Tăng cường phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học

Hiện nay, thực trạng sử dụng các sản phẩm thuốc lá vẫn còn xảy ra trong và ngoài nhà trường, nhất là các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có dấu hiệu gia tăng.

Thầy Nguyễn Văn Lực - giáo viên Trường THCS Trịnh Phong (huyện Diên Khánh) cho biết, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) được nhà trường chú trọng triển khai nhiều năm qua. Các hoạt động truyền thông được thực hiện thông qua những buổi học ngoại khóa nhằm giúp học sinh nhận thức được hậu quả của việc hút thuốc lá, hướng tới xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn. Tuy nhiên, thực trạng đáng quan tâm hiện nay là một số thanh thiếu niên đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Ở lứa tuổi học sinh, khi hút các sản phẩm thuốc lá mới này sẽ dẫn đến tình trạng nghiện thuốc lá, người hút sẽ gặp phải những căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và tương lai sau này.

Truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho học sinh Trường THCS Trịnh Phong.

Ngày 1-12-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 3974 về việc phê duyệt tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép PCTHCTL trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp THCS. Theo đó, tài liệu sẽ được sử dụng làm tài liệu tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường THCS. “Theo tài liệu này, nhà trường sẽ triển khai lồng ghép nội dung giáo dục PCTHCTL vào các chủ đề, bài học của môn học hay các hoạt động giáo dục có liên quan. Qua đó, giúp học sinh hiểu, nhận diện được các tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với sức khỏe; tác hại đến môi trường, kinh tế - xã hội; hình thành thái độ, ứng xử, hành vi đúng đắn, tích cực trong PCTHCTL đối với sức khỏe của mình trong gia đình và cộng đồng; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, không khói thuốc lá”, thầy Nguyễn Văn Lực chia sẻ.

Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thuốc lá điện tử là thiết bị sử dụng pin làm nóng dung dịch để tạo ra khí, khói cho người dùng hít vào, chứa chất tạo mùi. Thành phần chính của dung dịch gồm có nicotin, chất propylene glycol và các chất tạo hương vị. Có ít nhất 60 hợp chất hóa học trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác tạo ra khi đốt cháy. Nicotin là chất gây nghiện cao, gây tăng nhịp tim, co thắt mạch máu ở tim và tăng huyết áp; ảnh hưởng đến sự phát triển và di căn của khối u, có khả năng thúc đẩy, hình thành các khối u. Các chất glycerin, propylene glycol khi đun nóng, hóa hơi sẽ tạo thành propylene oxide là chất gây ung thư. Ngoài ra, còn có các hóa chất, hợp chất thơm đa vòng, chất gây ra ung thư như: Nitrosamines, ancrolein, formaldehyde, hydroxycarbongls, phân tử ultrafine…; một số kim loại như: Chì, bạc, crom, nikel, formaldehyde có hàm lượng tương đương hoặc cao hơn so với thuốc lá thông thường. Để tạo mùi vị hấp dẫn thu hút người sử dụng, nhất là giới trẻ, các nhà sản xuất còn sử dụng rất nhiều loại hương liệu có mùi vị như: Bạc hà, táo, cam, chanh… trong thuốc lá điện tử. Bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết: “Hiện nay, Luật PCTHCTL không quy định về các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Vì vậy, các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam”.

Theo ghi nhận từ Tổ chức Y tế thế giới về thuốc lá điện tử, thuốc lá đun nóng, các loại thuốc lá này có khoảng 20.000 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe. Các hương liệu này có thể che giấu độ gắt của nicotin, làm cho sản phẩm dễ chịu hơn, dễ hít. Vì thế, theo khuyến cáo của các bác sĩ, việc hút thuốc lá điện tử, thuốc lá đun nóng cũng gây nhiều tác hại đến sức khỏe, kinh tế cho người sử dụng như hút thuốc lá truyền thống.

NGUYỄN THỊ QUẾ LÂM
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/202308/tang-cuong-phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la-trong-truong-hoc-e3a7861/