Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm

Trong những năm qua, nguồn nước cấp cho đô thị đã và đang bị suy thoái, sức ép từ các nguồn nước thải cũng là vấn đề đặt ra nhiều thách thức. Để triển khai các giải pháp về bảo vệ môi trường đô thị một cách bền vững, đồng bộ, thì tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm là giải pháp quan trọng.

Sông hồ cần có nhiều giải pháp tích cực để làm giảm ô nhiễm mặt nước. Ảnh: T.A

Ô nhiễm sông hồ phức tạp, ngập úng gia tăng

Theo báo cáo hiện trạng quốc gia 2016 chuyên đề môi trường đô thị mới công bố, nước mặt khu vực đô thị (KVĐT), đặc biệt là nước mặt ở các sông, hồ, kênh mương nội thành, nội thị hầu hết bị ô nhiễm do tiếp nhận chất thải từ các hoạt động phát triển đô thị, khả năng làm sạch thấp, nhiều hồ đã trở thành nơi chứa nước thải cho các khu vực xung quanh.

Nhiều sông nội thành vẫn là các kênh dẫn nước thải, các sông lớn chảy qua khu vực nội đô chất lượng nước cũng suy giảm. Môi trường nước chủ yếu bị ô nhiễm các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và ô nhiễm vi sinh. Nguyên nhân chủ yếu là do các khu vực này phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải sinh hoạt đô thị chưa được xử lý hoặc chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tình trạng ngập tại nhiều đô thị không những không được cải thiện mà còn có xu hướng mở rộng và gia tăng.

Nguyên nhân là do các khu vực nội thị cũ đều được đầu tư, xây dựng thêm nhiều nhà cao tầng trên cơ sở hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũ xuống cấp nhưng chưa được đầu tư, nâng cấp cải thiện tương xứng với yêu cầu phát triển; các khu vực đô thị mới, mở rộng với những quy hoạch không tính toán đầy đủ việc tiêu thoát nước tổng thể cho cả vùng dẫn đến các khu đô thị mới ngăn cản hoặc làm chậm tốc độ thoát nước của các khu đô thị cũ.

Thêm nữa, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thiên tai, thời tiết khiến tình trạng ngập úng tại các đô thị diễn ra thường xuyên hơn với mức độ ngày càng trầm trọng. Đặc biệt, tại các đô thị ven biển, do chịu thêm tác động của triều cường nên tình trạng ngập úng không chỉ phổ biến mà kéo dài hơn các đô thị khác. Điển hình như TP Hồ Chí Minh, úng ngập do triều cường diễn ra nhiều hơn, phạm vi cũng mở rộng hơn, mức độ nghiêm trọng có xu hướng tăng lên...

Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề nổi cộm trên, cần từng bước cải tạo, khắc phục ô nhiễm tại các sông, hồ, kênh mương nội thành bằng các biện pháp nạo vét, khơi thông dòng chảy. Đối với các hồ nội thành, cần tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm như xây dựng hệ thống cống xung quanh hồ để thu gom nước thải sinh hoạt, dịch vụ; cải tạo đảm bảo vệ sinh lòng hồ, tăng cường quá trình tự làm sạch trong hồ.

Tháng 4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2050. Theo đó, các giải pháp tổng thể chi tiết đối với việc nâng cấp hệ thống thoát nước tại các đô thị như bổ sung công trình tách nước thải đối với các đô thị đã có hệ thống thoát nước chung, xây dựng hệ thống thoát nước riêng với các đô thị mới; nước mưa được thu gom, xử lý và tái sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các ao hồ điều hòa nước mưa, góp phần giảm úng ngập cục bộ cho các đô thị.

Ngập úng tại Hà Nội chưa được giải quyết căn bản, nhất là trong mùa mưa. Ảnh: T.A

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm

Cùng với các giải pháp về hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị và quy hoạch đô thị gắn với phát triển bền vững; nâng cao năng lực quản lý... thì giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm được nhiều ý kiến nhấn mạnh.

Theo đó, cần rà soát, đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, đặc biệt các dự án ở gần các khu vực đô thị, tập trung đông dân cư hay có hệ sinh thái nhạy cảm. Tập trung thanh tra, kiểm tra các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200m3/ngày đêm.

Đồng thời, thực hiện tổng điều tra, đánh giá phân loại các nguồn thải, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải. Tiếp tục tăng cường hệ thống quan trắc, cảnh báo về môi trường tại các vùng, các khu vực tập trung nhiều nguồn thải.

Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng yêu cầu, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tập trung xử lý triệt để, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư; xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các khu đô thị, khu dân cư tập trung.

Hoàn thành việc phê duyệt, rà soát phê duyệt lại theo thẩm quyền quy hoạch quản lý chất thải rắn; tổ chức thực hiện ngay các quy hoạch đã được duyệt; điều tra, đánh giá, khoanh vùng và có kế hoạch xử lý các khu vực ô nhiễm tồn lưu trên địa bàn, đặc biệt là các khu vực gần hoặc nằm trong khu vực dân cư, đô thị.

Tràng An

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/tang-cuong-thanh-tra-kiem-tra-kiem-soat-o-nhiem_t114c1143n123296