Tăng cường các giải pháp để phát triển lâm nghiệp bền vững. Bài 1: Giữ rừng từ gốc

Trong những năm qua, để thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp, tỉnh đã tập trung bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm gỗ qua chế biến, chuyển đổi diện tích rừng trồng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, gắn với chứng chỉ rừng. Kinh tế lâm nghiệp đã đóng góp một phần không nhỏ trong GRDP của tỉnh và tạo việc làm cho nhiều lao động, nâng cao ý thức của người dân trong trồng và chăm sóc bảo vệ rừng. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành lâm nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Có ba nhiệm vụ trọng tâm cần được tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả là làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên; phát triển và nâng cao năng suất của rừng; nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm lâm nghiệp để phát triển lâm nghiệp bền vững trong giai đoạn tới.

 Lực lượng bảo vệ rừng kiểm tra phương án tuần tra phòng cháy, chữa cháy rừng vào những tháng cao điểm của mùa khô - Ảnh: T.Q

Lực lượng bảo vệ rừng kiểm tra phương án tuần tra phòng cháy, chữa cháy rừng vào những tháng cao điểm của mùa khô - Ảnh: T.Q

Dựa vào dân để giữ rừng

Bước vào mùa khô cũng là lúc lực lượng giữ rừng rất bận rộn, vừa tập huấn, thực hành, vừa tuần tra, canh rừng bất kể ngày đêm... Có trải qua cảm giác đi dưới trời nắng gắt, cực nhọc khi len lỏi giữa những cánh rừng mới thêm quý mến tinh thần trách nhiệm của những người từng ngày âm thầm góp sức giữ bình yên cho rừng.

Có một câu chuyện liên quan đến giữ rừng khiến Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Hướng Hóa - Đakrông Nguyễn Công Tuấn nhớ mãi. Ở bản Vùng Kho, xã Đakrông, huyện Đakrông có một thanh niên tên là T. nhiều lần lén lút khai thác rừng trái phép. Các cán bộ BQLR tìm cách tiếp cận để vận động, tuyên truyền anh T. hợp tác bảo vệ, phát triển rừng, nhưng anh luôn lánh mặt, từ chối nói chuyện. Một hôm, khi cán bộ công an phụ trách địa bàn báo lại là anh T. đồng ý gặp, ông Tuấn vội vã đến nhà để tìm hiểu hoàn cảnh của T. Sau câu chuyện tâm tình, hiểu được lý do vì gia đình khó khăn nên anh T. mới có hành vi khai thác rừng để bán lấy tiền trang trải cuộc sống, ông Tuấn đề nghị anh T. tham gia lực lượng bảo vệ rừng, tuy nhiên anh từ chối. Một thời gian sau, đột nhiên anh T. chủ động liên hệ đề nghị được tham gia bảo vệ rừng. Quyết định tham gia lực lượng bảo vệ rừng đã cho anh T. một “nghề” chính đáng. Anh là một trong số những người năng nổ, nhiệt tình trong thực hiện nhiệm vụ. “Tôi đã có gần 20 năm gắn bó với núi rừng ở đây nên hiểu khá rõ người dân tộc Pa Kô và Vân Kiều về quan niệm, ứng xử với núi rừng. Đó là tình cảm thiêng liêng, khăng khít giữa con người với thiên nhiên. Để giữ rừng hiệu quả, trước hết phải hiểu dân, gần dân và làm tốt công tác tuyên truyền thì mỗi người dân là một người bảo vệ rừng đắc lực”, ông Nguyễn Công Tuấn chia sẻ “bí quyết” để bảo vệ rừng phòng hộ trên địa bàn đơn vị quản lý.

Đặc thù của BQLRPH Hướng Hóa - Đakrông là quản lý địa bàn rộng với hơn 23.160 ha đất rừng phòng hộ xung yếu nằm trải dài theo 13 xã và 2 thị trấn thuộc 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Địa hình rừng núi phức tạp, độ dốc lớn, chia cắt mạnh bởi nhiều khe suối, giao thông đi lại khó khăn, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ chặt phá rừng, vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, nhất là các hoạt động khai thác lâm sản, rà tìm phế liệu chiến tranh, đốt rừng và lấn chiếm đất làm nương rẫy…Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện lực lượng mỏng, đơn vị đã xây dựng các phương án phối hợp với chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm và các chủ rừng liền kề để triển khai công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Nhằm ngăn ngừa các hành vi lấn chiếm đất rừng phòng hộ, phá rừng tự nhiên, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép và các hành vi xâm hại rừng phòng hộ, vừa qua đơn vị đã tham mưu với các địa phương triển khai lập 3 tổ chốt chặn tại các Tiểu khu 679 xã Hướng Linh, Tiểu khu 761HU xã Húc và Tiểu khu 680 xã Đakrông. Nhờ đó đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy đuổi các hành vi xâm hại đến rừng và đất lâm nghiệp. Thời gian qua, đơn vị đã tổ chức giao khoán 10.200 ha rừng cho 237 hộ gia đình ở cạnh bìa rừng nhận khoán bảo vệ rừng. Các nhóm hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng đã thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác trên các khu vực rừng được giao. Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng và lấn chiếm đất rừng, báo cáo về ban và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý.

