Tăng lỗ sau soát xét, Vietnam Airlines làm gì để thoát khỏi tình trạng này?

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN) vừa lên tiếng sau khi công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023.

Trong BCTC soát xét hợp nhất bán niên 2023, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu không thay đổi quá nhiều so với trước kiểm toán khi ở mức 43.998 tỷ đồng. Trong khi đó, lỗ ròng tăng từ mức 1.465 tỷ đồng lên 1.519 tỷ đồng, tức nặng thêm 54 tỷ đồng.

Vietnam Airlines cho biết đã cắt giảm 200 tỷ đồng chi phí lương và được thể hiện qua phần chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 4% so với trước kiểm toán. Sự điều chỉnh giảm chi phí lương này do Vietnam Airlines cập nhật sản lượng thực tế, cân nhắc đến xu hướng tăng trưởng cuối năm để dự tính quỹ lương 6 tháng 2023 phù hợp với quỹ lương cả năm 2023.

Khoản mục khiến Vietnam Airlines lỗ nặng hơn đến từ chi phí bán hàng (tăng từ 2.007 tỷ đồng lên 2.109 tỷ đồng) và lỗ khác (tăng từ 128 tỷ đồng lên 222 tỷ đồng).

Kết quả kinh doanh 6 tháng 2023 sau kiểm toán của Vietnam Airlines

Cũng theo Vietnam Airlines, lỗ sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 giảm so với 6 tháng đầu năm 2022 chủ yếu do giảm lỗ của Công ty mẹ và các công ty con như Skypec, Vaeco, Viags... đều kinh doanh có lãi.

Tại báo cáo này, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, Vietnam Airlines lỗ ròng hơn 1.500 tỷ đồng. Đến hết 30/6, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 42.800 tỷ đồng. Các khoản phải trả đã quá hạn trên 14.780 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 12.500 tỷ đồng.

Vì vậy, đơn vị kiểm toán lưu ý khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines và các công ty con sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng hồi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch và việc được gia hạn thanh toán từ các ngân hàng, nhà cung cấp, cũng như khả năng thành công của đề án tái cơ cấu cùng sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ.

Theo Vietnam Airlines, do thị trường vận chuyển quốc tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan và các yếu tố rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 và lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong báo cáo mẹ và hợp nhất 6 tháng 2023 chỉ đạt trên 6,8% doanh thu thuần.

Để khắc phục tình trạng này, Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đề án, trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập.

Vietnam Airlines tin tưởng hoạt động kinh doanh đã từng bước ổn định và đang chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho phục hồi và phát triển trong giai đoạn tới.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doanh-nghiep/tang-lo-sau-soat-xet-vietnam-airlines-lam-gi-de-thoat-khoi-tinh-trang-nay-197675.html