Tăng tốc thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công

Xác định giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉnh ta triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong điều hành, quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân VĐTC và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) để tránh tình trạng “có tiền nhưng không tiêu được”.

Nhận diện “nút thắt” giải ngân

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang đang được đẩy nhanh tiến độ.

Xác định năm 2023 là năm bản lề thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, giai đoạn 2021-2025, mặc dù đối mặt với thiên tai, biến đổi khí hậu, giá nguyên vật liệu tăng cao... song với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh bằng việc ban hành chương trình hành động, kế hoạch, công điện và đôn đốc, kiểm tra để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, đưa ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời cho các huyện, thành phố đã giúp công tác giải ngân VĐTC được đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động khiến một số khoản thu, sắc thuế đạt thấp, đặc biệt khoản thu tiền sử dụng đất dự kiến năm 2023 không đạt nhiệm vụ tỉnh giao; một số địa bàn dự kiến hụt thu cân đối ngân sách; giải ngân VĐTC chậm. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lương Văn Đoàn: Tiến độ giải ngân một số nguồn vốn đầu tư chậm, đặc biệt nguồn vốn nước ngoài thực hiện các dự án ODA, các dự án trọng điểm là do một số chủ đầu tư có vốn giao lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung toàn tỉnh. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư còn vướng mắc, nhất là các dự án lớn. Các chủ đầu tư thiếu quyết liệt trong phối hợp điều hành, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý thực hiện và triển khai dự án, nhất là công tác kiểm đếm diện tích đất phải thu hồi để đền bù, giải phóng mặt bằng. Mặt khác, trình tự, thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới do các chủ đầu tư thực hiện kéo dài, nhất là các dự án có tổng mức đầu tư lớn, phải đấu thầu tư vấn và xây lắp, dẫn đến nhiều dự án trọng điểm, dự án lớn được bố trí vốn từ đầu năm nhưng bị kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đầu tư. Năng lực một số nhà thầu tư vấn còn yếu, dẫn đến chất lượng công tác tư vấn, hồ sơ hạn chế nên khi khảo sát thiết kế và triển khai thi công thực tế phải dừng để xử lý hoặc điều chỉnh dự án. Đối với dự án ODA sử dụng vốn nước ngoài, từ khi lập đề xuất dự án đến triển khai thực hiện kéo dài, dẫn tới khi triển khai dự án có sự thay đổi so với thiết kế cơ sở ban đầu, phải điều chỉnh hồ sơ. Một số chủ đầu tư chưa chủ động chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; công tác tổ chức thực hiện, theo dõi, quản lý dự án chưa chặt chẽ, trách nhiệm chưa cao; sự phối hợp giữa một số ngành, UBND các huyện, thành phố trong giải quyết khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, lập, điều chỉnh dự án; thiết kế, điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở...

Quyết liệt phương châm “làm hết việc, không hết giờ”

Với những giải pháp quyết liệt, tính đến ngày 20.6.2023, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 845 tỷ đồng, đạt 37,3% kế hoạch T.Ư giao, đạt 28,2% kế hoạch tỉnh giao; ước thực hiện chi ngân sách địa phương trên 9 nghìn tỷ đồng, đạt 39,4% kế hoạch tỉnh giao. Giải ngân VĐTC không bao gồm 3 chương trình MTQG, tổng số vốn đã giải ngân trên 1,2 nghìn tỷ đồng, đạt 21,57% kế hoạch (bao gồm cả kế hoạch vốn kéo dài thời gian thanh toán năm 2022 sang năm 2023). Kết quả giải ngân đối với 16 chủ đầu tư có kế hoạch vốn năm 2023 từ 200 tỷ trở lên (bao gồm cả kế hoạch vốn kéo dài thời gian thanh toán năm 2022 sang năm 2023) đạt trên 1,6 nghìn tỷ đồng, đạt 26,15% kế hoạch. Kết quả giải ngân 3 chương trình nguồn vốn đầu tư phát triển đạt trên 663 tỷ đồng, đạt 27,1% kế hoạch; giải ngân vốn sự nghiệp đạt trên 192 tỷ đồng, đạt 9,84% kế hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho biết: Để bảo đảm công tác thu ngân sách và đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương thường xuyên đánh giá, phân tích từng khoản thu, sắc thuế và địa bàn, dự báo những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu, những khoản dự kiến hụt thu và có giải pháp khai thác nguồn thu còn tiềm năng để bù đắp các khoản thu, sắc thuế dự kiến không đạt dự toán. Đặc biệt, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, địa phương, cơ quan, đơn vị về tiến độ thực hiện, giải ngân VĐTC và triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án do đơn vị, địa phương quản lý; kiên quyết chống các biểu hiện trì trệ, tiêu cực trong đầu tư công; xem công tác quản lý đầu tư công là một trong những tiêu chí đánh giá xếp loại hàng năm của tập thể người đứng đầu, cá nhân liên quan.

Đối với các dự án trọng điểm, số vốn lớn, tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn theo từng tuần, từng tháng và lộ trình đến hết năm 2023 để chỉ đạo, nhất là 18 dự án trọng điểm thuộc nguồn VĐTC và các dự án thuộc chương trình giảm nghèo bền vững, các dự án về sắp xếp ổn định dân cư. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các địa phương trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; đánh giá tồn tại, hạn chế của từng dự án; xác định rõ thẩm quyền giải quyết từng nội dung vụ việc để đề ra biện pháp giải quyết cụ thể. Các chủ đầu tư chủ động rà soát tiến độ giải ngân so với kế hoạch vốn của từng công trình, dự án.

Với phương châm “làm hết việc, không hết giờ”, các ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tham gia ý kiến về thẩm định, điều chỉnh dự án; bảo đảm yêu cầu về chất lượng, rút ngắn thời gian để công tác quản lý kế hoạch đầu tư công được kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Xử lý, thay thế nhà thầu yếu về năng lực, không đáp ứng yêu cầu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, giải ngân 3 chương trình MTQG bảo đảm đúng mục đích, chất lượng và hiệu quả; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực…

Tin tưởng, với việc kịp thời chấn chỉnh, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để hoàn thành các mục tiêu giải ngân VĐTC; khắc phục khó khăn, vướng mắc và có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu công việc; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ và giải ngân VĐTC… sẽ là lời giải cho bài toán thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.

Bài, ảnh: KIM TIẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202307/tang-toc-thu-ngan-sach-va-giai-ngan-von-dau-tu-cong-33e2957/