đến hết tháng 10, cả nước có khoảng 91.000 doanh nghiệp thành lập mới, như vậy, khả năng năm 2016, Việt Nam có thể lập kỷ lục là năm đầu tiên hình thành được 100.000 doanh nghiệp mới.

“Điều đó chứng tỏ những giải pháp tạo thuận lợi của Chính phủ bước đầu phát huy hiệu quả”- đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận xét.

Đại biểu cũng đánh giá cao mục tiêu của Chính phủ đặt ra là phấn đấu năm 2017 đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tối thiểu bằng mức trung bình của ASEAN-4 và có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020.

Đại biểu là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận: Không khí khởi nghiệp đã bắt đầu nhưng vẫn còn nhiều thách thức.

Đặc biệt, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ cần tích toán kỹ về tốc độ tăng trưởng kinh tế, vì mục tiêu tăng GDP 6,7% vào năm 2017 có vẻ quá tham vọng, bởi bối cảnh trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn.

“Mục tiêu này được đặt ra trên cơ sở nào? Nhiều chỉ tiêu tính theo GDP dự kiến 6,7%, nếu không đạt Chính phủ có kịch bản xử lý hay chưa?”- đại biểu Vũ Tiến Lộc băn khoăn.

Đại biểu cho rằng: Mọi kế hoạch phải tính trên “tiền tươi thóc thật”, phải đảm bảo chất lượng tăng trưởng.

Ngoài các ý kiến đáng chú ý trên, sáng nay nhiều đại biểu cũng đề nghị trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, Chính phủ cần xem xét, điều chỉnh tăng đầu tư cho lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp, nông dân, nhất là những địa phương vùng sâu, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tang-truong-phai-gan-voi-tam-nhin-dai-han.aspx