Tăng tính chủ động của sinh viên

Thụ động có lẽ vẫn là một trong những điểm yếu lớn nhất của sinh viên Việt Nam hiện nay. Khắc phục nhược điểm này, giúp sinh viên chủ động trong chiếm lĩnh tri thức là yêu cầu bức thiết, đặc biệt khi các trường ĐH, CĐ đang chuyển dần sang đào tạo theo học chế tín chỉ.

(GD&TĐ)-Thụ động có lẽ vẫn là một trong những điểm yếu lớn nhất của sinh viên Việt Nam hiện nay. Khắc phục nhược điểm này, giúp sinh viên chủ động trong chiếm lĩnh tri thức là yêu cầu bức thiết, đặc biệt khi các trường ĐH, CĐ đang chuyển dần sang đào tạo theo học chế tín chỉ.

Thảo luậ nhóm giúp sinh viên tăng tính chủ động trong học tập và rèn kỹ năng làm việc tập thể. Ảnh: gdtd.vn

Giúp sinh chủ động bằng xây dựng đề cương chi tiết học phần

Đề cương chi tiết học phần đã được thực hiện 4 năm tại Trường ĐH Hồng Đức. PGS.TS.Lê Văn Trưởng – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dù vẫn còn những vấn đề cần phải nghiên cứu tiếp, nhưng có thể khẳng định, đề cương chi tiết học phần đã trở thành công cụ hữu hiệu để thực hiện mục tiêu kép: đổi mới phương pháp dạy học, giúp sinh viên chủ động tự học và nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo PGS.TS.Lê Văn Trưởng, đề cương chi tiết học phần là tài liệu do giảng viên biên soạn và cung cấp cho sinh viên trước khi giảng dạy học phần, trong đó có chứa đựng các thông tin về giảng viên, mục tiêu, nội dung học phần, học liệu, hình thức tổ chức dạy học, chính sách đối với học phần và hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.

Đề cương chi tiết học phần được coi là “bản cam kết” giữa giảng viên và sinh viên về kiến thức, kỹ năng mà sinh viên cần phải lĩnh hội, về những phương pháp học tập mà sinh viên cần phải thực hiện; là cơ sở để sinh viên lập kế hoạch chủ động trong học tập, nghiên cứu và tham gia hoạt động kiểm tra, đánh giá; là căn cứ để nhà trường kiểm tra hoạt động dạy của giảng viên và hoạt động học tập, nghiên cứu của sinh viên.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đề cương chi tiết học phần, PGS.TS.Lê Văn Trưởng cho hay, đề cương này phải được xây dựng trên nguyên tắc cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin về học phần phù hợp với phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Trong đó, phần nội dung chi tiết học phần nhất thiết phải có 3 phần: nội dung cốt lõi (cần phải biết), nội dung liên quan gần (nên biết) và nội dung liên quan xa (có thể biết). Bên cạnh đó, đề cương chi tiết học phần phải tiếp cận chuẩn mực tiên tiến của giáo dục ĐH thế giới; đồng thời phải quán triệt quan điểm “đổi mới phương pháp đào tạo theo 3 tiêu chí: trang bị cách học, phát huy tính chủ động của người học, sử dụng CNTT và truyền thông trong hoạt động dạy học”.

Để xây dựng đề cương chi tiết học phần, Trường ĐH Hồng Đức tiến hành theo 5 bước: Thành lập nhóm chuyên gai biên soạn nội dung gồm các giảng viên cùng dạy các học phần và có thể mời thêm 1 đến 2 sinh viên giỏi đã học qua học phần này. Tổ chức tập huấn kỹ thuật biên soạn đề cương chi tiết học phần cho nhóm chuyên gia. Nhóm chuyên gia tiến hành biên soạn theo hướng dẫn. Tổ chức hội thảo về đề cương chi tiết học phần đã xây dựng, có sự tham gia của các giảng viên có liên quan đến học phần và sinh viên giỏi đã học học phần này. Bước cuối cùng là các chuyên gia tiếp thu ý kiến và tiến hành chỉnh sửa.

