Tăng cường kiểm tra, giám sát xe đưa đón học sinh

Việc đảm bảo các điều kiện an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông bằng xe đưa đón học sinh luôn là vấn đề được các bậc phu huynh quan tâm mỗi khi bước vào năm học mới. Để phòng tránh các sự việc đáng tiếc xảy ra đòi hỏi công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xuyên suốt từ các cơ quan chức năng, các sở, ngành trên địa bàn tỉnh.

Xe chở học sinh Trường THCS Long Bình (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) trong quá trình lưu thông mở cửa sổ, học sinh thường thò đầu, tay ra ngoài mất an toàn khi di chuyển. Ảnh: T.Hải

Bộ GT-VT đã quy định xe chở học sinh là loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và phải thuộc các đơn vị vận tải đã được Sở GT-VT cấp giấy phép kinh doanh, xe được cấp phù hiệu, gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định, tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm quy định này.

* Cần giám sát chặt chẽ

Theo Sở GT-VT, qua công tác quản lý, phối hợp kiểm tra xe đưa đón học sinh trong năm học 2019-2020, các ngành chức năng đã phát hiện, lập biên bản xử lý 387 trường hợp, tạm giữ 12 phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe của 22 trường hợp. Nghiêm trọng hơn, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ học sinh bị rơi khỏi xe ô tô đưa đón sau giờ tan trường. Dù các em chỉ bị xây xát nhẹ và vụ việc đã được ngành chức năng xác minh, xử lý kịp thời nhưng qua đó cho thấy hạn chế trong công tác phối hợp tổ chức, quản lý hoạt động đối với loại hình này.

Thực tế hiện nay, nhu cầu đối với xe đưa đón học sinh rất lớn. Các gia đình có điều kiện kinh tế thì thuê những chiếc xe chất lượng tốt để đưa đón con em mình, còn những gia đình có mức thu nhập trung bình thì đành chấp nhận những phương tiện kém về chất lượng.

Đảm bảo phòng dịch Covid-19 khi đưa đón học sinh bằng xe ô tô

Ngoài nâng cao công tác quản lý, giám sát nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, sở, ngành tăng cường các biện pháp đảm bảo phòng dịch Covid-19 đối với phương tiện ô tô đưa đón học sinh; bảo vệ sức khỏe cho học sinh khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe.

Chị Nguyễn Thị Huyền (ngụ KP.5, P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, cả hai vợ chồng đều đi làm công nhân, không có thời gian để đưa đón con nên đành nhờ xe dịch vụ với mỗi tháng trả 350 ngàn đồng. Sau các vụ việc để quên học sinh trên xe, xe đang lưu thông thì làm rơi học sinh xuống đường, gia đình đều lo lắng, bất an. Nhưng do bận đi làm nên các con của chị phải đến trường và về nhà bằng xe đưa đón.

“Đường sá, giao thông rất phức tạp, nếu để con tự đi xe đạp thì lo tai nạn. Chuyển sang đi ô tô đưa đón tưởng sẽ không gặp rủi ro, nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập mà phụ huynh ai cũng mong các ngành chức năng, nhà trường phải quan tâm, giám sát triệt để” - chị Huyền nói.

Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Lưu Thị Hằng cho hay, hiệu quả mà dịch vụ này mang lại, ngoài làm giảm lượng lớn phương tiện tham gia giao thông giờ cao điểm, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông còn có thể giúp phụ huynh tiết kiệm thời gian ngày 2 buổi đưa - đón con đến trường và về nhà. Dù vậy, việc quản lý xe đưa đón đã bộc lộ nhiều bất cập.

Đến nay, các trường đều có ý thức thực hiện nghiêm túc các quy định về xe đưa đón học sinh như: xây dựng nội quy đưa đón, ban hành quyết định phân công giáo viên, cán bộ phụ trách theo dõi việc đưa đón. Các lái xe đều có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển, phương tiện đều được cấp phù hiệu theo quy định, trên xe có danh sách học sinh đưa đón hằng ngày.

* Phải siết chặt quản lý ngay đầu năm học mới

Trong năm học 2019-2020, trên địa bàn tỉnh có hơn 700 xe đưa đón học sinh, tập trung chủ yếu tại các địa phương: Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu… Đây đều là những địa phương có dân số đông, tập trung nhiều khu công nghiệp; phụ huynh học sinh đa số là công nhân, người lao động. Qua rà soát, kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 85 trường hợp không đảm bảo điều kiện hoạt động; 24 trường hợp hết hạn đăng kiểm, hết hạn sử dụng hoặc sử dụng xe tải để chở học sinh.

Nhằm quản lý tốt việc các trường thực hiện đưa đón học sinh bằng xe ô tô trong năm học 2020-2021, UBND tỉnh đề nghị UBND các địa phương, Sở GD-ĐT, Sở GT-VT, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và yêu cầu các trường học ký hợp đồng với các đơn vị vận chuyển học sinh phải bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Theo đó, các cơ sở giáo dục (từ bậc mầm non đến THPT) có tổ chức đưa, đón học sinh đến trường bằng xe ô tô phải lựa chọn đơn vị kinh doanh vận tải đủ điều kiện theo quy định; ghi rõ trong hợp đồng những yêu cầu, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe cho học sinh; phải có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, duy trì trật tự, vệ sinh, hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện quy định, kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe, khi lên, xuống xe ô tô.

UBND tỉnh yêu cầu Sở GT-VT chỉ đạo thanh tra giao thông phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng. Riêng đối với Công an tỉnh cần chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đối với phương tiện tham gia đưa đón học sinh, đặc biệt trong tháng 9 - “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường”.

Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Mạnh Hưng cho hay, trước đó, Sở GT-VT đã có tờ trình về việc tăng cường công tác phối hợp, tổ chức, quản lý hoạt động xe đưa đón học sinh vào năm học mới. Trong đó, thực hiện tăng cường kiểm tra tại các khu vực trung tâm và cả khu vực giáp ranh, vùng ven để xử lý triệt để tình trạng xe đưa đón học sinh không đảm bảo an toàn. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng xe hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn kỹ thuật đem đi chở học sinh.

Thanh Hải

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/an-toan-giao-thong/202009/tang-cuong-kiem-tra-giam-sat-xe-dua-don-hoc-sinh-3022934/