Tăng lương phải gắn với tăng năng suất

TS. Bùi Trinh. Trong bối cảnh thu nhập của người dân thấp hơn mức chi tiêu, tăng lương là việc cần thiết. Tuy nhiên, tăng lương nếu không gắn liền với tăng năng suất lao động sẽ khiến thặng dư của các doanh nghiệp giảm đi và không còn nguồn lực cho các đợt tăng lương tiếp theo.

Theo Hệ thống các tài khoản Quốc gia, tổng thu nhập của hộ gia đình bằng thu nhập từ sản xuất, thu nhập từ sở hữu và từ chuyển nhượng. Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 cho thấy, thu nhập bình quân đầu người/tháng là 4,67 triệu đồng (theo giá hiện hành). Theo niên giám thống kê, tổng tiêu dùng cuối cùng của dân cư năm 2022 là 5,2 triệu tỷ đồng, từ đó suy ra tiêu dùng cuối cùng bình quân đầu người/tháng khoảng 4,81 triệu đồng. Như vậy, về mặt tổng quát, tổng thu nhập bình quân đầu người/tháng thấp hơn tiêu dùng bình quân đầu người/tháng khoảng 140.000 đồng.

Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể giữa khu vực thành thị và nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người/tháng ở nông thôn chỉ là 3,86 triệu đồng, thấp hơn tiêu dùng cuối cùng đầu người bình quân/tháng khá nhiều, lên tới 960.000 đồng. Trong khi đó, dân cư nông thôn chiếm 62% dân số cả nước. Ở thành thị, thu nhập bình quân đầu người/tháng đạt 5,95 triệu đồng, cao hơn tiêu dùng bình quân đầu người/tháng 1,14 triệu đồng.

Tổng cục Thống kê đưa ra phương pháp thống kê với 5 nhóm thu nhập gồm: nhóm có thu nhập thấp nhất (nhóm nghèo nhất), nhóm có thu nhập dưới trung bình, nhóm có thu nhập trung bình, nhóm có thu nhập khá, nhóm có thu nhập cao nhất (nhóm giàu nhất). Khoảng cách thu nhập giữa nhóm nghèo nhất (nhóm 1) và nhóm giầu nhất (nhóm 5) lên tới gần 10 lần; khoảng cách thu nhập của nhóm 5 với nhóm kề nó (nhóm 4) cũng gấp đôi.

Số liệu thống kê năm 2022 cũng cho thấy, thu nhập bình quân đầu người/tháng của nhóm nghèo nhất (gồm 20% dân số nghèo nhất) chỉ là 1,35 triệu đồng; của nhóm có thu nhập dưới trung bình (cũng 20%) là 2,7 triệu đồng; của nhóm có thu nhập trung bình (cũng 20%) là 3,86 triệu đồng. Như vậy, 60% dân cư có thu nhập thấp hơn mức tiêu dùng bình quân/tháng.

Những con số này cho thấy đa số người dân không có để dành và phải tiêu dùng ở mức rất thấp - đây là tín hiệu khá nguy hiểm. Và, để thu nhập đáp ứng như cầu tiêu dùng cuối cùng, thu nhập cần tăng khoảng 10%.

Với khối sản xuất, kinh doanh, tăng lương sẽ giúp tăng thu nhập cho người lao động. Vậy nhưng, nếu tăng lương không gắn liền với tăng năng suất lao động sẽ khiến thặng dư của các doanh nghiệp giảm đi. Nói cách khác, tăng lương không dựa vào tăng năng suất sẽ khiến nguồn lực của nền kinh tế nhỏ lại ở những chu kỳ sản xuất sau. Khi thặng dư của doanh nghiệp ngày một nhỏ lại thì việc đầu tư mở rộng sản xuất gặp khó khăn do không đủ khả năng tích lũy. Và điều này cũng có nghĩa doanh nghiệp khó duy trì nguồn lực để chuẩn bị cho các đợt tăng lương tiếp theo.

Ngoài ra, khi lương tăng sẽ khiến hệ số co giãn về lao động tăng cao, nền kinh tế phải cần một lượng vốn lớn hơn mới có thể có được tăng trưởng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến khối doanh nghiệp tư nhân trong nhiều năm qua không thể phát triển (giá trị gia tăng đóng góp vào GDP chỉ loanh quanh ở mức dưới 10%). Đáng lưu ý là hệ số này ở các ngành là không giống nhau. Hầu hết nhóm ngành chế biến chế tạo có hệ số thu nhập từ sản xuất so với giá trị gia tăng thuần rất cao, hệ số co giãn về thặng dư rất thấp; vì vậy, nếu quyết định tăng lương không xuất phát từ tăng năng suất ở những ngành này sẽ làm doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Ngược lại, một số ngành có hệ số co giãn về thặng dư rất cao như nhóm ngành xây dựng, kinh doanh bất động sản, khách sạn nhà hàng…

Mặc dù việc có hay không tăng lương tối thiểu vùng đã được gác lại tới cuối năm nay để tránh gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp; song dù có trì hoãn thì việc tăng lương vẫn luôn là áp lực lớn đối với doanh nghiệp trong một nền kinh tế mà động lực vẫn chủ yếu dựa vào nhân công giá rẻ. Quyết định tăng lương tối thiểu, do đó, cần có những nghiên cứu nghiêm túc và rất cân nhắc.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/tang-luong-phai-gan-voi-tang-nang-suat-i350544/