BQLRPH lưu vực sông Thạch Hãn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và đất rừng phòng hộ hơn 7.711 ha, trong đó có gần 4.100 ha rừng tự nhiên và hơn 3.350 ha rừng trồng. Địa bàn rộng, địa hình đồi núi dốc, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn nên để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ hiệu quả, lực lượng bảo vệ rừng của ban đã thường xuyên kiểm tra, bám sát địa bàn, phân công cán bộ phụ trách, nắm bắt thông tin. Cách làm hiệu quả của đơn vị là thực hiện ký hợp đồng giao khoán trồng và chăm sóc rừng, cam kết bảo vệ rừng, PCCCR cho 57 nhóm hộ/345 hộ gia đình với diện tích gần 1.350 ha. Đặc biệt, để đảm bảo thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, ngoài cán bộ viên chức của BQL, hằng năm, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, đơn vị đã ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng phòng hộ với 2 tổ nhận khoán bảo vệ rừng gồm đa số là người địa phương trên diện tích khoảng 3.765 ha. “Do là người địa phương nên các tổ, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng rất thông thuộc địa hình, có khả năng cơ động nhanh. Nhờ vậy, trong những năm qua, người dân đã phối hợp rất tốt với lực lượng chuyên trách, cán bộ BQL trong việc bảo vệ rừng, PCCCR”, Giám đốc BQLRPH lưu vực sông Thạch Hãn Trần Xuân Dưỡng nhấn mạnh.

Đơn vị cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn phát hiện kịp thời các vụ vi phạm lâm luật, phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng trên địa bàn triển khai quyết liệt các biện pháp chống các hành vi xâm hại rừng. Trong các nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ rừng, công tác PCCCR luôn được đặt lên hàng đầu. Cùng với việc đầu tư phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR, bố trí người túc trực tại các chòi canh lửa 24/24 giờ vào những tháng trọng điểm nắng nóng, hanh khô, đơn vị đầu tư nâng cấp, mở mới hệ thống đường ranh cản lửa, luỗng phát thực bì rừng phòng hộ ở những vùng trọng điểm để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra.

Toàn tỉnh hiện có hơn 61.659 ha rừng đặc dụng, 61.957 ha rừng phòng hộ và 111.420 rừng sản xuất. Tỉ lệ độ che phủ rừng đạt trên 50%, tăng 2,5% so với năm 2011. Trong đó, đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, hình thức quản lý chủ yếu là giao cho các BQL rừng phòng hộ, đặc dụng. Đối với những diện tích xung yếu, vùng có nguy cơ xâm hại cao được đầu tư hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng từ vốn ngân sách, vốn tài trợ thông qua các chương trình, dự án. Công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức, có trọng tâm, trọng điểm. Việc tổ chức rà soát các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng, lập bản đồ PCCCR, tu sửa hệ thống đường ranh cản lửa, đường lâm nghiệp, chòi canh lửa, điểm tiếp nước, dự báo nguy cơ cháy rừng, thông tin cấp cháy rừng đến các đơn vị được thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhờ vậy, số vụ cháy rừng và vi phạm lâm luật trên địa bàn tỉnh đã giảm dần qua các năm.

Cần có chính sách hợp lý cho người giữ rừng

Mặc dù đã gần 10 tháng trôi qua nhưng những hậu quả của đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020 vẫn hiện hữu trên những cung đường vào các khu vực có rừng đặc dụng ở địa bàn các xã Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, thuộc địa bàn quản lý của BQLRPH lưu vực sông Bến Hải. Trong chuyến đi tuần tra rừng cùng lực lượng của ban, mất gần 30 phút đi trên con đường mòn lổn nhổn đất đá cùng chiếc xe máy chuyên dụng liên tục cài số 1 để leo dốc, chúng tôi mới tới được điểm chốt bảo vệ rừng. Từ đây, thêm gần 2 giờ đồng hồ đi bộ luồn rừng, cả đoàn dừng nghỉ chân cạnh con suối nhỏ. Phó Giám đốc BQLRPH lưu vực sông Bến Hải Hoàng Duy Quang cho biết, mỗi chuyến tuần tra đều phải mất từ 3 - 5 ngày, thậm chí dài hơn nếu gặp mưa lớn, nước suối dâng cao. Do vậy, ngoài những công cụ hỗ trợ, mỗi khi đi tuần, mọi người đều phải mang theo gạo, lương khô, mỳ ăn liền, tăng, võng… để ăn, ngủ lại trong rừng. Vất vả là thế nhưng để bắt giữ, đẩy đuổi những đối tượng “lâm tặc” cũng hết sức gian nan. Có nhiều đối tượng hung hăng, lại có hung khí nên khi bị phát hiện thì sẵn sàng chống trả lại lực lượng bảo vệ rừng. Những lúc như vậy, BQL phải phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức mật phục, bao vây mới có thể khống chế được.

