Tăng cường quản lý việc cấp phép và khai thác khoáng sản

ĐBP - Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo sát sao các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương chú trọng thực hiện chính sách pháp luật về cấp phép khai thác khoáng sản và khai thác tận thu khoáng sản, đảm bảo các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động thăm dò, khai thác đúng quy định, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.

Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cấp phép khai thác khoáng sản và khai thác tận thu khoáng sản tại mỏ đá Tây Trang 7, xã Na Ư (huyện Điện Biên).

Từ năm 2017 - 2019, UBND tỉnh đã cấp 4 giấy phép thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng; 8 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng; điều chỉnh 2 giấy phép khai thác khoáng sản, cho phép chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản đối với 1 giấy phép; thu hồi khoáng sản trong phạm vi đất công trình đối với 10 vị trí (đến nay trên địa bàn tỉnh chưa cấp giấy phép tận thu khoáng sản). Tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thu nộp ngân sách Nhà nước 23,682 tỷ đồng. Sản lượng khai thác đối với đá vôi xi măng đạt 360.260m3; đá làm vật liệu thông thường 1.194.525m3; cát làm vật liệu thông thường 106.496m3; chì, kẽm 10.460 tấn; than 18.840 tấn.

Ông Nguyễn Đăng Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Việc thực hiện chính sách pháp luật về cấp phép khai thác khoáng sản và khai thác tận thu khoáng sản được Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đúng quy định. Hàng năm, Sở thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản. Các doanh nghiệp, đơn vị được kiểm tra cơ bản thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính có liên quan như: Nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền ký quỹ môi trường hoặc tiền thuê đất… Đối với tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, thời gian qua Sở đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Huyện Điện Biên có đa dạng các loại khoáng sản, có nhiều điểm mỏ được cấp phép thăm dò, khai thác, cũng là địa bàn có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nhiều nhất. Những năm qua, UBND huyện đã nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của UBND tỉnh, đồng thời chỉ đạo UBND các xã thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Năm 2018, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 trường hợp vi phạm Luật Khoáng sản 2010, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 100 triệu đồng. Năm 2019, UBND huyện Điện Biên thành lập Đội công tác liên ngành kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động khai thác, vận chuyển cát làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn.

Công ty TNHH Lâm My được UBND tỉnh cấp quyền khai thác khoáng sản theo Quyết định số 462/QĐ-UBND ngày 26/5/2017 (thời hạn giấy phép 7 năm), loại khoáng sản được phép khai thác là cát xây dựng các loại; diện tích khu vực khai thác 1,23ha; mức sâu khai thác 4m; trữ lượng được phép khai thác gồm trữ lượng địa chất 55.544,7m3 và trữ lượng khai thác 48.190m3; địa điểm mỏ thuộc xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên). Đến nay, trữ lượng khai thác ước đạt 28.953,3m3, khối lượng sản phẩm phụ thu hồi được 1.470m3 đất, tổng khối lượng khoáng sản đã tiêu thụ 16.939,3m3, tổng doanh thu đạt trên 6,1 tỷ đồng. Đại diện Công ty TNHH Lâm My cho biết: Những năm qua, đơn vị đã thực hiện nghiêm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước: Nộp thuế tài nguyên 793 triệu đồng; phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản 136 triệu đồng; tiền thuê đất 39 triệu đồng; thuế GTGT 163 triệu đồng; tiền ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản 53 triệu đồng; tiền cấp quyền khai thác 398 triệu đồng.

Bài, ảnh: Nhật Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/179726/tang-cuong-quan-ly-viec-cap-phep-va-khai-thac-khoang-san