Tăng khả năng hấp thụ vốn là tăng khả năng sáng tạo giá trị

Câu chuyện về tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp đang là câu chuyện thời sự của nền kinh tế song cũng cần nhìn nhận đầy đủ hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân), nâng cao khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp là vấn đề vừa quan trọng cả trước mắt lẫn lâu dài, do vậy cần được nhìn nhận, đánh giá toàn diện để có giải pháp đúng và trúng.

Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp?

Khi thiếu vốn, doanh nghiệp không thể vận hành. Khi có vốn, doanh nghiệp phải tìm cách hấp thụ vốn. Tăng khả năng hấp thụ vốn nghĩa là tăng khả năng sáng tạo giá trị, thúc đẩy tăng trưởng.

Trở lại với tình hình kinh tế hiện nay, ông có thể cho biết những đánh giá chung nhất?

Tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ 3,72%. Áp lực tăng trưởng cuối năm phải 7,5-8% để cả năm đạt mức tăng trưởng ít nhất 6% như Quốc hội đề ra. Kinh tế Việt Nam đang rơi vào trạng thái suy giảm cục bộ trong tính chu kỳ vận hành liên tục của nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế- PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng

Đáng chú ý là các doanh nghiệp thiếu đơn hàng do không đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Cũng cần lưu ý là đang có những thay đổi rất nhanh trong nền kinh tế thế giới nhất là việc ban hành quyết liệt các tiêu chuẩn xanh của các thị trường lớn. Việt Nam xuất khẩu lớn hàng hóa cho nên việc giảm tiêu chuẩn này có thể làm tăng độ khó hay rào cản thâm nhập thị trường.

Nguồn vốn khó hấp thụ do khả năng sinh lợi thấp, chi phí cao, thị trường có xu hướng ngưng trệ. Do đó dễ dẫn đến việc suy giảm giá trị gia tăng, gây tác động bất lợi.

- Trong bối cảnh như ông vừa nêu thì đâu là giải pháp trước mắt để thúc đẩy tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp?

- Cần sử dụng tín dụng tiêu dùng hiệu quả, tín dụng sản xuất, tín dụng xuất- nhập khẩu để tăng tổng cầu như cho vay mua nhà, cho vay mua đồ dùng, mở tài khoản tăng tiền. Đây là động lực thúc đẩy đầu tư, tăng doanh thu biên cao hơn chi phí biên, tăng tốc độ vòng quay vốn và tăng tỷ lệ thu hồi vốn, giảm rủi ro thị trường vốn.

Sử dụng tín dụng hiện vật, trả lương một phần bằng sản phẩm hàng tồn kho, thực hiện chiến dịch giải cứu. Đây là giải pháp mang tính tình thế nhưng còn hơn không có giải pháp gì trong điều kiện lượng hàng hóa tồn kho tăng.

Sử dụng đầu tư công, tăng tốc giải ngân đầu tư công để tạo tác động lan tỏa. Nhà nước nên có nhiều dự án, chương trình lớn và đặt hàng những đơn hàng quy mô lớn cho doanh nghiệp, tạo ra nhiều đơn hàng mới, cần khuyến khích địa phương có nhiều dự án đầu tư trong phạm vi được phân cấp. Cần đầu tư đổi mới cơ cấu công nghiệp tạo sự đột phá trong công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn.

Thúc đẩy thu hút du khách quốc tế, tăng thêm các chương trình du lịch hấp dẫn để thu hút du khách quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến du lịch quốc gia và mở rộng du lịch quốc tế, để tạo làn sóng hấp dẫn du khách mới.

Đặc biệt cần tích cực, chủ động tìm thị trường mới để xuất khẩu, tìm kiếm thêm các thị trường mới, khai thác các cam kết từ các hiệp định thương mại đã ký kết. Chú ý thêm các thị trường chính và cả thị trường ngách. Cần tăng cường kết nối doanh nghiệp, phát huy vai trò Thương vụ và Việt kiều, phát huy quan hệ với các nhà đầu tư nước ngoài có mặt tại Việt Nam để mở rộng mạng lưới. Với gần 40 ngàn dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam cùng với khoảng 7 triệu du khách quốc tế, đây là nguồn thông tin để tìm hiểu thị trường và quảng bá thị trường Việt Nam. Các biện pháp kịp thời sẽ có tác động nhanh chóng. Khai thác triệt để các nền tảng thương mại điện tử để tăng mức tiêu thụ hàng hóa đa kênh. Cần nâng cấp khả năng thích nghi của các cam kết trên mức tối thiểu và hướng tới mức trung bình thậm chí mức trình độ cao.