Theo ông Quang, khó khăn nhất hiện nay của đơn vị là địa bàn quá rộng trong khi lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng quá ít. Đơn cử như Trạm quản lý bảo vệ rừng Vĩnh Hà - Vĩnh Ô thời điểm nhiều nhất cũng chỉ có từ 4 - 5 người nhưng phải quản lý hơn 9.320 ha rừng nên cự ly đi tuần tra bảo vệ rừng mỗi chuyến từ 50 - 100 km. Trong khi tình trạng khai thác lâm sản trái phép và lấn chiếm đất rừng của các đối tượng ngày càng tinh vi. Mức chi cho lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng còn quá thấp, bình quân chỉ từ 1 triệu đồng/hộ, với định mức giao khoán 30 ha/hộ nhưng đến thời điểm này BQL vẫn chưa được cấp kinh phí để chi trả cho dân. “Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng đề nghị cần tăng thêm định mức biên chế, số lượng người làm việc trong đơn vị, đảm bảo 500 ha/biên chế. Đồng thời, sớm phê duyệt nguồn vốn giao khoán bảo vệ rừng để lực lượng này yên tâm công tác”, ông Quang đề xuất.

Còn tại huyện Đakrông, với diện tích hơn 42.000 ha, bao gồm Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông và Khu BTTN đường Hồ Chí Minh nhưng đến thời điểm này, tổng số cán bộ công chức, viên chức và lao động hợp đồng của 2 đơn vị BQL Khu BTTN Đakrông và Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Đakrông chỉ có 29 người. Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Đakrông Đinh Thiên Hoàng cho biết, đặc thù của khu vực ban quản lý là diện tích rừng tự nhiên lớn, đa dạng và có trữ lượng gỗ tương đối cao, nhiều loại lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế, địa hình lại trải dài trên nhiều xã, giáp ranh với nhiều địa phương, thành phần dân số chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, đời sống còn khó khăn, sống phụ thuộc vào rừng… Do vậy, mặc dù đơn vị đã triển khai tổng cộng 16 chốt bảo vệ rừng, 3 trạm kiểm lâm khu vực tại các địa bàn trọng yếu nhưng tình trạng khai thác gỗ nhỏ lẻ vẫn còn xảy ra, nhất là ở những vùng giáp ranh với tỉnh Thừa Thiên Huế, có địa hình hiểm trở.

Mặc dù công tác quản lý, bảo vệ rừng đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng tình trạng khai thác rừng, xâm lấn rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra. Việc thực hiện một số chính sách lâm nghiệp về bảo vệ và phát triển rừng còn bất cập, còn mang tính hỗ trợ, không toàn diện nên chưa tạo được động lực mạnh mẽ để thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế rừng. Trong khi đó, ngân sách tỉnh còn hạn chế, chưa bố trí nguồn kinh phí đáng kể cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng thường xuyên, đảm bảo đúng định mức, quy định hiện hành. Công tác kiểm tra, giám sát việc bảo vệ rừng của các chủ rừng, phối hợp nắm thông tin, tổ chức truy quét ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng chưa quyết liệt. Ngoài ra, do nhu cầu sử dụng gỗ gia dụng lớn trong khi nguồn cung gỗ rừng tự nhiên ngày càng hạn chế, thói quen sử dụng nguồn gỗ tự nhiên trong nước của người dân... đã đẩy giá gỗ rừng tự nhiên trong nước tăng cao dẫn đến tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, việc xâm lấn rừng vẫn còn xảy ra.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ có nhiều giải pháp để tiếp tục quản lý bảo vệ, giữ vững ổn định diện tích rừng tự nhiên hiện có. Thực hiện các giải pháp khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi rừng nhằm nâng cao chất lượng rừng, bảo vệ, sử dụng, kinh doanh hiệu quả diện tích rừng trồng. Đồng thời tăng cường công tác trồng rừng, trồng cây phân tán, trồng rừng thay thế, tiến đến phủ xanh diện tích đất trống lâm nghiệp chưa có rừng. Đẩy nhanh tiến độ giao đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng đối với diện tích do các công ty lâm nghiệp trả về địa phương, diện tích rừng UBND cấp xã hiện đang quản lý. Tiếp tục tổ chức lực lượng khoán bảo vệ rừng từ các nguồn vốn nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời tạo việc làm, hỗ trợ một phần nguồn thu nhập từ rừng cho người dân sinh sống gần rừng. Ngành nông nghiệp cũng đề xuất tỉnh cần quan tâm xây dựng chính sách, bố trí kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là cần giải quyết vấn đề sinh kế của người dân sống gần rừng, chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng.

Lê An - Thanh Trúc

Bài 2: Nâng cao giá trị của rừng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=160588&title=tang-cuong-cac-giai-phap-de-phat-trien-lam-nghiep-ben-vung-bai-1-giu-rung-tu-goc