Tăng cường hợp tác giữa Vĩnh Phúc và Quảng Bình

Chiều 7/7 Đoàn công tác tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi làm việc, trao đổi kinh nghiệm giữa 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Bình.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trà Hương

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trà Hương

Dự buổi làm việc về phía tỉnh Vĩnh Phúc có các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Về phía tỉnh Quảng Bình có các đồng chí: Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; ãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Thông tin về tình hình kinh tế xã hội của Vĩnh Phúc trong những năm gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho biết: Từ xuất phát điểm là tỉnh rất nghèo, sau hơn 26 năm tái lập, Vĩnh Phúc đã có những bước tiến mạnh mẽ, trở thành một trong những trung tâm công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy của cả nước.

Trong năm 2022, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời triển khai thực hiện nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, để nhanh chóng khắc phục các khó khăn, đồng thời thực hiện hiệu quả “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ”. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển khá. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cơ bản duy trì ổn định; sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao, tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh; các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ; an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và những tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt mức tăng khá, ước tăng 9,54% so với năm trước, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2014-2022, đứng thứ 5 vùng Đồng bằng Sông Hồng và thứ 17 cả nước về tốc độ tăng GRDP. Hầu hết các chỉ số tăng trưởng của các ngành đều đạt mức cao so với mục tiêu đề ra.

Thay mặt đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan tặng quà lưu niệm cho tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Trà Hương

Thay mặt đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan tặng quà lưu niệm cho tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Trà Hương

Đặc biệt với quan điểm “Mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh” trở thành tư tưởng xuyên suốt trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Vĩnh Phúc đang thực hiện xây dựng 30 “Làng văn hóa kiểu mẫu” tại các địa phương trong tỉnh. Quá trình thực hiện luôn lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực trong xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Lấy người dân là chủ thể, là trung tâm và đối tượng được hưởng lợi chính từ thành quả xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”.

Về mục tiêu, tỉnh chủ trương xây dựng các “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc. Cùng với đó sớm hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đến hết năm 2030 có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của “Làng văn hóa kiểu mẫu” do cấp có thẩm quyền ban hành…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 4 chương trình hành động thực hiện 4 khâu đột phá nhiệm kỳ 2020 - 2025, gồm: Đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại; phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ.

Thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm trong bối cảnh tình hình vẫn còn nhiều bất ổn, khó lường; giá nhiên liệu, nguyên vật liệu cao, tín dụng thắt chặt, thị trường bất động sản trầm lắng,... đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của tỉnh. Song, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nên tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 đạt kết quả khá tích cực.

Nền kinh tế có sự tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,9% so cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiến độ và đúng lịch thời vụ, đã đưa vào sản xuất nhiều loại giống cây trồng có năng suất cao và chống chịu tốt với các điều kiện thời tiết, sâu bệnh. Hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản được tăng cường; sản lượng tăng khá, tăng 4,8% so cùng kỳ. Đẩy mạnh trồng rừng mới tập trung, tăng cường phòng chống, cháy rừng, kiểm tra, kiểm soát phá rừng trái phép. Sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng, giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 7,4% so cùng kỳ…

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tiếp tục được triển khai tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục được giữ vững, ổn định…Để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới, Quảng Bình đã xây dựng 18 nhiệm vụ trọng tâm nhằm không ngừng phát triển về kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng bộ ngày một trong sạch, vững mạnh.

Đánh giá cao những thành tích Vĩnh Phúc đạt được kể từ khi tái lập, đồng chí Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình mong muốn trong thời gian tới 2 địa phương tiếp tục thắt chặt mối liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/id/96080/tang-cuong-hop-tac-giua-vinh-phuc-va-quang-binh