Tăng trưởng năng lượng tái tạo không ảnh hưởng vị thế nhiên liệu hóa thạch

Theo báo cáo Đánh giá Thống kê về Năng lượng Thế giới ngày 26/6 bởi Energy Institute, mức tăng trưởng tích cực của năng lượng tái tạo năm 2022 không ảnh hưởng tới sự thống trị của nhiên liệu hóa thạch.

Nhà máy điện Belchatow, nhà máy điện chạy bằng than non lớn nhất châu Âu ở Zlobnica, Ba Lan. Ảnh: Reuters

Báo cáo hàng năm này được coi như một chuẩn mực cho ngành năng lượng toàn cầu và được xuất bản lần đầu vào những năm 1950 bởi Energy Insititute cùng các tổ chức tư vấn khác bao gồm KPMG và Kearny.

Theo Reuters trích dẫn báo cáo này, năm 2022 được đánh dấu bằng sự hỗn loạn trên thị trường năng lượng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây và việc Nga đáp trả lại đã khiến giá khí đốt, dầu và than bị đẩy lên mức cao kỷ lục ở nhiều khu vực trên thế giới.

Ngoài ra, nó cũng được đánh dấu bằng việc ngành năng lượng toàn cầu vẫn đang đi ngược lại các yêu cầu của Thỏa thuận Paris về việc giữ cho nhiệt độ tăng lên dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trở nên cấp bách và nghiêm trọng, các nhà khoa học nhận định thế giới cần cắt giảm khoảng 43% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 2019 nếu muốn đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Tuy nhiên, báo cáo của Energy Institute cho biết các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch bao gồm dầu, khí đốt và than đá vẫn đang chiếm vị trí thống trị trong việc đáp ứng hầu hết nhu cầu năng lượng thế giới vào năm 2022 bất chấp công suất năng lượng tái tạo đã tăng mạnh nhất từ trước đến nay.

Báo cáo cho thấy tăng trưởng năng lượng tái tạo, không bao gồm thủy điện, giảm nhẹ xuống 14% nhưng công suất năng lượng mặt trời và gió vẫn đạt mức tăng kỷ lục 266 gigawatt, với năng lượng mặt trời chiếm tỷ trọng lớn nhất. Trên toàn thế giới, Trung Quốc là quốc gia ghi nhận tăng trưởng năng lượng mặt trời và năng lượng gió mạnh nhất.

Reuters trích dẫn Chủ tịch Energy Insitute Juliet Davenport cho biết: "Mặc dù năng lượng gió và mặt trời tăng trưởng mạnh hơn, tổng lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến năng lượng toàn cầu lại tăng trở lại". Cụ thể, lượng khí thải liên quan đến năng lượng toàn cầu, bao gồm các quy trình công nghiệp và đốt cháy, đã tăng 0,8% trong năm ngoái và đạt mức cao mới là 39,3 tỷ tấn CO2.

Đặc biệt, tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng toàn cầu vẫn ở mức 82% và chiếm vị thế thống trị, với tỷ trọng của than trong sản xuất điện vẫn chiếm ưu thế ở mức khoảng 35,4%.

Trong khi đó, năng lượng tái tạo, không bao gồm thủy điện, chiếm 7,5% tiêu thụ năng lượng toàn cầu, cao hơn khoảng 1% so với năm 2021. Năng lượng gió và mặt trời cũng ghi nhận sự gia tăng lên mức kỷ lục 12% sản lượng điện toàn cầu, một lần nữa vượt qua năng lượng hạt nhân – lĩnh vực ghi nhận mức sụt giảm 4,4% - và đáp ứng 84% tăng trưởng nhu cầu điện ròng.

Turbine gió tại Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Về từng lĩnh vực cụ thể, tiêu thụ dầu trên thế giới năm 2022 so với năm 2021 tăng 2,9 triệu thùng/ngày 2021 lên ngưỡng 97,3 triệu thùng/ngày nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại. So với mức trước Covid năm 2019, mức tiêu thụ dầu thấp hơn 0,7%, với nhu cầu tăng trưởng chủ yếu tới từ nhu cầu nhiên liệu máy bay và các sản phẩm liên quan đến dầu diesel phục hồi.

Sản lượng dầu toàn cầu năm 2022 tăng 3,8 triệu thùng/ngày và phần lớn đến từ các thành viên OPEC và Mỹ trong khi công suất lọc dầu tăng 534.000 thùng/ngày, chủ yếu ở các nước ngoài OECD.

Trong khi đó, tiêu thụ than tăng 0,6% và đạt mức cao nhất kể từ năm 2014 do nhu cầu của Trung Quốc và Ấn Độ gia tăng, ngược lại với xu hướng tại Bắc Mỹ và Châu Âu. Sản lượng than cũng cao hơn 7% so với năm 2021, với Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia một lần nữa chiếm phần lớn mức tăng trưởng. Nhìn chung, giá than năm ngoái đạt mức cao kỷ lục khi tăng 145% ở châu Âu và 45% ở Nhật Bản.

Ngược lại với than và dầu, nhu cầu khí đốt toàn cầu giảm 3% trong bối cảnh giá khí đốt tăng mạnh tại châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, nó vẫn chiếm 24% tiêu thụ năng lượng sơ cấp, thấp hơn một chút so với năm trước. Châu Âu chiếm phần lớn tăng trưởng nhu cầu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khi tăng nhập khẩu 57% năm 2022 trong khi các nước ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cùng Nam và Trung Mỹ giảm mua

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tang-truong-nang-luong-tai-tao-khong-anh-huong-vi-the-nhien-lieu-hoa-thach-post23379.html