Tăng cường liên kết đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch

PTĐT - Nhiều năm trở lại đây, nguồn nhân lực của ngành 'công nghiệp không khói' ngày càng được quan tâm, đầu tư để nâng cao chất lượng, tuy vậy vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu xã hội một cách triệt để. Vì thế, cần nhiều giải pháp để tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao ...

Ngoài việc tham gia vào quá trình đào tạo, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành còn phối hợp với nhiều đơn vị, cơ sở giáo dục, dạy nghề tổ chức các cuộc thi qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành.

Ngoài việc tham gia vào quá trình đào tạo, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành còn phối hợp với nhiều đơn vị, cơ sở giáo dục, dạy nghề tổ chức các cuộc thi qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành.

>>>Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch
PTĐT - Nhiều năm trở lại đây, nguồn nhân lực của ngành “công nghiệp không khói” ngày càng được quan tâm, đầu tư để nâng cao chất lượng, tuy vậy vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu xã hội một cách triệt để. Vì thế, cần nhiều giải pháp để tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch. Một trong những giải pháp hiệu quả đã được minh chứng là có sự tham gia của doanh nghiệp trong việc liên kết đào tạo.
Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Phú Thọ có cuộc trò chuyện với ông Trần Thanh Sơn-Tổng Giám đốc Khách sạn Sài Gòn- Phú Thọ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh.

