Tăng giá trị sản phẩm nhờ sản xuất sạch

Những sản phẩm nông nghiệp sạch ở Bình Dương đang dần chiếm lĩnh thị trường, giúp bà con nông dân đổi đời. Đây là thành quả ngọt ngào từ mô hình kinh tế tập thể, gắn liền với ứng dụng công nghệ cao

Anh Nguyễn Văn Sơn ở xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương là cử nhân kinh tế, tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP HCM. Sau khi ra trường năm 2013, thay vì lựa chọn làm việc theo ngành nghề đã được đào tạo, anh Sơn lại chọn khởi nghiệp với nghề nông ngay trên chính quê hương của mình.

Theo đuổi nông nghiệp sạch

Năm 2014, anh Sơn thành lập trang trại Nam An Farm trên diện tích hơn 30.000 m2 để trồng các loại rau sạch, một thời gian dài, mô hình rau sạch không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến năm 2017, chủ trang trại sinh năm 1991 này quyết định chuyển sang nuôi heo rừng lai cũng bằng phương pháp hữu cơ.

Quyết tâm theo đuổi nông nghiệp sạch, anh Sơn đang từng bước tận hưởng thành quả ngọt ngào, khi mô hình nuôi heo rừng lai đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh. "Heo rừng lai ở trang trại chỉ sử dụng thức ăn từ phế phụ phẩm nông nghiệp, như các loại rau, cây chuối băm nhuyễn trộn với cám là bắp, đậu nành được ủ lên men, nếu heo đau bụng thì cho uống các loại lá cây thiên nhiên như lá bọ xít hay lá ổi. Vì áp dụng phương pháp nuôi hữu cơ, thức ăn chăn nuôi không sử dụng chất tăng trọng, không sử dụng kháng sinh nên thời gian nuôi heo dài hơn (khoảng 1 - 2 tháng) so với nuôi công nghiệp. Thế nhưng, thịt heo lại ngon hơn và bán được giá cao hơn" - anh Sơn đúc kết.

Hiện trang trại heo của anh Sơn có khoảng 10.000 con, sản phẩm được bán chủ yếu ở thị trường TP HCM và vùng lân cận. So với giá trên thị trường, thịt heo rừng lai từ trang trại của anh Sơn cao hơn từ 10%-20%. Anh tiết lộ để cho ra giống heo rừng lai F1 làm con giống nuôi thương phẩm, anh cho lai tạo giống heo rừng với các giống heo nhập ngoại có năng suất cao.

Hiện nay, với 2 trại chăn nuôi heo hữu cơ ở xã Minh Tân (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) và xã Lộc Điền (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), trang trại Nam An Farm doanh thu khoảng 70 tỉ đồng/năm. Trang trại đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập bình quân từ 8 - 20 triệu đồng/người/tháng.

Muốn đi xa hãy đi cùng nhau

Cũng đam mê với nông nghiệp sạch, anh Nguyễn Hồng Quyết đã từ bỏ công việc của một kỹ sư điện tử, quản lý dây chuyền sản xuất với hàng chục công nhân và mức lương đáng mơ ước ở TP HCM để xây dựng thành công thương hiệu HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long tại xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Mỗi năm, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long do anh Quyết làm chủ đạt doanh thu hàng chục tỉ đồng.

Anh Quyết cũng quan niệm "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau", do vậy sau nhiều lần trồng dưa lưới thất bại, anh đã nghĩ ngay đến câu chuyện liên kết nông dân trong sản xuất và tiêu thụ. Anh thành lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long và khuyến khích bà con trồng dưa lưới theo mô hình của HTX, đồng thời bao tiêu sản phẩm.

Vườn dưa lưới của anh Nguyễn Hồng Quyết

Từ 7 xã viên, với diện tích 2 ha ban đầu, đến nay, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long có 73 xã viên, diện tích 20 ha. Không chỉ ở địa bàn tỉnh Bình Dương, HTX còn liên kết với một số nông dân ở các tỉnh khác như Bình Phước, An Giang, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo anh Quyết, dưa lưới của HTX được trồng bằng cách áp dụng công nghệ cao, trong nhà màng theo công nghệ Israel. Xung quanh nhà màng có lưới ngăn côn trùng gây hại từ bên ngoài vào, trong nhà gắn quạt đối lưu tạo điều kiện dung hòa nhiệt độ cho dưa phát triển, còn mái bằng nhựa chuyên dùng có khả năng che mưa, gió.

Thế mạnh của HTX là kỹ thuật canh tác giúp giảm giá thành và tạo ra chất lượng dưa lưới đồng đều. Trước đây, mọi người thường thấy dưa lưới được trồng bằng giá thể, ở trong bầu, trên nền trải bạt. Hiện nay, nhiều vườn dưa lưới ở huyện Phú Giáo trồng trên đất. Vì trong đất có nhiều dinh dưỡng trung, vi lượng hơn là trong giá thể. Việc cung cấp dinh dưỡng vào giá thể đôi khi không đầy đủ.

Từ năm 2020 đến nay, dưa lưới của HTX này đạt sản lượng trung bình khoảng 1.500 tấn/năm, doanh thu khoảng 45 tỉ đồng/năm. Dưa lưới của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long đang phân phối vào các hệ thống siêu thị lớn trong Nam cũng như ngoài Bắc, hiện đối tác chính của HTX là siêu thị Big C, Bách Hóa Xanh và chuỗi siêu thị minimart tại Hà Nội. Sản phẩm của HTX đã đạt chứng nhận GlobalGAP và tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Nhờ sự kiên trì, đam mê làm nông nghiệp sạch, anh Nguyễn Hồng Quyết (phải) không chỉ thành công với cây dưa lưới, mà còn giúp bà con nông dân trồng dưa lưới đổi đời

Anh Nguyễn Hồng Quyết hiện không chỉ là Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long mà anh còn đảm nhận vị trí Chi hội phó Chi hội Nông dân tỉ phú Bình Dương - nơi tập hợp các nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi trên toàn tỉnh. Chi hội chính là cầu nối cùng toàn thể hội viên nông dân đồng hành đưa nông sản Bình Dương vươn ra thị trường.

Nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ông Đỗ Ngọc Huy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương, cho biết toàn tỉnh có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao, tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt đạt khoảng 5.763 ha; diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 172 ha, cùng với 47 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 18 nhãn hiệu tập thể, tiêu biểu...

Theo ông Võ Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, tỉnh này có thế mạnh và nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh đào tạo nghề, cung cấp cho nông dân kiến thức để thực hành sản xuất hiện đại, giúp họ thay đổi kỹ năng sản xuất, hình thành tư duy thị trường, năng lực tiếp nhận và ứng dụng công nghệ, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch đến tay người tiêu dùng" - ông Bông khẳng định.

Bài và ảnh: Nguyên Thảo

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/tang-gia-tri-san-pham-nho-san-xuat-sach-20230917203806918.htm