Tăng trưởng cao: Chỉ còn trong mơ

Hệ số ICOR của Việt Nam trong 3 năm gần đây có xu hướng tăng lên, cho thấy hiệu quả sử dụng vốn đang giảm xuống.

Năm 2012, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng trưởng 5,03%. Kèm theo đó là số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động tăng mạnh, tỉ lệ thất nghiệp có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng.

Tình hình năm nay dự kiến sẽ không khả quan hơn là mấy. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp GDP chỉ tăng trưởng ở mức 5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7-8% của giai đoạn trước đây.

Tốc độ tăng trưởng thấp này cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam ngày càng đi xuống và chất lượng của các yếu tố tác động đến tăng trưởng tiếp tục sụt giảm mà cụ thể là vốn và lao động.

Cách đây hơn 50 năm, nhà kinh tế học người Mỹ Robert Solow đã đưa ra mô hình tăng trưởng kinh tế của một quốc gia, theo đó có 3 yếu tố tác động lên tăng trưởng là vốn, lao động và tổng năng suất các yếu tố sản xuất. Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng mô hình này vẫn được các nhà kinh tế sử dụng để giải thích khả năng tăng trưởng kinh tế của một quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Theo mô hình Solow, các quốc gia với xuất phát điểm thấp như Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng nhanh, tính theo thu nhập trên đầu người, nhờ đầu tư vốn là chủ yếu. Nhưng sau đó, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại do tác động giảm dần của đồng vốn đầu tư. Do đó, để có thể duy trì được mức tăng trưởng bền vững trong dài hạn, tính hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn và lao động trong nền kinh tế mới là yếu tố quyết định.

Đối với Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trước năm 2008 đã chuyển sang mức thấp hơn nhiều trong những năm gần đây. Điều này có thể giải thích một phần với mô hình Solow. Đó là tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư là chủ yếu và tốc độ đang giảm dần, nhưng điều đáng ngại là cùng với đó, sự thiếu hiệu quả của nền kinh tế cũng góp phần hạn chế khả năng tăng trưởng trong tương lai nếu không có biện pháp cải thiện quyết liệt.

Từ năm 2000 trở lại đây, tỉ lệ đầu tư vốn toàn xã hội/GDP của Việt Nam luôn cao, trung bình hơn 30%; có năm lên tới 43% như năm 2007. Thế nhưng, hệ số ICOR đang có xu hướng tăng lên trong 3 năm gần đây (ICOR là hệ số đo lường chất lượng của đồng vốn đầu tư đối với tăng trưởng kinh tế. Hệ số này càng nhỏ thì hiệu quả sử dụng vốn càng cao).

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng của đồng vốn là tính nhất thời, ngắn hạn trong chính sách sử dụng. Số tiền các doanh nghiệp rót vào nghiên cứu và phát triển nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi vẫn chưa đáng kể, trái ngược với số tiền đầu tư vào các lĩnh vực ngắn hạn như chứng khoán. Đây là nguy cơ lớn trong dài hạn của các doanh nghiệp.

Đáng nói là nhiều doanh nghiệp đã vay nợ quá nhiều mà không cân nhắc đến rủi ro, kéo theo hệ lụy cho cả nền kinh tế. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS, tổ chức quốc tế của các ngân hàng trung ương, nếu tỉ lệ tín dụng của doanh nghiệp/GDP cao hơn 90% thì sẽ gây tác động ngược đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp/GDP vào cuối năm 2011 ước tính vào khoảng 79,5%. Con số này chưa đạt đến mức ngưỡng nguy hiểm nói trên. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, do vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp Việt Nam thấp nên mức độ này cũng đã là một gánh nặng lớn trên bảng cân đối kế toán.

Đó là về vốn. Còn lao động thì sao? Đáng buồn là chất lượng lao động cũng không mấy cải thiện. Năng suất của lao động Việt Nam hiện ở mức đáy trong khu vực. Theo Tiến sĩ Hồ Đức Hùng, Đại học Kinh tế TP.HCM, năng suất của Việt Nam đang thấp hơn Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan đến 30 lần.

Về lĩnh vực sáng tạo, theo xếp hạng trong bảng Chỉ số sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu thuộc Liên hiệp Quốc, vị trí của Việt Nam trong năm 2012 là 76 trên tổng số 141 quốc gia, tức dưới mức trung bình. So sánh với các quốc gia trong khu vực, cũng đã thấy khoảng cách rất lớn như Malaysia (32), Thái Lan (57) hay Trung Quốc (34). Điều này đã góp phần làm môi trường đầu tư của Việt Nam trở nên kém hấp dẫn.

Thế nhưng, nâng cao chất lượng lao động không phải là chuyện đơn giản. Một phân tích của hãng tư vấn McKinsey (Mỹ) cho thấy để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7-8% cho đến năm 2020, đòi hỏi năng suất lao động của Việt Nam phải tăng từ 4,1%/năm lên 6,4%/năm. Nếu không thực hiện được, tăng trưởng kinh tế sẽ chỉ có thể vào khoảng 4,5-5% mà thôi.

Có lẽ Việt Nam sẽ khó có thể quay lại thời kỳ tăng trưởng nhanh. Vòng kim cô của đầu tư vốn và sử dụng lao động giá rẻ nhưng năng suất không cao sẽ tiếp tục giới hạn tiềm năng phát triển, trong khi sự yếu kém của công nghệ, kỹ năng và tính sáng tạo vẫn là thách thức không dễ khắc phục trong ngắn hạn.

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=15637-tang-truong-cao-chi-con-trong-mo