Được biết, Khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ mới đi vào hoạt động với tiêu chuẩn 4 sao, nằm trong hệ thống Công ty Sài Gòn Tourist. Khách sạn có gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng nhân sự, lao động không thưa ông?
Khách sạn Sài Gòn- Phú Thọ là một phần của Công ty cổ phần Du lịch, Dịch vụ và Thương Mại Phú Thọ. Ở mảng du lịch, chúng tôi cung cấp các dịch vụ về khách sạn, phòng nghỉ, nhà hàng, hội nghị… và lữ hành là liên kết với hệ thống để cung cấp tour thăm quan, nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Cung cấp nhiều dịch vụ với quy mô khá lớn như vậy nên cần số lượng lao động đông. Để khách sạn đi vào hoạt động, đảm bảo thông suốt việc cung cấp các dịch vụ, công tác tuyển dụng, đào tạo nhân lực đã được chúng tôi thực hiện bài bản. Du lịch có thể được xem là ngành kinh tế “mới nổi” ở Phú Thọ nên thực sự chưa có nhiều bạn trẻ yêu thích, ham mê lĩnh vực này; vì thế có tới 70 - 80% lao động chưa được đào tạo chuyên môn liên quan đến vị trí, việc làm khi được tuyển dụng. Do đó, sau khi được tuyển dụng, chúng tôi đã tổ chức cho họ tham gia đào tạo tại các lớp ngắn hạn và tập huấn ở một số khách sạn của hệ thống để hướng dẫn trực tiếp, dạy việc. Đó là ở những vị trí việc làm đơn giản, còn ở những cấp cao hơn như quản lý thì quá trình tuyển dụng khắt khe hơn nhiều, nếu chưa đáp ứng yêu cầu, Công ty sẽ cử người đảm nhiệm.Từ thực tế đơn vị mình, ông rút ra được vấn đề gì cần khắc phục?
Theo nhận định của cá nhân tôi, du lịch là ngành khá mới cho lao động ở Phú Thọ. Bởi vậy, số lượng các bạn trẻ theo học ngành này cũng chưa thực sự đông; trong khi đó, nhiều em đăng ký học theo cảm tính chứ không xuất phát từ sở thích hay sự nhạy bén về thị trường lao động, điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình các bạn tham gia học cũng như làm nghề sau này. Đối với lao động chưa qua đào tạo, dù có thái độ cầu thị, chăm chỉ, nhưng chưa thực sự có đam mê và chủ động phản hồi, tiếp nhận công việc nên chất lượng làm việc chưa cao, đi theo một khuôn mẫu có sẵn, trong khi đó, đối với ngành du lịch sự đổi mới, sáng tạo là không ngừng dù ở khâu nào. Có quan điểm cho rằng: Nhân lực cho ngành du lịch “thừa vẫn thừa và thiếu vẫn thiếu”. Quan điểm này có đúng không?
Tôi đồng quan điểm với nhận định này. Trong thời gian qua, những vấn đề xoay quanh chất lượng nguồn nhân lực du lịch trở thành đề tài “nóng hổi” trong các cuộc hội thảo. Nắm bắt xu hướng phát triển của ngành du lịch, vài năm gần đây, nhiều sinh viên bắt đầu theo học tại các trường. Tuy nhiên, sau khi ra trường, lại gặp phải khó khăn trong tìm kiếm việc. Nguồn cung nhiều nhưng nhu cầu vẫn thiếu. Thiếu ở đây là thiếu một lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng. Hầu hết các đơn vị lữ hành hiện nay đều phải đầu tư đào tạo cho nguồn nhân lực mới khi tuyển dụng. Đó là chưa kể đến khâu đào tạo lại, đào tạo bổ sung bởi mỗi doanh nghiệp có một nét văn hóa riêng, do đó việc để các bạn sinh viên mau chóng hòa nhập vào môi trường doanh nghiệp là điều đương nhiên. Tuy nhiên, đây là một vấn đề bất cập trong khâu đào tạo tại các trường.Trước sự bất cập đó thì việc tham gia liên kết, phối hợp trong quá trình đào tạo giữa các doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục là cần thiết?
Đúng vậy, nếu thúc đẩy mối quan hệ hợp tác liên kết này sẽ giúp cho các trường đại học tháo gỡ được các vấn đề về tài chính, đào tạo sát với yêu cầu thực tiễn, giúp cho các doanh nghiệp đạt được những ưu thế cạnh tranh trong thị trường lao động, có được những đội ngũ lao động vững về chuyên môn và vượt qua được những thách thức cạnh tranh khốc liệt. Còn đối với các trường đại học sẽ được các doanh nghiệp tham gia, hỗ trợ và tư vấn để có thể xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng. Các doanh nghiệp khi tăng cường liên kết, hợp tác với các trường đại học sẽ có bước “lọc” để chọn ra những em thực sự yêu thích, đam mê và hiểu ngành học của mình, từ đó tạo tiền đề tốt trong quá trình học tập và làm việc sau này, mặt khác sẽ yên tâm vì có một đội ngũ nhân lực có chất lượng, phù hợp với nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu thực tế. Không chỉ vậy, theo tôi, việc tăng cường liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo giúp doanh nghiệp có thể phát triển được mô hình đào tạo tại chỗ theo đơn đặt hàng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa mang lại hiệu quả cao, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp. Còn đối với doanh nghiệp chúng tôi, từ năm 2019 cũng đã liên kết với một số đơn vị đào tạo trên địa bàn tỉnh như: Trường Đại học Hùng Vương, Cao đẳng Nghề… trong quá trình đào tạo.Việc liên kết đào tạo đã mang lại những lợi ích rõ rệt, nhưng để việc liên kết bền vững và hiệu quả thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp?
Thực tế, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đều nhìn thấy những lợi ích của việc liên kết, song để thực hiện có hiệu quả đòi hỏi sự chia sẻ lâu dài của cả hai bên nhằm chung tay xây dựng chiến lược rõ ràng trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. Nếu cứ để sinh viên tới doanh nghiệp thực tập theo cách ngồi xem người của doanh nghiệp làm việc thì sẽ không thể đạt hiệu quả. Cần đưa sinh viên vào việc, cho họ môi trường để họ làm quen và hiểu rõ công việc thực tế. Doanh nghiệp phải bố trí người có năng lực đào tạo để hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên trong quá trình thực tập.Bên cạnh đó, cũng nên mở rộng nhiều hình thức hợp tác để tăng cường, nâng cao chất lượng đào tạo. Đối với doanh nghiệp, có thể cùng tham gia đào tạo bằng cách đánh giá, phản biện nội dung chương trình để nhà trường cải tiến, chỉnh sửa phù hợp thực tế; cử các cán bộ doanh nghiệp có kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy trong giờ học ngoại khóa tại nhà trường hoặc doanh nghiệp. Đối với cơ sở đào tạo, cần thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình theo hướng linh hoạt trên cơ sở đáp ứng chuẩn đầu ra phù hợp yêu cầu doanh nghiệp. Để mối liên kết này bền vững, hiệu quả, cần vai trò kết nối chặt chẽ của các đầu tàu là Hiệp hội Đào tạo du lịch và các Hiệp hội Khách sạn, Lữ hành… nhằm kiến tạo môi trường giúp các chủ thể là cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch có điều kiện hợp tác trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực.Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Lệ Oanh (Thực hiện)

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/du-lich-le-hoi/202003/tang-cuong-lien-ket-dao-tao-nguon-nhan-luc-nganh-du-lich-169529