TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VỚI GIÁM SÁT CỦA NHÂN DÂN

Quốc hội khóa XV đã xác định lấy đổi mới giám sát làm khâu trọng tâm, then chốt để đổi mới hoạt động. Thời gian qua, Quốc hội có nhiều hoạt động đổi mới hoạt động giám sát, với tinh thần xuyên suốt là giám sát để đồng hành, kiến tạo phát triển; đồng thời cung cấp dữ liệu đầu vào để Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng như thực hiện nhiệm vụ lập pháp... Quốc hội cũng rất chú trọng phối hợp với hoạt động giám sát của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc.

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 cũng đã quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hoạt động giám sát

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã quy định các hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Điều 27, qua đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 4 hình thức giám sát, trong đó hình thức tham gia giám sát với các cơ quan có thẩm quyền là căn cứ quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thưc hiện việc phối hợp với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các hoạt động giám sát.

Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 cũng đã quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phối hợp giám sát với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có thể được mời tham gia hoạt động giám sát; Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định chương trình giám sát hằng năm của mình căn cứ vào chương trình giám sát của Quốc hội, đề nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước; Đoàn Giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có sự tham gia của đại diện Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận…

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, Nghị quyết đại hội XII (năm 2016) của Đảng tiếp tục khẳng định: “hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của Nhân dân trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; khắc phục những hạn chế, bảo đảm tác dụng, hiệu quả thực chất của hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tạo sự đồng thuận xã hội”. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tháng 01/2021), Đảng ta nhấn mạnh cần thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Thời gian qua, giám sát của Nhân dân đối với Quốc hội thông qua thiết chế đại diện cho Nhân dân không ngừng phát huy hiệu quả. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã tích cực tham gia trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập các dự án luật phản án kịp thời những ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước trước, trong các kỳ họp Quốc hội. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của các tầng lớp Nhân dân về dự thảo các dự án luật và kịp thời chuyển đến Quốc hội những kiến nghị về giám sát của Nhân dân. Sự phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát tối cao của Quốc hội đã tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc tham gia sâu sát hơn vào hoạt động của Quốc hội, để từ đó Mặt trận có thể thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của mình.

Ông Nguyễn Túc bày tỏ vui mừng, bởi từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, hệ thống chính trị đều có sự chuyển mình một cách mạnh mẽ và những đổi mới của Quốc hội được Nhân dân thừa nhận, đã đáp ứng những nhu cầu chính đáng của Nhân dân, vì nhu cầu bức bách của việc phát triển đất nước. Vì vậy, rất nhiều phiên họp bất thường đã được tổ chức để gỡ khó cho Chính phủ trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật.

Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội khảo sát thực tế tại dự án đầu tư xây dựng đường vành đại 4 – Vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

“Đồng chí Đỗ Mười khi làm Tổng Bí thư có nói rằng: Mặt trận với Quốc hội là hai anh em sinh đôi, có Mặt trận rồi mới có Quốc hội. Tiếp đó, đồng chí Lê Khả Phiêu cũng nhấn mạnh, Mặt trận đẻ ra chính quyền, khi Cách mạng tháng 8 thành công, Mặt trận Việt Minh khởi xướng bầu cử Quốc hội đầu tiên. Như vậy, có thể nói rằng, sự gắn bó mật thiết giữa Mặt trận với chính quyền vì lợi ích chung của dân tộc. Sự đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội thời gian qua cũng tạo điều kiện cho Mặt trận phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn và sự gắn bó đó đã giúp cho Đảng ta chỉ đạo cách mạng toàn diện hơn”, ông Nguyễn Túc chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Túc, chưa bao giờ hoạt động của Quốc hội nói chung, hoạt động giám sát nói riêng chuyển động mạnh mẽ như vừa qua, vừa kế thừa những kết quả của Quốc hội khóa trước, vừa đổi mới và có những biện pháp mạnh mẽ hơn mà Nhân dân thừa nhận, đặc biệt là công tác tác giám sát của Quốc hội đã cho thấy Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và cơ quan cả đại biểu cao nhất của Nhân dân.

Tuy vậy, hoạt động giám sát của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc có lúc, có nơi còn chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức, hiệu quả pháp lý chưa cao; giám sát mới chủ yếu chỉ mới thể hiện qua các phát hiện, nêu ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đối với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Vì vậy, ông Nguyễn Túc cho rằng, công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quốc hội trong hoạt động giám sát cần được tiếp tục quan tâm và thể hiện bằng những giải pháp, hành động cụ thể, thiết thực. Trong đó, Nhân dân rất tin tưởng vào Mặt trận và Quốc hội nên những ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Quốc hội, đến Mặt trận ngày càng nhiều, đặc biệt những vấn đề bức xúc của người dân chuyển đến cơ quan dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) vàchuyển đến Mặt trận Tổ quốc Vệt Nam. Do vậy sự phối hợp của hai bên cần phải chặt chẽ hơn nữa; các bộ phận giúp việc của Ban dân nguyện và các bộ phận của Mặt trận phải thường xuyên gặp gỡ để những ý kiến của Nhân dân cùng phối hợp giải quyết một vài sự việc bức xúc nhất, qua đó rút kinh nghiệm để Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận các tỉnh, thành phố có kinh nghiệm để làm tốt, như vậy sự phối hợp sẽ thiết thực hơn.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ có thể phát huy hiệu quả cao nhất khi có sự phối hợp và thực hiện một cách đồng bộ với các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm sát của các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Đặc biệt là sự phối hợp giữa hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Bởi, hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân là hoạt động giám sát mang tính quyền lực nhà nước, và do vậy, khi được kết hợp với hoạt động giám sát mang tính xã hội của của Nhân dân sẽ tạo ra cơ chế bảo đảm cho hoạt động giám sát của Nhân dân được tiến hành hiệu quả hơn trên thực tế. Có như vậy sẽ góp phần làm cho hoạt động giám sát của Mặt trận ngày càng hiệu quả, đáp ứng những yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới.

Cùng với đó, cần tăng cường sự phối hợp thường xuyên trong việc xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi các kỳ họp của Quốc hội; giám sát, đôn đốc các cơ quan, tổ chức giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử tri và Nhân dân; phối hợp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổng kết việc thực hiện các Nghị quyết về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; hoàn thiện các quy định về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.

“Các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN; tích cực xem xét, trả lời kiến nghị từ kết quả giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định. Tăng cường sự phối hợp, có sự tham gia của đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia các hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giám sát tối cao của Quốc hội”, ông Nguyễn Hữu Dũng đề nghị.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85141