TĂNG CƯỜNG CHẾ TÀI XỬ LÝ NGHIÊM MINH CÁC VI PHẠM VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Quan tâm tới dự luật, PGS.TS. Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, dự thảo luật lần này cần tăng cường chế tài xử lý nghiêm minh các vi phạm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ nhằm đảm bảo an ninh, trật tự.

Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024)

Theo Bộ Công an, qua 05 năm thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tiến hành thường xuyên, rộng khắp, hiệu quả, qua đó đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã phát sinh một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đã bộc lộ hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm; Một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp chưa phù hợp với thực tiễn;…

Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đồng thời, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong tình hình mới. Dự thảo Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) xin ý kiến được thiết kế gồm 8 chương, 74 điều, trong đó đã sửa đổi 54/76 điều, bổ sung 01 điều, bỏ 03 điều so với Luật hiện hành.

Theo Chương trình Xây dựng luật pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 (5/2024) tới đây.

Sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ thủ tục không cần thiết

Tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, PGS.TS. Bùi Thị An cho rằng, Luật hiện hành đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, giúp nâng cao ý thức người dân và đặc biệt trong phòng chống tội phạm đảm báo an ninh xã hội, đảm bảo cuộc sống yên bình,... Tuy nhiên, qua thực tế và đặc biệt với sự hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước ta với khu vực và thế giới cũng như sự phát triển của khoa học công nghệ đã xuất hiện một số bất cập cả về quản lý ( thủ tục hành chính) cũng như trong quản lý hiện vật, vì vậy việc sửa đổi lần này là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý.

Tiếp cận dự thảo luật, PGS.TS. Bùi Thị An đánh giá cao cơ quan soạn thảo, đã nắm chắc thực tiễn, có số liệu thông kê chi tiết của từng loại hình, có cơ sở khoa học để từ đó đưa ra các nội dung thực sự cần cho công tác quản lý cũng như sử dụng vũ khí, vật liệu nổ đạt mục đích để phục vụ sự phát triển kinh tế và cuộc sống bình yên của nhân dân và an ninh của xã hội xã hội như: Cải cách thủ tục hành chính hợp lý, nhanh gọn nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ trong cấp phép, tăng hiệu quả quản lý bằng cách trao đúng chức năng cho các bộ quản lý chuyên ngành.

PGS.TS. Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Đồng thời, PGS.TS. Bùi Thị An cũng bày tỏ đồng tình với những quan điểm và nội dung đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ từ cơ sở thực tiễn, các khái niệm, những mặt tốt cũng như tồn tại, rồi mục đích, quan điểm xây dựng luật đến bố cục và cuối cùng là nội dung cần sửa. Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, PGS.TS. Bùi Thị An kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quan tâm một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, rà soát lại các luật có liên quan như Luật Hóa chất, vì chúng ta quản không chặt nên các loại hóa chất (thậm chí kể cả các loại hóa chất rất độc hại ) mà ở thị trường Việt Nam ta (ở một số nước thì gần như không thể) vẫn mua được, điều này rất nguy hại vì hóa chất là nguyên liệu đầu vào của các loại vật liệu nổ, hay các tiền chất để sản xuất ra các loại thuốc gây chết người ...

Thứ hai, nước ta đường biên rất lớn vì vậy ngoài việc quản lý qua các đường chính ngạch (Hải quan quản lý về nhập khẩu) thì trao trách nhiệm cho ai?: Biên phòng hay Công an các địa phương có cùng biên ?, vì trên thực tế các loại vũ khí, vật liệu nổ, cùng các công cụ hỗ trợ đã được nhập lậu với số lượng cũng không ít, nên chăng việc chặn đứng việc buôn lậu này cần phải được đặt ra.

Thứ ba, về quản lý thì ngoài việc của các cơ quan theo chức năng phải trao trách nhiệm chính cho người đứng đầu địa phương, nếu có hiện tượng gì liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ cùng công cụ hỗ trợ xảy ra ở địa phương mình (theo quy mô được trao) là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng, chỉ có như vậy mới hy vọng luật sau khi ban hành có tính khả thi, hiệu quả cao .

Thứ tư, cần tăng chế tài xử phạt để triệt tiêu những sai phạm trong lĩnh vực này, đồng thời trao trách nhiệm cho truyền thông công khai danh tính những chế tài này đến xử phạt ( mang tính răn đe ) với từng người dân, mọi nơi (nhất là vùng sâu, vùng xa...) những vùng mà nhân dân thường nói là cần có vũ khí để tự bảo vệ, nhưng có lẽ cũng nên có cách khuyến khích vật chất thích hợp theo giá của từng loại hình cho những người tự nguyện giao nộp lại cho chính quyền./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85682