Tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác

Đây chính là hiệu quả, ý nghĩa của mô hình Điểm sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Long An triển khai, thực hiện tại xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng mang lại.

Hội nghị tổng kết mô hình Điểm sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng

Hiện nay, vụ lúa Đông Xuân (ĐX) 2022-2023 tại xã Khánh Hưng đã được thu hoạch xong, năng suất ước đạt từ 7,5-8,5 tấn/ha, nông dân đang bước vào vụ Hè Thu (HT) 2023. Mặc dù vụ HT 2023, nông dân không được hỗ trợ theo mô hình Điểm sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao nhưng họ vẫn áp dụng các kỹ thuật canh tác tương tự vụ ĐX 2022-2023.

Ông Trần Văn Long (ấp Sậy Giăng) cho hay: “Vụ lúa ĐX 2022-2023, gia đình tôi có 2ha nằm trong mô hình điểm. Khi tham gia mô hình, tôi được hướng dẫn ghi nhật ký đồng ruộng như thời gian thực hiện, công việc, thiết bị, loại vật tư sử dụng,… Nhờ vậy, sau khi kết thúc mùa vụ, tôi tính toán được chi phí sản xuất 19 triệu đồng/ha, lợi nhuận 25 triệu đồng/ha. Đặc biệt, tôi còn biết áp dụng các kỹ thuật vào canh tác để hạn chế dịch hại, tăng năng suất trên cùng diện tích. Cụ thể, tôi sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ, dùng phân hữu cơ bón lót để tạo độ phì nhiêu cho đất, sử dụng phân đạm chậm tan để tiết kiệm phân bón,… Nhận thấy mô hình hiệu quả, vụ lúa HT 2023, tôi tiếp tục áp dụng các kỹ thuật được hướng dẫn từ vụ ĐX 2022-2023”.

Tương tự trường hợp của ông Long, bà Võ Thị Thu Sương (ấp Sậy Giăng) chú trọng sử dụng phân hữu cơ và phân đạm chậm tan vào canh tác 2,5ha cho vụ lúa HT 2023. Bà Sương cho biết: “Vụ lúa ĐX 2022-2023, tôi được hướng dẫn sử dụng phân đạm chậm tan nên giảm được phân Ure, DAP, nhất là giúp bộ rễ phát triển tốt, né được rầy. Ngoài ra, tôi còn sử dụng thuốc sinh học phun đúng thời điểm nên diệt được nhện lá, không ảnh hưởng đến thiên địch, giúp hạt lúa vàng, sáng. Bình quân năng suất 7,5 tấn/ha, tuy không bằng nhiều nơi nhưng chi phí sản xuất thấp, từ đó lợi nhuận vẫn cao hơn so với ngoài mô hình. Thông qua mô hình giúp tôi nhận thức được không cần phải chạy theo năng suất mà cần chú ý đến kỹ thuật canh tác để giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác là đủ. Do đó, vụ HT 2023, tôi vẫn quyết tâm áp dụng các quy trình sản xuất đã được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn”.

Được biết, vụ lúa ĐX 2022-2023, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện 5 mô hình Điểm sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại xã Vĩnh Lợi (huyện Tân Hưng), xã Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng), xã Bình Hòa Tây (huyện Mộc Hóa), xã Tuyên Thạnh (thị xã Kiến Tường) và xã Tân Đông (huyện Thạnh Hóa). Mô hình được triển khai liên tiếp 3 năm, trong đó, chủ yếu thực hiện vào vụ ĐX, các vụ lúa còn lại để nông dân có thời gian áp dụng. Khi tham gia mô hình năm đầu tiên, nông dân được hỗ trợ 50% lúa giống, 50% phân chậm tan, phân hữu cơ, thuốc sinh học và 50% dịch vụ máy bay phun thuốc. Ngoài ra, nông dân còn được cán bộ kỹ thuật trực tiếp chuyển giao khoa học - kỹ thuật canh tác như “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”,… Đến năm thứ 2, nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 30%, năm thứ 3 hỗ trợ 20%.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh - Võ Thành Nghĩa chia sẻ: “Sau khi kết thúc vụ ĐX 2022-2023, trung tâm tổ chức hội nghị tổng kết mô hình nhằm đánh giá các kết quả đạt được và các hạn chế, tồn tại để tìm biện pháp khắc phục. Mục đích của mô hình là thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, chuyển từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao, nhất là hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường. Dù mô hình mới được triển khai vụ ĐX 2022-2023 nhưng nhận thức của nông dân tham gia mô hình thay đổi nhiều. Đây là tín hiệu đáng mừng, góp phần thực hiện tốt Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp”./.

Minh Thư

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tang-thu-nhap-tren-cung-dien-tich-canh-tac-a155422.html