Tăng cường đoàn kết sức mạnh quân đội các nước ASEAN

Trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, quân đội của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tái khẳng định nỗ lực thắt chặt tình đoàn kết; kiên trì lập trường nguyên tắc, giải quyết hòa bình các tranh chấp, bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 17 (ACDFM-17) tại điểm cầu Hà Nội, Việt Nam. Ảnh: Hà Thu

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 17 (ACDFM-17) tại điểm cầu Hà Nội, Việt Nam. Ảnh: Hà Thu

Tăng cường sức mạnh tập thể

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới gây thiệt hại nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia, bất ổn an ninh tại nhiều “điểm nóng” trên thế giới vẫn diễn ra, trong đó có Biển Đông. Giới chuyên gia khu vực nhìn nhận, thời gian gần đây, diễn biến phức tạp trên Biển Đông có thể gia tăng hơn nữa nếu các bên liên quan không kiềm chế các hành động làm leo thang căng thẳng.

Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhìn nhận, nỗ lực của từng quốc gia liên quan và sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên ASEAN đã và đang duy trì có hiệu quả động lực cho sự hợp tác. ASEAN đang đối diện với những thách thức không nhỏ nhằm hoàn thành mục tiêu Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Tuy nhiên, ASEAN đang giữ vững vai trò trung tâm trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực. Trong đó, quân đội của các nước ASEAN đã, đang và cần phải tiếp tục làm tốt nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, ổn định, đặc biệt là xây dựng lòng tin, nâng cao năng lực và khả năng phối hợp chung giữa quân đội các quốc gia, dựa trên việc phát huy hiệu quả từ các cơ chế hợp tác đã có.

Tại Hội nghị trực tuyến Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 17 (ACDFM-17) diễn ra cuối tuần trước, đại diện quân đội các nước ASEAN đều cùng thống nhất đánh giá cao vai trò và nỗ lực của Việt Nam trong cương vị là Chủ tịch ASEAN năm 2020, đặc biệt là Việt Nam đã triển khai nhiều sáng kiến hiệu quả ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Đối với nhiệm vụ duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, quân đội các quốc gia ASEAN nhấn mạnh việc phải kiên trì lập trường nguyên tắc, giải quyết hòa bình các tranh chấp, bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982. Quân đội các quốc gia ASEAN cũng chỉ ra rằng, phải tăng cường hơn nữa sự hợp tác thực chất, đặc biệt là nỗ lực tăng cường gắn kết nội khối nhằm củng cố sự tin cậy... Trước những biến động tại khu vực, các quốc gia cần tăng cường hơn nữa sức mạnh tập thể, cùng chung tay ứng phó có hiệu quả trước những thách thức an ninh nhằm hoàn thành các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

Tăng cường đối thoại, hợp tác

Mới đây, tại Hội nghị Cục trưởng Tác chiến quân đội các nước ASEAN lần thứ 10 diễn ra theo hình thức trực tuyến, Trung tướng Thái Đại Ngọc, Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam cho rằng, nguy cơ xảy ra va chạm quân sự giữa các nước liên quan trên Biển Đông và Biển Hoa Đông ngày càng cao. Nguyên nhân xuất phát từ sự gia tăng các hoạt động quân sự bất chấp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982 và các cam kết tại khu vực. Cùng với đó, ảnh hưởng của Covid-19 cũng đang là một trở ngại khi làm phân tán sự quan tâm của quốc tế.

Chỉ rõ về quá trình hợp tác trong thời gian tới, theo Trung tướng Thái Đại Ngọc, các nước cần tăng cường hợp tác xây dựng lòng tin thông qua luật pháp quốc tế và các cam kết khu vực. Cùng với đó là hợp tác trong hoạt động quân sự chung như diễn tập, thực hành các bộ quy tắc, tránh va chạm bất ngờ trên biển và hướng dẫn tránh va chạm bất ngờ trên không. Tăng cường đối thoại giữa các lực lượng sẽ góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau nhằm giải quyết vấn đề ngay từ “gốc rễ”, từ đó ngăn chặn kịp thời các mầm mống gây ra bất ổn.

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Lát, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Lát, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN

Nhìn nhận về những diễn biến mới trên thực địa Biển Đông giới chuyên gia quốc tế đánh giá, bên cạnh việc củng cố nội lực của từng nước và sự đoàn kết giữa các quốc gia thì ngoại giao cũng là giải pháp tạo nên sự ổn định bền vững. Phương hướng chung tay xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) mà ASEAN đang dẫn dắt là một giải pháp đúng đắn, tạo nên cơ sở ràng buộc các bên liên quan tuân thủ các chuẩn mực của quốc tế. Tuy nhiên, để đạt được thỏa thuận này, ASEAN sẽ cần phải nỗ lực rất lớn để đạt được sự đồng thuận giữa các bên.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 53 diễn ra đầu tháng 9 vừa qua, các nước ASEAN đã tiếp tục kêu gọi thúc đẩy các cuộc đàm phán về COC sớm được diễn ra và sớm hoàn tất một COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982. Cũng theo giới chuyên gia quốc tế, thế giới hiện nay đang chịu nhiều ảnh hưởng do cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc và ASEAN cũng đang gặp tình thế khó khăn trong cuộc chiến giữa 2 cường quốc này. Trong đó, các cuộc tập trận và triển khai quân sự của cả Mỹ và Trung Quốc làm dấy lên lo ngại khi tiềm ẩn một cuộc xung đột quân sự, trong đó có cả khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy, ASEAN phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc củng cố sức mạnh tập thể, luôn chủ động, không phụ thuộc vào các thế lực chi phối, thích ứng hiệu quả và thực sự phát huy vai trò trung tâm ASEAN dẫn dắt các chiến lược đảm bảo hòa bình, ổn định tại khu vực.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tang-cuong-doan-ket-suc-manh-quan-doi-cac-nuoc-asean-post433668.html