SV tăng tính chủ động với thảo luận nhóm

Học tập trong môi trường nhóm sẽ không chỉ thúc đẩy sự tích cực, sáng tạo trong học tập của sinh viên mà còn tạo sự gắn kết trong nhóm, giúp sinh viên làm quen với cách làm việc tập thể, có cơ hội học hỏi và biết cách lắng nghe. Mặc dù phương pháp học nhóm vẫn được nhiều giảng viên áp dụng nhưng thực tế nhiều giảng viên cho rằng sinh viên vẫn bị động trong hoạt động nhóm, chưa có kỹ năng làm việc nhóm, chưa tự giác và chưa tích cực chủ động trong giờ học; nhiều nhóm hoạt động ỷ lại cho nhóm trưởng và một số thành viên học khá trong nhóm.

Th.S Hoàng Thị Minh Lý – Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp đã có một nghiên cứu về vấn đề này và đưa ra các giải pháp khắc phục thực trạng trên. Theo đó, để phương pháp học nhóm đạt hiệu quả cần tiến hành các bước: Lên kế hoạch, hướng dẫn về kỹ năng thảo luận nhóm, hướng dẫn bài tập thảo luận nhóm cho sinh viên, quy định thời gian, tạo tính cạnh tranh trong nhóm và giữa các nhóm với nhau, kết hợp với đánh giá nhóm và giao nhiệm vụ cho buổi học tiếp theo.

Để thực hiện tốt một giờ thảo luận nhóm, giảng viên cần nắm vững quy trình thảo luận nhóm trên; đồng thời chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện phương pháp này như phương tiện giảng dạy, phân nhóm phù hợp, chuẩn bị kỹ nội dung thảo luận và hướng dẫn cụ thể, quy định thời gian, đặc biệt là cần có chính sách thưởng phạt rõ ràng trong thảo luận để tạo tính cạnh tranh trong nhóm và giữa các nhóm; giúp sinh viên tự đánh giá. Cuối cùng, giảng viên bao giờ cũng là người đưa ra nhận xét, đánh giá sau cùng và giao nhiệm vụ cho buổi học tiếp theo.

Th.S Hoàng Thị Minh Lý nhấn mạnh, việc chuẩn bị kỹ nội dung thảo luận với giảng viên là rất quan trọng. Giảng viên phải đầu tư hơn cho việc chuẩn bị câu hỏi và đặc biệt, cần hướng dẫn cho sinh viên kỹ năng thảo luận ngay từ đầu và hướng dẫn sinh viên cách tiếp cận kho tri thức khổng lồ trong thời đại CNTT hiện nay.

Với sinh viên, điều quan trọng là phải đọc tài liệu, biết tìm kiếm và trích dẫn những phần mình cần đến; phải biết phân tích, tổng hợp, đào sâu suy nghĩ, biết lắng nghe và tránh ỷ lại vào người khác. Kỹ năng làm việc nhóm với sinh viên cũng rất quan trọng. Theo đó, sing viên cần xác định rõ nhiệm vụ học tập và lên kế hoạch cho bản thân; đoi khi phải biết thay đổi thói quen, phương pháp học tập của mình. Ngoài khả năng biết trình bày ý kiến, còn phải rèn luyện kỹ năng phản ứng linh hoạt, ứng xử tình huống nhanh và có kiến thức vững vàng về vấn đề mình trình bày. Bên cạnh đó, tất cả các sinh viên khi tham gia hoạt động nhóm cần có ý thức trong thảo luận nhóm và quản lý lớp. Học nhóm chỉ đạt hiệu suất cao khi nó được thực hiện trên cơ sở có sự chuẩn bị chu đáo cả về nội dung lẫn kỹ năng hoạt động, phương pháp tổ chức và ý thức của mọi thành viên.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2762/201301/Tang-tinh-chu-dong-cua-sinh-vien-1966446/