Tăng chất lượng và tính chuyên nghiệp

Tại Tọa đàm đóng góp ý kiến dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) do Bộ Tư pháp vừa tổ chức, không ít ý kiến cho rằng, cần có quy định cụ thể để nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ công chứng viên cũng như bảo đảm được tính chuyên nghiệp của hoạt động công chứng.

Bảo đảm chất lượng đầu vào

Theo Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Lê Xuân Hồng, một trong những quy định mới của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đó là giảm thời gian đào tạo nghề công chứng. Theo đó, để góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ công chứng viên, dự thảo Luật quy định những đối tượng được miễn đào tạo nghề và tham gia bồi dưỡng nghề công chứng theo quy định của Luật Công chứng hiện hành sẽ tham gia đào tạo nghề, nhưng được giảm thời gian đào tạo nghề công chứng từ 12 tháng xuống còn 6 tháng (khoản 3 Điều 9).

Cụ thể, Điều 10 dự thảo Luật quy định về thời gian tập sự hành nghề công chứng thống nhất là 12 tháng, để giúp cho các đối tượng tập sự đủ thời gian để trải nghiệm, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn. Dự thảo Luật quy định rõ người tập sự hành nghề công chứng phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự để bảo đảm sự nghiêm túc, thực chất của việc tập sự, tránh tình trạng chỉ ghi danh tập sự; bổ sung quy định trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận mà người đạt yêu cầu kiểm tra không đề nghị bổ nhiệm công chứng viên thì giấy chứng nhận hết hiệu lực.

Sửa đổi Luật Công chứng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ công chứng viên. Nguồn: ITN

Để nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, dự thảo Luật bổ sung quy định về độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi. Đồng thời, để bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng, dự thảo Luật cũng có quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Cho rằng quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi phù hợp với thông lệ chung, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình Nguyễn Mạnh Dương nhấn mạnh, quy định như vậy vừa sử dụng và khai thác hiệu quả nguồn lực công chứng viên có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, vừa bảo đảm chất lượng, hiệu quả của hoạt động công chứng.

TS. Hoàng Văn Hữu, Trưởng Văn phòng công chứng Gia Khánh, Hà Nội cũng cho rằng, tiêu chuẩn về độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên "không quá 70 tuổi" là một trong những điểm mới, phù hợp với đa số sức khỏe, độ nhận thức của người Việt và thực tiễn pháp luật một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Đức, Pháp… Từ đó, giúp cơ quan quản lý nhà nước về công chứng có lộ trình trong việc xây dựng đội ngũ "công chứng viên kế cận".

Thống nhất và cụ thể

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận là về công chứng điện tử. Theo đó, từ Điều 60 đến Điều 63, dự thảo Luật đã quy định một số vấn đề cơ bản nhất về công chứng điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định về khái niệm, thời điểm có hiệu lực, giá trị của văn bản công chứng điện tử và việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử, văn bản công chứng giấy; quy định 2 quy trình gồm công chứng điện tử trực tiếp và công chứng điện tử trực tuyến.

Đại diện Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định các vấn đề cụ thể về công chứng điện tử và triển khai thực hiện quá trình chuyển đổi số hoạt động công chứng trên thực tế. Bao gồm: công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử; việc công chứng điện tử phải bảo đảm các nguyên tắc cụ thể; việc cung cấp dịch vụ công chứng điện tử chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện cụ thể.

Cho rằng quy định về công chứng điện tử tương đối sát với đặc điểm của công chứng điện tử trên thế giới, không ít ý kiến cho rằng, dự thảo đã thể hiện được đầy đủ các đặc điểm của hoạt động công chứng điện tử, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc, điều kiện theo yêu cầu pháp luật của Việt Nam. Song, để bảo đảm phát huy giá trị và lợi ích của công chứng điện tử, từ kinh nghiệm của hầu hết các quốc gia đã triển khai công chứng điện tử, hoạt động này cần được thực hiện trên một nền tảng thống nhất gắn với một cơ sở dữ liệu công chứng tập trung có sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước hoặc tổ chức nghề nghiệp.

Nhằm tăng cường quản lý nhà nước về công chứng, dự thảo Luật cũng quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng, phải căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập.

Đáng chú ý, dự thảo Luật đã tập trung sửa đổi, bổ sung quy định làm rõ nội dung quản lý nhà nước về công chứng, quản lý đối với Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh trong quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương nhằm tăng quyền chủ động quyết định phù hợp với điều kiện thực tế như ban hành Đề án quản lý, phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương…

Ông Nguyễn Mạnh Dương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình đánh giá, quy định như dự thảo Luật là rất phù hợp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về công chứng. Những quy định trên sẽ tạo tính chủ động cho địa phương trong thành lập tổ chức hành nghề công chứng, bảo đảm phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương đồng thời thúc đẩy nghề công chứng phát triển bền vững, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh.

Thảo Mộc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/tang-chat-luong-va-tinh-chuyen-nghiep-i363168/