Tăng năng suất lao động cần đi đôi với tăng tiền lương

'Nếu tăng năng suất không đi đôi với tiền lương cho người lao động được nâng cao thì tăng trưởng kinh tế khó có thể bền vững và toàn diện' - TS Chang-Hee Lee - Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam - trao đổi với PV Báo Lao Động. Ông cho biết:

Mức năng suất lao động tại Việt Nam là không đồng đều giữa các ngành khác nhau. Ảnh: QUẾ CHI

Hiện năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thuộc nhóm thấp trong các nước ASEAN. Trên một cấp độ rộng hơn, mức độ NSLĐ là một hàm số phản ánh cơ cấu kinh tế của một quốc gia. Thông thường, NSLĐ trong ngành chế tạo và các dịch vụ cao cấp thường cao hơn rất nhiều so với ngành nông nghiệp. Vì vậy, tại những quốc gia như Việt Nam, nơi vẫn còn một bộ phận lớn lực lượng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp, NSLĐ chung sẽ thấp hơn so với những quốc gia như Singapore là nơi các ngành chế tạo và dịch vụ có giá trị gia tăng cao là đầu tàu kinh tế. Tuy nhiên chúng ta cũng phải ghi nhận rằng mặc dù NSLĐ của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp, con số này đã có mức tăng đáng kể vào khoảng 4,2% mỗi năm kể từ năm 2010.

Như đề cập ở trên, mức NSLĐ tại Việt Nam là không đồng đều giữa các ngành khác nhau. Ví dụ, ngành công nghiệp có NSLĐ cao gấp 4 lần so với nông nghiệp, còn ngành dịch vụ là gần 3 lần. Vì vậy, khi đánh giá xu hướng tiền lương và NSLĐ, cần thiết phải nhìn rộng hơn những con số tổng và phải xem xét kỹ từng yếu tố ở cấu phần của nền kinh tế.

Thưa ông, có một tình trạng, doanh nghiệp không đầu tư vào khoa học công nghệ, khiến cho NSLĐ thấp; nhưng sau đó lại vin vào việc NSLĐ thấp để không thể trả lương cao cho người lao động. Ý kiến của ILO về tình trạng này?

Mối quan hệ giữa công nghệ, năng suất và tiền lương không đơn giản như nhiều người nghĩ. Ví dụ, nhiều doanh nghiệp (DN) đa quốc gia sản xuất các sản phẩm cao cấp, như điện thoại thông minh đời mới, sử dụng công nghệ hiện đại tại nhà máy ở Việt Nam. Tuy nhiên người công nhân tại dây chuyền sản xuất chủ yếu lại có kỹ năng thấp và được trả lương chỉ trên mức lương tối thiểu một chút. Các Cty đa quốc gia sở hữu công nghệ và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao dựa trên việc sử dụng một số lượng lớn nhân công tay nghề thấp.

Do thiếu vắng những chính sách công nghiệp hiệu quả để hỗ trợ phát triển cho các Cty tư nhân trong nước, DN Việt Nam vẫn đang vật lộn để duy trì khả năng cạnh tranh trong phân cấp dưới của chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy Chính phủ cần áp dụng các chính sách hiệu quả để nâng tầm tính cạnh tranh của DN Việt Nam thông qua hỗ trợ và tạo điều kiện phổ biến các công nghệ sản xuất hiện đại và những mô hình quản lý tăng năng suất.

Có ý kiến cho rằng, nếu chấp nhận không tăng hoặc tăng lương thấp là khuyến khích việc tiếp tục phát triển kinh tế dựa vào việc bán sức lao động giá rẻ. Quan điểm của ILO về ý kiến này?

Như tôi đã đề cập, việc giúp các DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu dựa trên điều kiện làm việc tốt hơn, thông qua hỗ trợ phổ biến công nghệ sản xuất hiện đại và những mô hình quản lý tăng năng suất có vai trò hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên nhớ tăng năng suất không tự động đem lại mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn. Nếu tăng năng suất không đi đôi với tiền lương cho người lao động được nâng cao thì tăng trưởng kinh tế khó có thể bền vững và toàn diện. Chúng ta cần xây dựng một vòng tuần hoàn giữa tăng năng suất, tăng tiền lương, tăng thu nhập hộ gia đình và mở rộng thị trường nội địa. Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho chúng ta thấy rằng quan hệ lao động hài hòa bao gồm tổ chức của người lao động và thương lượng tập thể hoạt động hiệu quả, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo vòng tuần hoàn giữa nâng cao năng suất, cải thiện tiền lương và điều kiện làm việc.

Xin cảm ơn ông!

QUẾ CHI (thực hiện)

QUẾ CHI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/tang-nang-suat-lao-dong-can-di-doi-voi-tang-tien-luong-689975.bld