Tăng hình phạt vi phạm giao thông: Rằng hay thì thật là hay…

GD&TĐ - Hàng loạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã được bổ sung và tăng chế tài xử phạt trong Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/8/2016.

Đây thực sự là điều rất cần thiết nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT). Tuy nhiên, không ít chuyên gia trong ngành giao thông cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm bất hợp lý của Nghị định này và cho rằng liệu tăng hình phạt có tăng thêm tính răn đe?

Vượt đèn vàng xử phạt như... vượt đèn đỏ

Theo Nghị định 46, từ ngày 1/8, hành vi vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ. Quy định mới này đã khiến người dân băn khoăn lo lắng. Vào ban đêm, hầu hết các nút giao thông tại Hà Nội chuyển sang trạng thái chờ, nghĩa là đèn xanh, đỏ không hoạt động, chỉ có đèn vàng nhấp nháy từ các hướng để báo cho người điều khiển phương tiện biết là đang đi vào nút. Vậy hành vi vượt đèn vàng ban đêm này có bị xử phạt hay không?

Chị Nguyễn Ánh Nhất - quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) băn khoăn, hiện hầu hết tại tất cả các nút giao thông trong khu vực nội đô đã được trang bị hệ thống đèn tín hiệu giao thông nhưng không phải nút nào cũng có đồng hồ đếm ngược và hoạt động tốt. Do đó, nếu áp dụng quy định xử phạt lỗi vượt đèn vàng như đèn đỏ sẽ làm gia tăng các vụ tai nạn giao thông (TNGT).

“Trước đây, phương tiện lưu thông trong đô thị với tốc độ 40 - 50 km/giờ đến các nút, khi thấy đèn xanh chuyển sang vàng người điều khiển phương tiện sẽ giảm tốc và khi đèn đỏ là dừng lại. Nhưng nay nếu quy định vượt đèn vàng là bị phạt vậy khi đang lưu thông với tốc độ 40 - 50 km/giờ thấy đèn vàng là phải phanh dừng khẩn cấp ngay. Với tốc độ, khoảng cách như vậy, các phương tiện phía sau sẽ bị bất ngờ và nguy cơ xảy ra tai nạn liên hoàn là điều khó tránh khỏi” - chị Nhất nói.

Khoản 3, Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; trong khi tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Nếu tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường... Bởi vậy, hành vi vượt tín hiệu đèn vàng khi đang tiếp tục di chuyển sẽ khác hẳn về tính chất, mức độ đối với việc cố tình vượt đèn đỏ. Do đó, tình trạng người tham gia giao thông vượt đèn tín hiệu vàng có thể là do vô ý. Ngược lại, hành vi vượt đèn đỏ hoàn toàn do lỗi cố ý. Đèn tín hiệu vàng thường xuất hiện nhanh chỉ ít giây nên khó xác định được thời điểm đã qua trước vạch dừng hay chưa. Bởi vậy, việc quy định lỗi vi phạm vượt đèn vàng như đèn đỏ, vô hình trung là bỏ ý nghĩa của đèn tín hiệu vàng.

Có ngăn chặn được tiêu cực?

Ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, qua gần hai năm triển khai thực hiện Nghị định số 171 thì cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, góp phần giảm thiểu TNGT. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thì cũng còn một số tồn tại như:

Vẫn còn một số hành vi vi phạm xảy ra rất phổ biến, là nguyên nhân gây TNGT và đã có mức xử phạt nhưng chưa đủ sức răn đe; trên thực tế đang diễn ra nhiều hành vi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ cao gây TNGT như xe kéo các loại xe chở bê tông… nhưng chưa có chế tài xử phạt; các quy định của pháp luật, có nhiều văn bản mới được sửa đổi, bổ sung nhưng chúng ta chưa cập nhật chế tài xử phạt để các quy định đi vào cuộc sống; ngoài ra Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về giao thông đường bộ và biển báo, do đó chúng ta cần cập nhật thêm các chế tài đối với việc vi phạm các quy định này.

Cũng theo ông Tùng, những điểm mới trong Nghị định 46, ngoài việc bổ sung các hành vi vi phạm thì có quy định tăng mức xử phạt đối với các hành vi tiềm ẩn, là nguyên nhân chính gây TNGT, hành vi cố tình vi phạm ở mức cao. Ngoài vi phạm về rượu bia, tốc độ thì trong Dự thảo Nghị định lần này có bổ sung một số hành vi xử phạt cho những hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao gây TNGT, đó là hành vi chở quá tải, chở quá số người quy định...

Không ít ý kiến cho rằng, theo Nghị định 46, người điều khiển ô tô vi phạm tốc độ ngoài việc có thể bị phạt đến 8 triệu đồng sẽ bị tước giấy phép lái xe đến 5 tháng. Còn người điều khiển xe máy chạy vượt quá tốc độ trên 20 km/giờ có thể bị phạt đến 4 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 3 tháng… Với mức phạt như vậy, liệu tình trạng “thỏa thuận” hoặc “chung chi” có xảy ra? Và nếu phát hiện việc thỏa thuận ngầm theo hình thức “cưa đôi” giữa người vi phạm và lực lượng thực thi công vụ thì sẽ có mức xử phạt như thế nào?...

Nhiều người lo ngại, mức xử phạt càng tăng nặng thì càng dễ dẫn tới tiêu cực, khi mà người dân sẽ tìm mọi cách để tránh nộp phạt và họ có thể “cưa đôi” cho những người thi hành công vụ mà không nộp vào ngân sách Nhà nước.

“Bởi vậy, để bảo đảm ATGT, kéo giảm tình trạng vi phạm pháp luật cũng như kéo giảm TNGT thì việc hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là quy định chế tài đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe thì cũng cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật cũng như giám sát chặt chẽ các lực lượng thực thi pháp luật...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/tang-hinh-phat-vi-pham-giao-thong-rang-hay-thi-that-la-hay-2107927-b.html