Tăng phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai

Kinhtedothi – Ngày 14/7, Thành ủy Hà Nội ban hành thông báo kết luận Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã Quý II năm 2023.

Ảnh minh họa.

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức

Trong đó, về công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp Thành phố, Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành từ Thành phố đến cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp, biện pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số, nhất là khắc phục triệt để tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực, không tham mưu giải quyết công việc, đùn đẩy, né tránh. Đồng thời, gắn với thực hiện Chương trình công tác số 01-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”, Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 144-KH/TU ngày 15/3/2023 để khắc phục các hạn chế, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy sau kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo năm 2022.

Tập trung chỉ đạo hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Trong đó, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố cần tiếp tục quán triệt và siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công trên tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa phương, các cấp quản lý. Đối với các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân cuối năm 2023 đạt thấp phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan và đề xuất với Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Đảng đoàn HĐND Thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác giám sát, tái giám sát việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung công tác cải cách hành chính và Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Thành phố.

Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành Thành phố, Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã được yêu cầu vào cuộc quyết liệt, chịu trách nhiệm về hiệu quả, chất lượng công tác cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị mình; chỉ đạo xây dựng Kế hoạch cải cách hành chính bám sát Chương trình của Thành phố. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số PAPI, SIPAS, PARINDEX, PCI và triển khai Kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh ngiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy trình, quy chế, nhất là các quy trình phối hợp để giải quyết công việc nội bộ.

Cán bộ, công chức UBND phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính. Ảnh: Linh Nguyễn

Cùng với đó, tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc Thành phố Hà Nội và Kế hoạch triển khai thực hiện. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chủ động nghiên cứu, sớm ban hành các văn bản để tập trung triển khai thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt ngay khi Chỉ thị và Kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền

Các quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp với các sở, ngành Thành phố, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), phân cấp, ủy quyền, trong đó, tập trung phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội và ủy quyền giải quyết TTHC. Ban Cán sự đảng UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo rà soát, đánh giá hiệu quả để đề xuất phương án thực hiện phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC, nhất là các nhóm có thủ tục hồ sơ hành chính được giao dịch thường xuyên như: Tư pháp, đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội, bảo hiểm, thuế... Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC, các quy định hành chính, TTHC nội bộ.

Đổi mới cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ điện tử thống nhất trên toàn Thành phố, đáp ứng yêu cầu theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Thực hiện số hóa hồ sơ kết quả giải quyết TTHC, nhất là TTHC liên thông theo yêu cầu chỉ tiêu và thời hạn của Trung ương và thành phố; gắn với tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cho cấp xã, đặc biệt là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC.

Việt An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tang-phan-cap-uy-quyen-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-trong-linh-vuc-dat-dai.html