Tăng sức hút của Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn

Trong những năm qua, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Không chỉ là cầu nối, mà chương trình còn tạo nên hiệu ứng tích cực từ doanh nghiệp (DN) và phía người tiêu dùng.

Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, dịp cuối năm 2016, Sở Công thương TP Hà Nội đã phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành khảo sát, tổ chức các điểm bán hàng phục vụ người dân như: Tổ chức hơn 300 chuyến bán hàng lưu động tại 18 huyện, thị xã và các khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, khu công nghiệp Kim Chung - Đông Anh (Hà Nội)... Tổ chức 22 phiên chợ Việt và hơn 100 các chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp ứng nhu cầu mua sắm phục vụ Tết của nhân dân. Phần lớn các chương trình này đều nhằm hỗ trợ các DN tham gia các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn. Ngoài ra, các DN còn tự tổ chức bán hàng lưu động ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu tiếp cận, mua sắm hàng hóa, nhất là hàng Việt của người dân nông thôn. Điều đáng nói là, tại những phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” và hội chợ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 100% số các mặt hàng được bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá kèm theo... Hàng hóa tham gia chương trình tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng tham gia chương trình bình ổn giá, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, giấy vở học sinh… Đây là những mặt hàng có nguồn gốc trong nước, xuất xứ rõ ràng, giá bán hợp lý và thực hiện các chương trình dịch vụ bán hàng, hậu khuyến mại phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội từng khu vực. Với mẫu mã đa dạng, giá hợp lý, cho nên hàng Việt đang ngày càng được khách hàng nông thôn ưa chuộng...

Kết quả nổi bật nhất của việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từ Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa DN và người dân khu vực nông thôn, mà còn làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt. Người dân khu vực nông thôn còn có thêm cơ hội để tham quan, mua sắm những mặt hàng chất lượng cao, do chính các DN trong nước sản xuất. Từ đó, có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với những hàng ngoại được bày bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường.

Hiệu quả đã rõ, song theo phản ánh của người dân, chất lượng hàng hóa tại không ít phiên chợ, hội chợ chưa đạt yêu cầu. Ghi nhận ý kiến một số đại lý hàng Việt Nam sau các phiên chợ cho thấy, sự cam kết uy tín của hàng Việt vẫn còn thấp; chất lượng ban đầu rất tốt nhưng sau lại giảm dần. Nhiều DN chưa mặn mà với chương trình này. Anh Bùi Văn Tiến, xã Vân Phúc (Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết: Do ít có điều kiện đi vào trung tâm thành phố mua sắm, cho nên nhiều người dân trong xã mong chờ tổ chức các hội chợ, phiên chợ để được mua sắm hàng hóa do các DN trong nước sản xuất, vừa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, các hội chợ, phiên chợ chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Hàng hóa, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú, đa dạng nhưng giá cả lại khá cao so với hàng ngoại nhập. Thậm chí, tại không ít các phiên chợ hàng Việt vẫn còn có DN lợi dụng, trà trộn bày bán sản phẩm kém chất lượng, hàng gần hết hạn sử dụng, làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, không ít địa phương coi việc DN tổ chức những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn là một loại hình hội chợ cuối năm, cho nên mạnh ai nấy làm. Do vậy, không ít phiên chợ hàng Việt về nông thôn diễn ra nhàm chán cho cả DN và người tiêu dùng, hàng hóa đơn điệu, chủ yếu mang tính hình thức, khá rời rạc, thiếu sự liên kết.

Để tăng sức hút của các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cấp chính quyền, ngành chức năng và doanh nghiệp cần có một chiến lược dài hơi, đồng bộ và hiệu quả, linh hoạt. Bởi vì, mục đích chính của các phiên chợ đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về vùng nông thôn không chỉ là số lượng hàng được bán tại chỗ, mà là tạo cơ hội để người tiêu dùng thấy được hàng Việt Nam có chất lượng tốt như thế nào để từ đó tin dùng. Vì vậy, cùng với những giải pháp thiết thực trong công tác phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp phát triển điểm bán cố định tại địa phương, các cấp chính quyền cần tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình kết nối nhà sản xuất, kinh doanh hàng Việt với nhà phân phối, tạo điều kiện về mặt bằng và thủ tục hành chính để các nhà phân phối mở rộng kinh doanh ở khu vực nông thôn, khẳng định thương hiệu và không ngừng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Nhà nước cần tiếp tục tăng cường kinh phí cho việc xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm soát hàng hóa, phòng chống các hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng… nhằm bảo vệ, hỗ trợ người tiêu dùng.

“Khu vực nông thôn, khu công nghiệp là thị trường còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Do vậy, các phiên chợ hàng Việt, không chỉ đáp ứng nhu cầu hàng Tết cho người dân nông thôn, mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tận dụng mở rộng thị trường, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh”.

TRẦN THỊ PHƯƠNG LAN
Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội

“Ban tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn cần tăng cường quản lý các gian hàng, nguồn hàng, tránh tình trạng có những DN, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ lợi dụng phiên chợ hàng Việt để trà trộn đưa hàng tồn kho, không bảo đảm chất lượng vào để bán”.

ĐỖ MINH QUỐC
Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Minh An

“Thực tế tại không ít phiên chợ Việt mới dừng lại ở việc trưng bày, giới thiệu hoặc bán lẻ thuần túy, mà chưa thật sự gây dựng được thương hiệu Việt trong lòng người tiêu dùng. Thời gian tổ chức các phiên chợ bán lẻ hàng Việt thường ngắn, thiếu sự liên kết, trong khi nhu cầu tiêu dùng và khả năng mua sắm của người dân nông thôn phần nhiều phụ thuộc theo mùa vụ”.

NGUYỄN ĐĂNG THỊNH
(Xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/bandoc/item/31866602-tang-suc-hut-cua-chuong-trinh-dua-hang-viet-ve-nong-thon.html