Các doanh nghiệp cần tranh thủ thời gian chưa có nhiều đơn hàng để nâng cấp cơ sở hạ tầng doanh nghiệp, đẩy mạnh huấn luyện đội ngũ nhân lực, tổ chức các khóa huấn luyện đội ngũ, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tăng cường quảng bá, xây dựng hình ảnh, xây dựng chuỗi cung ứng mới và có chiến lược chuyển đổi xanh, chuyển đổi số doanh nghiệp, phát triển đội ngũ quản lý cấp trung và cấp cao để chuẩn bị đón nhận cơ hội phát triển trong giai đoạn mới.

Tạo mạng lưới thông tin để người cần vốn và người đi vay gặp gỡ nhau

Phát huy vai trò hệ thống, mạng lưới thông tin để người cần vốn và người đi vay có thể gặp gỡ nhau. Giảm bớt tính bất cân xứng thông tin trên thị trường vốn. Phát triển lực lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp và các trung gian tài chính, môi giới tài chính hiệu quả. Xây dựng mạng lưới cung ứng với quy mô lớn gắn với chiến lược quản trị rủi ro hiệu quả.

Theo ông, giải pháp mang tính dài hạn là gì?

Cần điều chỉnh mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng mạnh các ngành công nghiệp sử dụng nhiều vốn như ngành công nghiệp năng lượng. Theo Quy hoạch điện VIII, lượng vốn cần 135 tỷ USD. Do đó, lộ trình hiện đại hóa, chuyển đổi xanh năng lượng sẽ là động lực hấp thụ vốn rất lớn.

Thị trường sản phẩm Halal đang trở thành thị trường cần quan tâm và sinh lợi lớn cần được khai thác. Những chuẩn mực thị trường đang chuyển biến rất mạnh và đáng kể theo hướng phát triển bền vững, phản ứng của doanh nghiệp cần kịp thời hơn.

Phát triển mạnh thị trường vốn dài hạn, chi phí gia nhập thị trường thấp, khuyến khích việc tạo tác động thị trường vốn cả sơ cấp và thứ cấp. Phát triển các loại dịch vụ gắn với sản phẩm tài chính như thị trường cho thuê tài chính, dịch vụ tài chính phái sinh. Đẩy mạnh việc triển khai xây dựng thí điểm mô hình trung tâm tài chính khu vực. Đơn giản hóa thủ tục vay vốn, minh bạch hóa quy trình cho vay, giảm thiểu chi phí phi chính thức trong giải ngân, cần có sự hỗ trợ vay vốn bằng nhiều kênh huy động khác nhau.

Phát triển dịch vụ chiết khấu chứng từ hiệu quả đối với hàng xuất khẩu, chuyển từ chiết khấu theo từng bộ chứng từ sang chiết khấu theo từng đợt chứng từ có thể có nhiều bộ chứng từ để vừa đơn giản hóa, vừa tiết kiệm chi phí doanh nghiệp.

Khuyến khích đầu tư ra nước ngoài với những ngành có thế mạnh về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Việc đầu tư này cần có sự song hành của hệ thống ngân hàng và cần có sự dẫn dắt của Nhà nước. Mở rộng chiến lược đầu tư để tăng khả năng lan tỏa của doanh nghiệp.

Phát huy vai trò tư vấn của các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội ngành hàng để cung cấp các lời khuyên hữu ích cho tùng doanh nghiệp cụ thể. Tăng cường tổ chức các hội chợ, triển lãm, sự kiện kết nối để tìm thị trường, phát huy kinh tế chia sẻ để khai thác tiềm năng thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-kha-nang-hap-thu-von-la-tang-kha-nang-sang-tao-gia-tri-265442.html