Tăng cường phòng, chống mại dâm

Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống mại dâm và đạt được kết quả tích cực. Đứng trước tình hình hoạt động mại dâm vẫn còn diễn biến phức tạp, các ngành chức năng luôn xác định công tác tuyên truyền, kiểm tra và đấu tranh xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm là nhiệm vụ chính trong thời gian tới.

Triển khai nhiều giải pháp

Hàng tuần, Đội Công tác xã hội tình nguyện xã Diên Điền (huyện Diên Khánh) phân công nhiệm vụ cho các thành viên trực tiếp đến các quán cà phê, giải khát, quán ăn, chợ, nơi tập trung đông người để phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống mại dâm và ma túy. Ông Cao Trung Nguyên - Đội trưởng Đội Công tác xã hội tình nguyện xã Diên Điền cho biết, cùng với tăng cường hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đội còn chủ động phối hợp theo dõi, nắm chắc những đối tượng, người có nguy cơ cao hoạt động mại dâm, nghiện ma túy và người thân của họ để chủ động tiếp cận tư vấn, tuyên truyền, thuyết phục từ bỏ hành vi sai trái. Những việc làm của đội đã góp phần giữ vững địa bàn trong sạch, không có tệ nạn mại dâm, người hoạt động mại dâm, tình hình an ninh trật tự luôn được đảm bảo.

Các thành viên Đội Công tác xã hội tình nguyện xã Diên Điền phát tờ rơi, tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma túy cho người dân trên địa bàn.

Theo ông Phạm Đức Tân - Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm qua, toàn tỉnh đã tập trung vào công tác tuyên truyền nhằm làm chuyển biến nhận thức của nhân dân về phòng, chống mại dâm. Công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức, lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; vận động chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ký cam kết không vi phạm. Các xã, phường, thị trấn đã chú trọng xây dựng mô hình lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Đồng thời, duy trì mô hình 4 câu lạc bộ niềm tin, với 120 thành viên để tiếp cận hỗ trợ về vay vốn, y tế, trợ giúp pháp lý… tại các địa phương, tạo sự chuyển biến cho đối tượng và giảm sự kỳ thị của cộng đồng.

Bên cạnh đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội còn triển khai mô hình điểm về “Hỗ trợ tăng cường năng lực nhóm đồng đẳng người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và can thiệp giảm hại phòng, chống bạo lực giới”; “Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, cơ sở trợ giúp xã hội”. Qua đó, đã giúp cho 200 người tiếp cận sử dụng dịch vụ y tế, 60 người sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý, 32 người được tư vấn học nghề. Đồng thời, qua các mô hình từng bước cảm hóa thay đổi nhận thức, hành vi của người bán dâm. Ngoài ra, ngành còn hỗ trợ cho 16 người bán dâm hoàn lương vay 266 triệu đồng để có vốn làm kinh tế. Qua kiểm tra, hầu hết người vay sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả, trả lãi và gốc đúng quy định.

Cùng với đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra, triệt phá ổ nhóm, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến mại dâm được các ngành chức năng triển khai quyết liệt. Trong đó, lực lượng công an đẩy mạnh công tác đấu tranh triệt phá các ổ nhóm mại dâm; Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh và các cấp (Đội Kiểm tra liên ngành 178) kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở dịch vụ có điều kiện môi trường dễ phát sinh mại dâm.

Tập trung tuyên truyền kết hợp kiểm tra, xử lý

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, qua nắm bắt tình hình, hiện nay, số người nghi vấn hoạt động mại dâm trên địa bàn khoảng 500 người và đa số từ các địa phương khác đến. Đặc biệt, thông qua các ứng dụng mạng xã hội, các đối tượng hoạt động mua bán dâm dưới dạng nhóm kín với phương thức rất tinh vi, khó phát hiện, gây khó khăn trong công tác đấu tranh, triệt phá. Trên địa bàn tỉnh có hơn 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, môi trường dễ phát sinh tệ nạn xã hội, trong đó có 1.900 cơ sở lưu trú; 150 nhà hàng karaoke, massage; 5 vũ trường. Trong khi việc quản lý, giám sát số đối tượng hoạt động mại dâm rất khó, vì đối tượng luôn thay đổi địa bàn hoạt động và không đủ cơ sở để xác định là người có hành vi bán dâm. Phương thức hoạt động mại dâm phổ biến vẫn là lợi dụng các dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, karaoke, massage, các trang mạng xã hội… để giao dịch, hoạt động.

Để tăng cường phòng, chống mại dâm, thời gian tới, toàn tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phòng ngừa, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn thể nhân dân trong công tác phòng, chống mại dâm, trong đó chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhóm người có hành vi nguy cơ cao làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Đồng thời, lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm với các chương trình an sinh xã hội ở địa phương, như: Chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, dạy nghề; công tác phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người. Các cấp, ngành, địa phương cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xã hội đối với các cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện, như: Massage, vũ trường, bar, khách sạn; chủ động làm tốt các biện pháp nghiệp vụ, bao gồm cả việc giám sát thông tin trên không gian mạng. Cùng với các hoạt động nghiệp vụ của ngành công an, đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp sẽ mở rộng hoạt động kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh dịch vụ để xảy ra hoạt động mại dâm, trong đó chú trọng kiểm tra đột xuất.

Từ năm 2013 đến nay, lực lượng công an đã kiểm tra, phát hiện 47 vụ, 244 đối tượng hoạt động mại dâm, qua đó khởi tố 37 vụ, 62 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 10 vụ, 182 đối tượng với số tiền 115,7 triệu đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh đã kiểm tra 11 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, qua đó chấn chỉnh hoạt động 9 cơ sở, đề nghị xử phạt 2 cơ sở vi phạm hành chính với số tiền 28 triệu đồng.

PHÚ AN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202308/tang-cuongphong-chong-mai-dam-71c7a48/