Tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng

Đại đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh luôn có sự kết hợp hài hòa, quyện chặt và nhất quán giữa yếu tố dân tộc và yếu tố giai cấp. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô-tô “1-5”, ngày 19/12/1963. Ảnh: TL

(Báo Quảng Ngãi)- Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ đoàn kết, thống nhất trong Đảng “là sự thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thống nhất ý chí và hành động dựa trên đường lối cách mạng đúng đắn và những nguyên tắc tổ chức của đảng vô sản”.

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960), đoàn kết, thống nhất được quy định thành một nguyên tắc xây dựng Đảng trong Điều lệ. Đảng yêu cầu đảng viên phải giữ gìn và củng cố sự đoàn kết, thống nhất của Đảng.

Xây dựng khối đoàn kết nhân dân, giai cấp, dân tộc
Với vai trò lãnh đạo, sự đoàn kết, thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tấm gương vừa là hạt nhân quy tụ quần chứng nhân dân, giai cấp, dân tộc để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Để xảy ra mất đoàn kết trong Đảng không chỉ làm tổn hại uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, mà còn làm quần chúng nhân dân mất phương hướng, thậm chí bị chia rẽ, bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng với những hậu quả tai hại khó lường. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Từ trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Nguồn sức mạnh vô địch của Đảng
V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Vũ khí mạnh nhất của giai cấp vô sản để đấu tranh cho cách mạng xã hội chủ nghĩa là sự thống nhất của mình”. Khi sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bị phá vỡ sẽ gây tổn thất nghiêm trọng cho Đảng. V.I.Lênin khẳng định: “Một điều rõ ràng là trong một nước đang thực hiện chuyên chính vô sản, thì một sự chia rẽ trong nội bộ giai cấp vô sản hoặc giữa đảng của giai cấp vô sản với quần chúng vô sản, không phải chỉ là nguy hiểm mà còn là cực kỳ nguy hiểm, nhất là nếu trong nước đó, giai cấp vô sản lại chỉ là thiểu số nhỏ bé trong dân cư”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đoàn kết thống nhất là nguồn gốc của sức mạnh. Người chỉ rõ: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch” và khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Từ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quy định đoàn kết thống nhất là một nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, là sinh mệnh của Đảng, là “vấn đề sống còn của cách mạng”. Bảo vệ nó như “giữ gìn con ngươi của mắt” là biểu hiện lòng trung thành vô hạn đối với Đảng. Do đó, “chia rẽ, bè phái phải coi là phạm tội lớn nhất đối với Đảng”.

Tại Đại hội IV, Đảng tiếp tục khẳng định: “Truyền thống đoàn kết thống nhất của Đảng được phát huy”. Nhờ giữ vững và phát huy tốt truyền thống đoàn kết, thống nhất nên Đảng có được sức mạnh to lớn; đồng thời đã xây dựng, phát huy được sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc, huy động được sức mạnh đoàn kết quốc tế, tạo thành sức mạnh tổng hợp giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước, đất nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thực hiện nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng
Từ năm 1986 đến nay là thời kỳ Đảng ta đứng trước thách thức quyết liệt chưa từng có. Có lúc tình trạng mất đoàn kết ở một số cấp ủy, tổ chức đảng diễn biến phức tạp, song nhìn chung, Đảng vẫn giữ và phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tăng cường đoàn kết toàn dân, phát huy tốt bài học kinh nghiệm về xây dựng và phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất của Đảng trong điều kiện lịch sử mới.

Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn tình trạng mất đoàn kết nội bộ, thiếu tình đồng chí chân thành, sự thông cảm, giúp đỡ nhau. Một số nơi còn tiềm ẩn nguy cơ mất đoàn kết, không thể xem thường; bên cạnh đó không ít tổ chức đảng có biểu hiện đoàn kết xuôi chiều. Tổng kết công tác xây dựng Đảng khóa XII, Đại hội XIII của Đảng đánh giá: Một bộ phận cán bộ, đảng viên “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dựng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ”.

Tình trạng mất đoàn kết trong một số tổ chức đảng trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là: Chủ nghĩa cá nhân chi phối; sự thiếu sót trong công tác tổ chức cán bộ; việc thực hiện không nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; những thiếu sót, hạn chế trong cơ chế chính sách, sự không phù hợp về phong cách công tác của một số cán bộ với nhau...

Để tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất của Đảng cần phải quán triệt bài học kinh nghiệm công tác xây dựng Đảng trong khóa XII là: “Đặc biệt coi trọng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, trước hết trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt và cấp ủy các cấp”. Tập trung xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, bởi đây là cơ sở quan trọng nhất để xây dựng đoàn kết, xthống nhất trong Đảng. Đảng khẳng định: “Trước hết phải bảo đảm trong bất cứ tình huống nào sự thống nhất về đường lối của Đảng. Quá trình thực hiện sự thống nhất về đường lối phải là quá trình xây dựng, phát triển, cụ thể hóa đường lối một cách đúng đắn, quá trình đấu tranh để quán triệt đường lối ấy trong thực tiễn, để ngăn chặn và khắc phục những biểu hiện nhận thức lệch lạc về đường lối, cũng như để loại trừ mọi âm mưu chống đối nhằm chia rẽ hàng ngũ của Đảng”.

Cùng với đó là thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, chăm lo củng cố tình đồng chí trong Đảng, chống chủ nghĩa cá nhân. Bố trí đúng người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể. Mất đoàn kết thường xảy ra giữa các cán bộ chủ chốt hoặc xảy ra do người đứng đầu tổ chức đảng và chính quyền không đủ khả năng xây dựng khối đoàn kết thống nhất.

Ngoài ra, cần xây dựng và thực hiện đúng quy chế làm việc. Quy chế làm việc là công cụ lãnh đạo, quản lý; là cơ sở bảo đảm sự thống nhất hoạt động của các thành viên của tổ chức; là văn bản pháp lý để giải quyết mối quan hệ giữa các thành viên trong tổ chức và giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị. Phát hiện sớm và tập trung xử lý dứt điểm tình trạng mất đoàn kết. Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm hiện tượng mất đoàn kết, xác định đúng nguyên nhân và tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, xử lý nghiêm những người gây ra mất đoàn kết. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; xóa bỏ các bất bình đẳng về thu nhập, điều kiện làm việc. Các sơ hở, bất hợp lý của cơ chế, chính sách là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất đoàn kết. Đặc biệt là, phải phòng, chống sự tấn công phá hoại khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng của các thế lực thù địch.

HOÀNG ANH

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202403/tang-cuong-doan-ketthong-nhat-trong-dang-3562b6b/