Tăng phí đường cao tốc: Đề nghị Quốc Hội giám sát chặt chẽ

Đại tá Trần Sơn, nguyên lãnh đạo Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho rằng, cần phải đề nghị Quốc Hội giám sát chặt chẽ đối với việc thành lập các trạm thu phí để đảm bảo quyền lợi cho người dân

Liên quan đến vấn đề tăng phí đường bộ trên các tuyến cao tốc được xây dựng theo hình thức BOT gây nhiều tranh cãi trong thời gian vừa qua, trao đổi với PV, các chuyên gia cho rằng, các trạm thu phí BOT hiện được đặt không hợp lý, dày đặc, thu phí cao gây áp lực cho người dân.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: “Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, nhờ có việc xã hội hóa BOT mà hệ thống hạ tầng giao thông đã được nâng cấp cải thiện như hiện nay, đây có thể được coi là một bước đột phá. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều bất cập như phí đường bộ thu quá cao, tiền phí còn cao hơn tiền nhiên liệu nó làm giá thành nhiều sản phẩm phải tăng theo, tăng ngoài sức chịu đựng của người dân.

Một điều bất cập nữa là, các trạm thu phí được đặt chưa hợp lý, khoảng cách của các trạm BOT gần nhau quá dẫn đến ùn tắc, khiến cho tác dụng của con đường không được phát huy”.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Nhắc tới việc phí đường quá cao ông Nguyễn Văn Thanh kiến nghị rằng: “Việc thu phí hiện nay có nhiều điều chưa được rõ, chúng tôi mong rằng, Bộ GTVT và Bộ Tài chính xem xét lại việc thu phí của BOT cho hợp lý với sức chịu đựng của người dân”.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

“Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường, thu phí đường bộ cần được công khai minh bạch để người dân biết được, nhà đầu tư là ai, tổng số tiền đầu tư, phí đường bộ thu được trong một ngày,… thời hạn thu trong bao nhiêu năm. Những số liệu cần công khai minh bạch này, các nhà đầu tư đều có nhưng vẫn đang nằm trong ngăn kéo”, ông Nguyễn Văn Thanh nói.

Chung quan điểm với ông Nguyễn Văn Thanh, trao đổi với chúng tôi Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật và Điều tra xử lý TNGT, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho rằng: “Theo tôi việc nâng cấp xây dựng hệ thống đường giao thông lên là một chủ trương rất đúng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua các trạm thu phí BOT bao vây dày đặc vượt quá quy định của Bộ GTVT tại các tuyến đường đã gây ra nhiều phiền toái”.

“Chúng ta cần xem xét, việc đặt trạm thu phí như nào để thu được phí và tạo được điều kiện thuận lợi cho người dân. Ví dụ như người dân sống gần trạm thu phí, họ chỉ đi lại sinh hoạt bình thường mà phải trả phí cho cả tuyến đường mà trước kia họ không đóng phí là không thể được”, ông Trần Sơn nhấn mạnh.

“Khi người dân đi trên các tuyến đường mà BOT thu phí thì phải được đảm bảo việc đi lại thuận lợi, nhanh, đảm bảo xe không bị hư hỏng… Tuy nhiên, nếu người dân không đi trên đường cao tốc đó thì vẫn phải có một đường khác cho người dân đi”, ông Trần Sơn nói.

Nói về việc giám sát các trạm thu phí BOT, ông Trần Sơn chia sẻ: “Về nguyên tắc khi đã thu phí bảo trì đường bộ của các đầu xe tại các trạm kiểm định rồi thì Nhà nước nên lấy tiền đó để trả cho nhà thầu chứ không thể để “phí chồng phí” được. Theo tôi chúng ta cần phải đề nghị Quốc Hội giám sát chặt chẽ đối với việc thành lập các trạm thu phí, với nguồn thu phí bảo trì để đảm bảo quyền lợi cho người dân”.

Trịnh Giang

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-tang-phi-duong-cao-toc-de-nghi-quoc-hoi-giam-sat-chat-che-a236189.html