Tăng cường liên kết, chia sẻ lợi ích

Việt Nam đã nhập khẩu 67.131 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn

(HNM) - Tính đến cuối năm 2019, Hà Nội đã phát triển được gần 60 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ trong chăn nuôi. Để xây dựng và phát huy hơn nữa hiệu quả của mô hình này, cần có nhiều giải pháp, đặc biệt là tăng cường tính liên kết, chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp với hộ dân, hợp tác xã...

Trang trại gà của một thành viên Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn).

Hiệu quả thiết thực

Mô hình nuôi gà đồi theo chuỗi từ sản xuất, giết mổ đến sơ chế, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm ở huyện Sóc Sơn đã mang lại hiệu quả tích cực. Theo ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, hệ thống chuỗi sản xuất, tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn có 30 thành viên, mỗi ngày cung cấp cho thị trường từ 2 đến 3 tấn thịt gà. Do kiểm soát từ con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi, xử lý môi trường nên gà đồi Sóc Sơn có chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và ký kết được hợp đồng với nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn.

Cũng với mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và liên kết cùng các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, trang trại của ông Nguyễn Đình Tường ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) đang nuôi 2.000 con lợn. Ông Nguyễn Đình Tường cho biết, trung bình mỗi ngày trang trại bán ra thị trường 3 tấn thịt lợn sạch với giá cả ổn định. Không chỉ nâng cao hiệu quả về kinh tế, việc sản xuất theo chuỗi khép kín còn bảo đảm an toàn dịch bệnh. Năm 2019 khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp thì trang trại của gia đình ông vẫn giữ được tổng đàn và phát triển ổn định.

Không chỉ các hộ sản xuất theo chuỗi có thu nhập ổn định, mà các doanh nghiệp liên kết cũng bảo đảm được nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường. Theo ông Nguyễn Thái Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn bữa ăn An Toàn, từ việc liên kết với một số trang trại trong và ngoài thành phố, trung bình mỗi tháng công ty cung cấp 30-50 tấn thịt lợn và một số sản phẩm thịt chế biến như: Xúc xích, giò, chả... ra thị trường. Đồng thời, giá lợn hơi giữ ổn định từ 85.000 đồng/kg đến 88.000 đồng/kg, trong khi có thời điểm giá lợn hơi trên thị trường tăng lên 92.000-95.000 đồng/kg.

Đánh giá về hiệu quả của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, năm 2019 Hà Nội đã phát triển được 138 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó lĩnh vực chăn nuôi có gần 60 chuỗi. Việc sản xuất theo chuỗi không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, giải quyết hiệu quả bài toán “được mùa mất giá” cho các hộ dân mà còn có thể chủ động nguồn cung cho thị trường, cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Cần tăng sự gắn kết

Thực tế cho thấy, Hà Nội đã xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi liên kết như: Gà đồi Ba Vì (huyện Ba Vì); trứng vịt Liên Châu (huyện Thanh Oai); chăn nuôi lợn hữu cơ Bảo Châu (huyện Sóc Sơn)... mang lại giá trị kinh tế cao, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp an toàn, kiểm soát được chất lượng, giá bán trên thị trường… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều mô hình vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, mà nguyên nhân không mới.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, hộ sản xuất thịt lợn sinh học ở xã Vân Tảo (huyện Thường Tín), hiện nay người chăn nuôi và doanh nghiệp dường như vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc chia sẻ lợi ích, cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh. Các hộ chăn nuôi chưa chú ý tới việc liên kết mà vẫn mạnh ai nấy làm... Không ít trang trại, doanh nghiệp đã liên kết với hộ sản xuất để cung cấp thịt lợn sạch ra thị trường, nhưng hộ sản xuất vẫn bán ra ngoài khi giá cao hơn, gây khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ. Để sản xuất theo chuỗi thực sự phát huy hiệu quả, ông Đào Ngọc Nam - Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại An Việt đề xuất, chính quyền địa phương nên tổ chức lại các hợp tác xã chăn nuôi làm đầu mối kết nối với các doanh nghiệp, qua đó, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cho các hộ. Mặt khác, doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể về thị trường để thu mua với số lượng ổn định và cùng chia sẻ lợi ích, rủi ro với hộ chăn nuôi khi giá thực phẩm xuống thấp...

Về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Đặng Viết Xuân chia sẻ thông tin, để phát triển 8 chuỗi chăn nuôi trên địa bàn, huyện thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối, đưa doanh nghiệp về tìm hiểu, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, huyện hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, đưa đi trưng bày, quảng bá ở các hội chợ để tìm kiếm đối tác, ký hợp đồng trao đổi hàng hóa... Đây là kinh nghiệm hay có thể nhân rộng ở nhiều địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, năm 2019, việc sản xuất theo chuỗi, đặc biệt là chuỗi về chăn nuôi lợn đã phát huy hiệu quả, không chỉ kiểm soát được dịch bệnh mà còn ổn định giá bán ra thị trường. Trong năm 2020, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu thành phố có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng chuỗi, tập trung đều ở các khâu sản xuất, chế biến và thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt ngành Nông nghiệp sẽ làm đầu mối để lựa chọn doanh nghiệp có tâm huyết, khả năng đầu tư xây dựng chuỗi liên kết, chia sẻ lợi ích với các hộ dân và gắn các chuỗi với cơ sở giết mổ, sơ chế đóng gói bảo đảm an toàn thực phẩm.

Khi xây dựng được mô hình liên kết cụ thể, rõ ràng; khi nông dân và doanh nghiệp thấy được lợi ích, chắc chắn các chuỗi liên kết trong chăn nuôi sẽ phát triển, phát huy hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh, vừa cung cấp đủ nguồn thực phẩm cho thị trường.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/954992/tang-cuong-lien-ket-chia-se-loi-ich